
Mặc dù hai phiên giao dịch ngày 15 và 16/7, VN-Index tăng điểm trở lại, nhưng theo phân tích kỹ thuật, điều đó không có nghĩa là xu thế xuống giá đã đảo chiều.
Phiên giao dịch ngày 13/7 đánh dấu sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 450 điểm, VN-Index tiếp tục giảm xuống chạm ngưỡng hỗ trợ mới. Đợt tiếp tục rớt giá này là dễ nhận biết, do mô hình "tam giác vuông" xuất hiện khá sớm (xem đồ thị). Chỉ cần đỉnh thứ 3 xuất hiện thấp hơn 2 đỉnh trước đó với các phiên chạm đáy gần như nằm trên một đường thẳng là giới phân tích kỹ thuật có thể dự đoán diễn biến tiếp theo của VN-Index.
![]() Mô hình tam giác vuông |
Theo quy luật, khi thị trường chạm ngưỡng hỗ trợ, bắt đầu những phiên điều chỉnh thì đồ thị phân tích kỹ thuật thường xuất hiện các mô hình. Có thể là hình tam giác cân, tam giác vuông… Sự điều chỉnh càng kéo dài thì mô hình càng rõ.
Thông qua các mô hình này, giới phân tích kỹ thuật có thể dự đoán xu hướng tiếp theo của thị trường. Nếu mô hình đi ngang, chuyển động nhấp nhô gần như trên một đường thẳng hoặc thiết lập theo hình tam giác cân thì rất khó dự đoán. Lúc đó, vai trò của thông tin là vô cùng quan trọng.
Mô hình tam giác vuông với 4 đỉnh và 3 đáy tại ngưỡng hỗ trợ trên dưới 450 điểm của VN-Index đã hình thành trong quá trình chuyển động đi ngang. Mô hình tam giác vuông xuất hiện lần này chưa được hoàn chỉnh do điểm C chưa diễn ra những phiên giao dịch lên xuống với biên độ dao động thấp. Điều đó có nghĩa là phiên phá đáy diễn ra sớm hơn so với những biến động thông thường.
Khi mô hình tam giác vuông được thiết lập, giới phân tích có thể dự đoán về sự phá vỡ ngưỡng tiếp theo. Thông thường, điểm C sẽ là những phiên giao dịch có khối lượng thấp và biên độ dao động lên xuống chỉ một vài điểm. Kết thúc mô hình là phiên biến động mạnh, phá vỡ thế đi ngang.
Khi mô hình tam giác vuông được thiết lập trong quá trình đi ngang, xác suất tiếp tục rớt giá là khá cao, mặc dù trong quá khứ của TTCK Việt Nam, mô hình này đã một lần hình thành và kết thúc xu hướng là sự chuyển động đi lên, phá vỡ quy luật thông thường của TTCK thế giới.
Phiên giao dịch ngày 15 và 16/7, VN-Index đã tăng điểm trở lại với giá trị giao dịch khá thấp có thể chỉ là sự phục hồi bởi phản ứng kỹ thuật. Khi thị trường giảm điểm liên tục trong 6 phiên và rớt mạnh ở những phiên sau cùng thường có những phiên bật trở lại do lượng cung cạn kiệt trong ngắn hạn. Khả năng tăng giá trở lại để đảo chiều xu thế là rất khó.
Hiện nay, thị trường đang nằm trong xu thế xuống giá (ngắn hạn). Với tình hình chung về mặt tâm lý đầu tư cũng như lượng tiền trung bình luân chuyển trên thị trường thời gian gần đây, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo có thể nằm trong khoảng 400 - 420 điểm.
VN-Index không giảm sâu do giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay không còn cao, lượng tiền ra khỏi TTCK chưa nhiều, các tổ chức đầu tư vẫn đang chờ đợi để tiếp tục giải ngân theo đà phục hồi kinh tế.
Cho đến nay, vẫn còn không ít công ty chứng khoán đưa ra nhận định rằng, xu thế của thị trường vẫn chưa rõ ràng và khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, mua vào bắt đáy hay chấp nhận đầu tư dài hạn...
Trong xu thế xuống giá, các ngưỡng hỗ trợ chưa thể gọi là đáy hay quá trình tích lũy của cổ phiếu. Chỉ khi nào hỗ trợ chuyển thành kháng cự thì mới có thể dùng thuật ngữ như vậy. Nếu bất cứ mức hỗ trợ nào cũng là đáy thì TTCK sẽ không còn rủi ro.