-----------------------------
Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp với những quy định liên quan tới xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, phân phối, thay đổi kỳ hạn, chuyển đổi gốc, lãi trái phiếu…
Chi tiết hơn, các giải pháp quan trọng được nêu trong dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là:
(1) Giãn thời gian áp dụng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 1 năm, tức áp dụng từ 1/1/2024 mới có hiệu lực, thay vì 16/9/2022.
(2) Giãn thời gian “yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc” thêm 1 năm, từ 16/9/2022 sang 1/1/2024 hiệu lực
(3) Dời thời điểm áp dụng về “thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin”, từ 16/9/2022 sang 1/1/2024.
(4) Một nội dung nổi bật trong dự thảo nghị định mới được Bộ Tài chính đề xuất là cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được gia hạn thêm thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Trước thông tin này, có khá nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng đây là thông tin tích cực khi các tổ chức phát hành và trái chủ có thêm thời gian thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các tổ chức phát hành tới hạn, giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, “không có gì thay đổi đáng kể”, chủ yếu vẫn là “đá quả bóng về tương lai” khi vấn đề “tiền đâu” - vẫn rất then chốt - để các tổ chức phát hành xoay sở mua lại các trái phiếu từ các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, hoặc mua lại khi đáo hạn.
Bên cạnh đó, Fed vừa có quyết định tăng lãi suất như dự báo trước đó, với mức tăng 50 điểm cơ bản và nâng phạm vi mục tiêu lên 4,25 - 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm. Mức tăng lần này cũng nhẹ nhàng hơn 4 đợt tăng trước đó, liên tiếp ở mức 75 điểm phần trăm.
Nhiều kỳ vọng thị trường chứng khoán nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng từ nay đến tháng 1 có 2 lực đẩy đáng kể đến từ FED và Trung Quốc mở cửa.
Những thông tin, động thái trên có tác động đến đâu, có ở mức độ như mọi người kỳ vọng không, có kích thích dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán mạnh mẽ, và đâu sẽ là những ngành được hưởng lợi, sẽ được chia sẻ tại talkshow phần 2 kỳ thứ 8 do Báo Đầu tư tổ chức sáng 16/12.
Talkshow phần 2 kỳ thứ 8 do Báo Đầu tư tổ chức có chủ để Chờ tín hiệu tích cực với sự tham gia của hai chuyên gia:
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, và hiện là Giám đốc môi giới Hội sở CTCK Mirae Asset.
Với lợi thế am hiểu ngành nghề và tư duy kinh doanh, ông Tuấn luôn tạo ra thế chủ động và đón đầu các cơ hội trong đầu tư, từ đó giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ và nắm bắt được các xu hướng đầu tư, an tâm về vị thế của mình trên thị trường.
Ông Tuấn đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý gia sản, là người dẫn dắt và đào tạo nhiều đội ngũ chuyên gia đầu ngành, chuyên gia tư vấn và quản lý tài sản cho hơn 5.000 khách hàng là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) 3.000 tỷ đồng.
Cùng sự tham gia của ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK AIS.
Ông Kiên là CFA Charterholder, đã có 16 năm kinh nghiệm phân tích và đầu tư, Giám đốc Trung tâm phân tích Công Ty Chứng Khoán AIS, Giảng viên Tài chính Quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân; Học viện Ngân hàng am hiểu sâu sắc về thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành và quản lý danh mục đầu tư.
Phần II của loạt talkshow CHỌN DANH MỤC do Báo Đầu tư tổ chức được phát trực tiếp trên các kênh youtube, fanpage và báo điện tử của Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, đồng thời, thông tin chương trình sẽ được tổng hợp và phân tích sâu hơn trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư, cũng như các kênh truyền thông, báo chí khác.