Tái thiết nền kinh tế, hướng đến sự vững vàng

(ĐTCK) Câu chuyện trà dư tửu hậu của mấy ông bà chủ cửa hàng những ngày này xoay quanh chủ đề ai được hỗ trợ, hỗ trợ như thế nào. Ðó cũng là câu hỏi của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang vật lộn chống chịu với tác động tiêu cực của đại dịch.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong lịch sử, bất cứ khi nào một nền kinh tế gặp khó khăn thì việc bơm tiền nhanh chóng luôn là giải pháp hữu hiệu ngay lập tức, và điều quan trọng là dòng tiền đó phải thực sự đi vào nền kinh tế và đóng góp vào tốc độ lưu chuyển tiền tệ.

Ðưa tiền cho người gặp khó khăn được cho rằng họ sẽ chi tiêu ngay lập tức cho thực phẩm, thuốc men và các dịch vụ cơ bản, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp.

Thực tế, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình doanh nghiệp nêu trên. Vì vậy, trong tái thiết nền kinh tế, các doanh nghiệp này ở trong nhóm hàng đầu trông chờ hỗ trợ .

Còn các tập đoàn kinh tế lớn thì sao? Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế phải tính bằng cấp số nhân so với các đợt khủng hoảng trước đây. Những thiệt hại tính bằng con số nghìn tỷ đối với mỗi tập đoàn đã hiển hiện.

Tất nhiên, họ chủ động thích ứng, song không phải doanh nghiệp nào cũng có may mắn, cũng có thể chuyển hướng kinh doanh, để duy trì được dòng tiền.

Bên cạnh nỗ lực tự thân, họ đang rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.

Họ không đề xuất được bơm tiền trực tiếp mà  máy “trợ thở” cho họ là các chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp phép, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra dự án; chính sách để thúc đẩy dự án nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cho việc khởi công, giải ngân vốn đầu tư công, để các dự án được triển khai sớm, sẵn sàng đón đầu khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại.

Việt Nam ngày nay, trong con mắt của các nhà đầu tư, có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tích lũy của nền kinh tế và doanh nghiệp khá hơn.

Khu vực tài chính - ngân hàng đã tái cơ cấu toàn diện, được củng cố, sức chống chịu tốt hơn các cuộc khủng hoảng trước đây rất nhiều.

Tuy nhiên, vào lúc này, chưa ai có thể nói đến khả năng phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế, mà là thời gian củng cố sức lực cho doanh nghiệp, để chuẩn bị cho cơ hội bật dậy sau khi dịch bệnh được khống chế trên toàn cầu.

Bởi vậy, nếu các gói hỗ trợ, các giải pháp bị chậm bởi thủ tục sẽ không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của giải pháp, làm sụt giảm sức khỏe của doanh nghiệp, mà còn làm giảm niềm tin, suy yếu động lực kinh doanh. Ðây mới là điểm đáng quan ngại.

Ðó là chưa kể tình trạng “bình thông nhau” khi hiện nay Việt Nam là một nền kinh tế rất mở nên sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở các quốc gia khác nữa. Nếu các chính phủ khác không hành động thích hợp thì nỗ lực của một chính phủ riêng lẻ sẽ không thể đạt được thành công như mong đợi.

Cho đến nay Việt Nam đã chứng tỏ là một đất nước vững vàng, người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đoàn kết, đồng lòng và bước đầu chiến thắng đại dịch. Mặc dù vậy, vẫn cần thêm rất nhiều nỗ lực để vượt qua mọi cam go trên mặt trận kinh tế.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục