Cụ thể, theo báo cáo, quy mô chi ngân sách nhà nước từ năm 2005 đến nay đều đã xấp xỉ 30% GDP, cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ và lớn nhất khu vực ASEAN. Năm 2018 vừa qua, chi cân đối ngân sách nhà nước theo dự toán Quốc hội khoảng 28,2%.
Đáng chú ý, trong khi chi cho đầu tư phát triển giảm đi, thì chi thường xuyên vẫn ở mức cao, trong đó nhiều nhất là chi lương.
“Trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn thì việc giảm mạnh chi đầu tư công mà không có nguồn thay thế sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực về dài hạn”, PGS.TS.Tô Trung Thành – đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra lưu ý.
Theo thống kê, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước đã liên tục cao khoảng 70% kể từ năm 2008. Đặc biệt, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công.
Bên cạnh đó, tổng chi cho lương trong ngân sách của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực, tương đương với các quốc gia thu nhập trung bình. Với xu hướng như hiện nay, tỷ lệ chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình trong thời gian ngắn, và vào năm 2020, có thể cao hơn cả tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao.
Ngoài ra, chi trả nợ cũng chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi ngân sách nhà nước và đang có xu hướng ngày càng tăng, dẫn tới áp lực ngày càng lớn về tài chính công.
Mặt khác, quy mô thu ngân sách giảm dần, từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đến giai đoạn 2006-2009 giảm còn 26-28% GDP và giai đoạn 2015-2018, chỉ còn hơn 23%, nhưng vẫn ở mức cao so với quy mô ngân sách hợp lý và cao so với mức trung bình của ASEAN là 17,3%. Quy mô ngân sách cao theo ảnh hưởng đến tiết kiệm của khu vực tư nhân, làm giảm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
“Quy mô thu ngân sách cao của Việt Nam còn có bất lợi là Chính phủ còn ít không gian để có thể giảm thâm hụt ngân sách qua tăng thuế, chịu nhiều áp lực phải làm ngược lại”, PGS.TS.Tô Trung Thành, Trưởng phòng quản lý khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích.
Với tình trạng này, báo cáo đã chỉ ra một thực trạng đáng lưu ý là trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao nhưng nguồn thu không đủ để bù đắp nên ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt ở mức cao, nợ công liên tục bị đẩy lên mức cao do phải vay bù đắp thâm hụt.
“Thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
Thực trạng này ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi của với các cú sốc của nền kinh tế. Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.
Theo TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bài toán rõ ràng nhất đặt ra hiện nay là làm thế nào để cân đối thu chi bền vững chứ không phải là giải pháp đối phó tình thế.
“Bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu của Việt Nam gần đây chủ yếu từ thuế đất vào khoảng 18-23%, nhưng nguồn này hiện đã bắt đầu giảm đi nhiều. Chẳng hạn như ở Đà Nẵng hiện đã rơi vào tình trạng hết đất, đất giao cho thuê 50 năm đã gần hết.
Hiện, để bù đắp sự thiếu hụt này, việc đưa ra thu thuế tài sản được xem là giải pháp thay thế. Tuy nhiên, phương án này đã được đưa ra năm 2014 và gần đây nhất đều bị phản đối rất mạnh, nên chưa chắc đã ban hành được thuế này. Vì vậy, chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu một cách hợp lý cần phải được xem xét một cách căn cơ và phù hợp", ông Thành nói.
Bổ sung thêm, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt đặc biệt lưu ý, áp lực thu của Việt Nam là rất lớn khi nguồn thu thuế giảm do các cam kết hội nhập, do giá dầu thế giới giảm và do giảm thuế doanh nghiệp từ chính sách ưu đãi. Đây cũng sẽ là vấn đề cần tính tới hiện nay và nhất là thời gian tới khi các cam kết hội nhập được thực thi toàn diện.
Với thực trạng trên, TS Võ Trí Thành đã đưa ra bài toán tổng thể lớn nhất trong chính sách tài khóa thu chi của Việt Nam giờ đây phải là bền vững.
"Bền vững không phải là ở thu mà quan trọng là ở chi. Bền vững nữa liên quan đến nợ công, trong đó cần lưu ý không chỉ là nợ công mà còn nỗi lo nợ quốc gia do doanh nghiệp vay nợ nước ngoài. Không chỉ là doanh nghiệp nhà nước vay mà doanh nghiệp tư nhân cũng đã vay nước ngoài, bên cạnh đó còn là nợ chính quyền địa phương”, ông Thành lưu ý.
Vị chuyên gia cho rằng, trong chính sách tài khoá, nguyên tắc vàng là chi ít hơn thu nhưng với tình hình bất cân đối thu chi như hiện nay, tình hình ngân sách của Việt Nam có rất nhiều vấn đề, chi nhiều hơn thu đã thành mãn tính.
“Đã đến lúc cần phải mạnh tay xiết chặt kỷ luật ngân sách, có giải pháp mạnh giảm chi thì mới hy vọng có thể giảm áp lực của ngân sách khi không gian tài khóa đang hẹp lại và tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các cú sốc bất định”, ông Thành khuyến nghị.
Trong bối cảnh này, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra nhiều các giải pháp đề xuất các giải pháp và khuyến nghị cho chính sách tài khóa để đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, gia tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế. Trong đó nhấn mạnh “Trọng tâm là phải giảm chi ngân sách chứ không phải tăng thu”.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần hướng đến trọng cung, cần sửa đổi lại các quy định về phân cấp ngân sách hướng tới quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả, tăng tính minh bạch và giải trình ở địa phương, đặc biệt cẩn trọng với vấn đề vay nợ của chính quyền địa phương… Phải cải cách mạnh bộ máy hành chính, giảm chi lương từ ngân sách, xiết chặt kỷ luật ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Theo báo cáo, nợ công dù đã giảm được xuống mức 61,4% nhưng vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN, trong tỷ lệ này chưa gánh đủ nợ “tiềm tàng” từ các khu vực ngoài ngân sách bởi khoản nợ xấu của nhiều doanh nghiệp có thể phải dùng ngân sách nhà nước để chi trả. |