Tài xế đầu tiên dừng ôtô quá 5 phút tại trạm BOT bị phạt

Người đàn ông ở Khánh Hòa là tài xế đầu tiên trên cả nước bị phạt 150.000 đồng vì dừng ôtô quá 5 phút tại trạm thu phí BOT.
Tài xế Hùng là người đầu tiên bị xử phạt lỗi dừng xe quá 5 phút tại trạm thu phí BOT. Ảnh: An Phú

Chiều 9/3, tài xế Nguyễn Minh Hùng (38 tuổi, quê Khánh Hòa) lái ôtô con hướng tỉnh An Giang về trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ 91. Tại đây, tài xế yêu cầu nhân viên trạm bán vé cho đoạn đường 100 m mà anh sử dụng (khoảng 2.000 đồng) để sau đó rẽ sang Quốc lộ 80 đi về hướng Kiên Giang.

Nhân viên trạm giải thích chỉ xuất vé toàn tuyến, nhưng tài xế không đồng ý và đậu ôtô tại đây. Gần một giờ sau, Cảnh sát giao thông, Công an quận Thốt Nốt đến lập biên bản xử phạt tài xế này về lỗi Không chấp hành hiệu lệnh của biển báo dừng xe quá 5 phút. Tài xế Hùng ký tên và đóng phạt 150.000 đồng tại chỗ. 

Ngoài ra, Công an quận Thốt Nốt cũng gửi giấy mời tài xế này về trụ sở làm việc vì ngày 27/2, anh cũng có hành vi lái ôtô trên đỗ tại làn thu phí số 6 trạm BOT T2 nhiều giờ dù nhân viên trạm mở barie. Tài xế Hùng cho biết bận việc cá nhân gấp nên đã ký vào giấy hẹn sẽ đến làm việc vào ngày 19/3. 

Ôtô do tài xế Hưng lái đậu tại trạm BOT T2 đêm 27/2. Ảnh: Camera trạm thu phí. 
Đây là trường hợp đầu tiên bị xử phạt hành chính sau khi Tổng Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu lắp biển cấm dừng xe quá 5 phút tại các trạm thu phí BOT trên toàn quốc hồi tháng 1.

Theo Nghị định 46 quy định về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt". Tại Ðiều 5, người điều khiển xe ôtô có hành vi "Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông" bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

Người điều khiển xe ôtô có hành vi "Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông" bị phạt tiền từ 1.200.000 đến 2.000.000 đồng.

Trường hợp người điều khiển ôtô cố ý không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" tại Ðiều 260, Bộ Luật hình sự năm 2015, có thể bị phạt tù 3 đến 10 năm.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục