Thứ nhất, rút ngắn thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2 là một nỗ lực đã được chuẩn bị nhiều năm của cơ quan quản lý. Việc rút ngắn này chưa được thực hiện trong những năm trước do hạn chế về nhiều mặt, trong đó, hai vấn đề cơ bản nhất là công nghệ và con người. Đến tận bây giờ, cơ quan quản lý mới nhận thấy có đủ điều kiện để thực hiện cải tiến đó. Chỉ riêng việc này đã cho thấy, rút ngắn được thời gian cổ phiếu về tài khoản đã là bước tiến vượt bậc của cơ sở hạ tầng thị trường và chất lượng NĐT.
Thứ hai, tác giả đã đúng về lợi ích luân chuyển vốn và tạo thanh khoản nhanh nếu áp dụng T+2. Đáng tiếc lại không có phân tích thấu đáo. Thị trường thứ cấp quan trọng nhất là gì nếu không phải là yếu tố thanh khoản? Tại sao NĐT lại bỏ vốn vào những đợt phát hành đấu giá lần đầu (IPO)? Nếu họ biết rằng, vốn của họ sẽ mãi mãi “chôn” vào doanh nghiệp, không được đưa lên thị trường thứ cấp thì liệu ai sẽ mua? TTCK thường được gọi là kênh huy động vốn và để làm được điều đó thì phải có dòng vốn liên tục chảy vào. Mức thanh khoản chính là yếu tố hàng đầu để đánh giá sức khỏe của thị trường.
Rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2 mà tiến tới là T+0 hay T+1 (nếu hệ thống giám sát, xác nhận giao dịch cho phép) sẽ giúp đồng vốn của NĐT quay vòng nhanh hơn, tức là sức cầu sẽ lớn hơn. Chỉ cần so sánh thời điểm trước và sau khi các CTCK cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán hay đòn bẩy tài chính là có thể dễ dàng nhận thấy. Cầu lớn thì thanh khoản lớn, từ đó khuyến khích tăng thêm hàng hóa, nâng quy mô thị trường về chất và ngược lại, thu hút thêm dòng vốn từ bên ngoài tạo nên một kênh luân chuyển vốn lớn nhất cho các nguồn lực nhàn rỗi. Một nền kinh tế mà các nguồn lực ứ đọng thì sẽ đi về đâu?
Thứ ba, NĐT mong mỏi T+2 vì cơ chế này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ sửa sai. Ai cũng có lúc quyết định sai, nhất là trên TTCK. Điểm thể hiện “đẳng cấp” của NĐT là chấp nhận sai và sửa sai. Hãy tưởng tượng nếu bạn quyết định mua một loại cổ phiếu và nhận thấy mình sai, bạn sẽ mong mỏi được bán ngay đi như thế nào. Chính vì thế, rút ngắn T+ và tiến tới được mua bán ngay trong phiên trên thị trường này là niềm mơ ước của tất cả các NĐT, chứ không chỉ là “cứu cánh”.
Câu chuyện thời gian cổ phiếu về tài khoản nhanh hay chậm không liên quan gì đến việc NĐT có kiếm được lợi nhuận nhiều hay không. Phải nhìn nhận rằng, tạo ra một cơ sở tốt hơn cho thị trường là điều mà cơ quan quản lý luôn hướng tới. Trên cơ sở đó, các NĐT bình đẳng hơn trước các cơ hội kiếm lợi nhuận. Còn việc NĐT kiếm được lợi nhuận ở mức nào là vấn đề hoàn toàn khác. Nếu NĐT non kém thì dù thời gian thanh toán có là T+0 hay T+10 thì cũng không khác nhau.
Việc thay đổi cơ chế giao dịch luôn phải nhìn vào tổng thể của thị trường chứ không nhằm phục vụ một lớp NĐT nào cả. Hiện tại thị trường đã hình thành một lớp NĐT kiếm sống hàng ngày bằng các quyết định giao dịch (trade for living). Chúng ta hãy nên nhìn điều này như một thành quả của 10 năm xây dựng thị trường. Họ chính là những hạt nhân của một lớp NĐT chuyên nghiệp và trưởng thành. Những người này, mong mỏi một cơ chế giao dịch chuyên nghiệp như những TTCK phát triển.
Trong khi điều kiện chưa cho phép thực hiện ngay, thì bất kỳ cải tiến nào theo hướng đó của cơ quan quản lý cũng đáng được hoan nghênh. Hãy tưởng tượng rằng, luôn nghĩ NĐT chưa đủ trưởng thành để áp dụng cơ chế giao dịch chuyên nghiệp thì có lẽ 10 năm nữa, TTCK Việt Nam cũng chỉ tạo được một lớp NĐT nghiệp dư, tự ru ngủ mình trong một môi trường có thanh khoản và tốc độ luân chuyển vốn buồn ngủ như hiện nay mà thôi.