Thất thu không nhỏ
Tuyến đường ĐT 768 là trục đường huyết mạch nối liền TP. Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), với mật độ phương tiện lưu thông lớn. Trong đó, Dự án BOT đường ĐT 768 có tổng chiều dài 48 km, với tổng mức đầu tư hơn 811 tỷ đồng.
Bản cáo bạch niêm yết năm 2018 cho biết, SZC đã đưa vào thu phí các trạm 1, 2a, 2b, 3a, 3b và 4a trong dự án BOT 768 với vốn đầu tư tới ngày 31/12/2017 là 338,48 tỷ đồng. Dự án được cấp phép ngày 11/1/2010, thời gian đầu tư là 35 năm. Như vậy, thời hạn của dự án còn tương đối dài.
Theo phía doanh nghiệp, hạng mục thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng Dự án BOT đường 768 được Công ty trình báo cáo nghiên cứu khả thi ngày 12/5/2020.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án để triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Chính vì vậy, dự án hiện tại tạm dừng thu phí các trạm số 1, 3a, 3b trên đường 768; trạm 2a, 2b trên đường Đồng Khởi; trạm 4a trên đường Nhà máy nước Thiện Tân.
Báo cáo tài chính của Công ty cũng cho biết, mỗi năm, mảng thu phí đường bộ đóng góp trên 30 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gộp, tỷ trọng 19,8% năm 2019 và chiếm tỷ trọng 12,8% lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2020. Việc Công ty công bố tạm dừng thu phí khiến một số cổ đông, nhà đầu tư e ngại việc này nếu kéo dài sẽ gây thất thu một khoản doanh thu, lợi nhuận không nhỏ cho Công ty.
Không đáng ngại trong dài hạn
Trong ngắn hạn, ảnh hưởng này có thể là đáng kể, nhưng về dài hạn lại không đáng ngại. Bởi lẽ, Công ty đang phát triển mạnh mảng kinh doanh bất động sản (khu công nghiệp và đô thị) và đây hứa hẹn là mảng tạo đà tăng trưởng cao cho Công ty trong tương lai.
Báo cáo tài chính của Công ty cho biết, tính tới 30/9/2020, SZC đang có chi phí xây dựng cơ bản dở dang 2.971,4 tỷ đồng, chiếm 77,6% tổng tài sản, tập trung ở dự án Khu công nghiệp, khu đô thị Châu Đức. Đây là một trong những dự án đầu tư khu phức hợp công nghiệp đô thị lớn hàng đầu cả nước.
Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Châu Đức có diện tích 1.556,14 ha (trong đó, 194,04 ha khu công nghệ cao, 775,18 ha khu công nghiệp đa ngành và 140,03 ha khu công nghiệp ít ô nhiễm), còn Khu đô thị Châu Đức có diện tích 690,55 ha.
Tính tới cuối năm 2019, SZC đã nhận bàn giao 1.462,89 ha đất, gồm 1.052,1 ha đất khu công nghiệp và 410,79 ha đất khu đô thị.
Như vậy, quỹ đất cho thuê, phát triển khu đô thị của doanh nghiệp vẫn còn tương đối lớn và đây tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp trong những năm sắp tới.
Mới đây, doanh nghiệp cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng. SZC không công bố mục đích cụ thể, nhưng nhiều khả năng tiếp tục huy động vốn đẩy mạnh triển khai dự án Khu công nghiệp, khu đô thị Châu Đức.
Cụ thể, tính tới 30/9/2020, SZC sở hữu 335,1 tỷ đồng tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 8,7% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Điều này trái ngược lại hoàn toàn với các doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Phát triển Đô thị công nghiệp số 2 (D2D) sở hữu tới 1.079,9 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 53,6% tổng tài sản; Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) sở hữu 1.529,3 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 36,65 tổng tài sản…
Như vậy, SZC vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và cần huy động vốn lớn để đẩy mạnh quá trình khai thác quỹ đất tại dự án Khu công nghiệp, khu đô thị Châu Đức. Nếu việc khai thác thuận lợi sẽ giúp tình hình tài chính của doanh nghiệp cải thiện trong tương lai như trường hợp của D2D, NTC…