Hình ảnh mới không chỉ tăng tính uy nghiêm của cơ quan xét xử mà còn hứa hẹn đằng sau đó là những phán quyết công tâm và cải cách tư pháp sâu rộng trong ngành.
Giới chuyên gia nhận định, 2016 là một năm luật pháp có nhiều hướng biến chuyển mang tính tiến bộ, tích cực, có sự giao thoa giữa doanh nghiệp và cơ quan lập pháp.
Coi trọng mô hình tranh tụng
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội), mô hình xét xử hình sự là sự pha trộn giữa buộc tội, thẩm vấn và tranh tụng. Hiến pháp 2013 quy định, nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo trong xét xử. Theo tinh thần cải cách tư pháp, hoạt động xét xử tại tòa án ngày càng coi trọng nguyên tắc tranh tụng. Hiện nay, tòa án lấy nguyên tắc tranh tụng làm trọng tâm, cơ bản; kết quả tranh tụng tại phiên tòa được đưa vào nội dung bản án.
Ông Hoàng Văn Hướng dẫn chứng một trường hợp điển hình trong năm qua là vụ án Nguyễn Hoàng Long (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Megastar). Vụ án mới đây đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án. Phán quyết vụ án thể hiện rất rõ hiệu quả mô hình tranh tụng, đề cao vai trò của luật sư khi xem xét, đánh giá chứng cứ.
Tinh thần tranh tụng được nâng cao, thể hiện qua quy trình xét xử, đề cao vai trò của luật sư.
Lật ngược vụ án, từ năm 2012, thông tin doanh nhân Nguyễn Hoàng Long bị cơ quan điều tra “sờ gáy” gây xôn xao dư luận. Bị cáo Nguyễn Hoàng Long bị cáo buộc “móc nối” với giám đốc các công ty con và thông đồng với giám đốc chi nhánh ngân hàng lập các hợp đồng mua bán sắt thép khống, chiếm đoạt số tiền gần 30 tỷ đồng.
Tòa án đưa vụ án ra xét xử nhiều lần nhưng phải hoãn, tạm dừng và trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ chứng cứ buộc tội. Đặc biệt, trong quá trình tranh tụng, các luật sư đã thu thập được các hợp đồng thế chấp, có tài sản đảm bảo thật.
Luật sư Hoàng Văn Hướng nhớ lại, những luận cứ của các luật sư được Hội đồng xét xử cân nhắc, chấp nhận tại cả 3 phiên tòa. Sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, bản chất vụ án ngày càng sáng rõ. Kết quả là hậu quả thiệt hại được giảm thiểu từ con số 30 tỷ đồng xuống 18 tỷ đồng và bản án sơ thẩm xác định chỉ còn 14,2 tỷ đồng.
“Như vậy, khách thể vụ án là vi phạm tương ứng với hình phạt và trách nhiệm hình sự cũng thay đổi. Ban đầu, mức án bị đề nghị đến tù chung thân, tòa đã tuyên mức án khởi điểm khung hình phạt đối với các bị cáo. Đặc biệt, hậu quả vụ án đã được khắc phục”, ông Hoàng Văn Hướng nói.
Có thể nhắc đến nhiều vụ án khác có kết quả rõ nét như: vụ Lê Hồ Khôi, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Tràng An, được chuyển tội danh từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang sử dụng trái phép tài sản số tiền hơn 200 tỷ đồng; vụ Lê Minh Anh lừa tiền chứng khoán được tuyên vô tội (mặc dù bản án hiện đang bị kháng nghị); vụ nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được chuyển tội danh từ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Không chỉ trong tố tụng hình sự, nhìn lại nửa năm Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được đưa vào thực tiễn, thấy rõ tinh thần tranh tụng được nâng cao, thể hiện qua quy trình xét xử, đề cao vai trò của luật sư.
Án lệ - Mở nút thắt giải quyết vụ việc
Một trong những điểm nhấn về cải cách tư pháp trong năm 2016 là từ ngày 1/6/2016, 6 án lệ đầu tiên của Việt Nam đã được công bố. Bắt đầu từ thời điểm trên, các tòa án nhân dân và tòa án quân sự nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử.
Đến tháng 12/2016, những án lệ về tranh chấp thương mại cũng xuất hiện, theo đánh giá của chuyên gia, các án lệ này có tác dụng to lớn, làm tăng tính thống nhất trong các vụ án kinh doanh thương mại, vốn rối rắm và phức tạp.
Nguyên tắc áp dụng án lệ là khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Như vậy, án lệ đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và có giá trị như hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Việc áp dụng án lệ được kỳ vọng sẽ giúp việc xét xử công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng áp dụng luật mỗi nơi một kiểu. Đặc biệt là giúp khắc phục những kẽ hở mà luật thành văn chưa quy định, tạo ra tiền lệ để xét xử những vụ án tương tự sau này.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về án lệ, lẽ công bằng và phong tục tập quán địa phương. Trong trường hợp không có luật điều chỉnh, có nhiều nguồn khác để tòa án áp dụng xử lý vụ việc. Điều này giúp mở nút thắt giải quyết các vụ việc đa dạng, phong phú của dân sự.
Dừng Bộ luật Hình sự: Chưa có tiền lệ
Sự kiện nổi bật khác trong năm vừa qua là trước thời hạn Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực 4 ngày (ngày 1/7/2016), ngày 29/6/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập gấp cuộc họp, thảo luận và đi đến thống nhất lùi hiệu lực thi hành luật này. Ngày 30/6/2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết 144 lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự 2015. Kéo theo đó là 3 đạo luật gồm: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng phải lùi hiệu lực thi hành.
Đây là một tiền lệ chưa từng có. Một số ý kiến cho rằng, cần quy trách nhiệm khi xây dựng một đạo luật lớn nhưng lại xảy ra nhiều sai sót.
Nhưng ở góc độ khác, nhiều chuyên gia luật nhận định, việc này mang ý nghĩa tích cực, thể hiện sự dũng cảm, cầu thị của nhà làm luật. Quan trọng nhất là có sự giao thoa giữa tiếng nói của doanh nghiệp và nhà làm luật.
Ngay từ khi dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, một trong những điều luật gây ra nhiều tranh cãi, “dậy sóng” trong các diễn đàn doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp là Điều 292 - Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, quy định đối với các loại hình như kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Rất nhiều ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp lo sợ điều luật này nếu áp dụng trong thực tế sẽ hình sự hóa và đe dọa các doanh nghiệp nhỏ.
Nguyên nhân khiến Bộ luật Hình sự 2015 phải tạm dừng áp dụng vì nhiều lỗi khác nhau, nhưng theo đánh giá của luật sư Vũ Ngọc Chi, pháp luật không bao giờ đuổi kịp thực tiễn. Tuy nhiên, khi các quan hệ kinh tế lên tiếng, các nhà làm luật lắng nghe để doanh nghiệp được hoạt động tốt nhất. Đây là tiền lệ mới, trước đây chưa có sự giao thoa giữa người làm thực tiễn, doanh nghiệp và cơ quan lập pháp.
Trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường, tranh chấp phát sinh ngày càng phức tạp và giao thoa nhiều mối quan hệ rối rắm. Việc tạo lập hành lang pháp lý kịp thời là rất cần thiết, giúp tạo đà cho sự phát triển ổn định, vững vàng của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.