Tại sao ông Trump muốn mua lại Greenland

(ĐTCK) Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết, việc sở hữu Greenland là rất quan trọng đối với an ninh của Mỹ, nhưng các chuyên gia cho biết ông cũng có thể đang để mắt đến các khía cạnh khác của Greenland.

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của hơn 56.000 người. Từng là thuộc địa của Đan Mạch và hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, hòn đảo này có vị trí địa chính trị độc đáo khi nằm giữa Mỹ và châu Âu.

Greenland có giá trị bao nhiêu?

Theo thống kê gần đây nhất vào năm 2021, GDP hàng năm của hòn đảo là 3 tỷ USD, bằng 1/7000 so với Mỹ. Ngành công nghiệp lớn nhất của hòn đảo là đánh bắt cá. Loại bỏ khu vực công và các cam kết chi tiêu khác, giả sử tăng trưởng dài hạn của Greenland tiếp tục và chính phủ liên bang của Mỹ nhận được 16% GDP tiền thuế (mức trung bình toàn quốc của Mỹ), cũng như chiết khấu dòng tiền bằng cách sử dụng lợi suất trái phiếu kho bạc 30 năm của Mỹ sẽ tạo ra mức định giá là 50 tỷ USD, bằng 1/20 chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ông Trump quan tâm tới Greenland vì tiềm năng chiến lược và kinh tế của hòn đảo thay vì GDP quá nhỏ so với Mỹ. Hòn đảo này nằm giữa Mỹ và Nga ở một phần của thế giới đang trở nên dễ điều hướng hơn khi băng Bắc Cực tan chảy. Mặc dù Căn cứ vũ trụ Pituffik của Mỹ trên bờ biển phía Tây Bắc của lãnh thổ này đã cung cấp cho lực lượng vũ trang các cảm biến cảnh báo tên lửa, nhưng Greenland nếu thuộc về Mỹ có thể giám sát tốt hơn khoảng cách Greenland-Iceland-Anh (GIUK) - dải Đại Tây Dương là tuyến đường tiếp cận cho tàu ngầm Nga đến bờ biển phía Đông của Mỹ và đến Bắc Đại Tây Dương.

Ngoài ra, sự giàu có về tài nguyên của Greenland là vô cùng lớn. Hòn đảo có trữ lượng của 43 trong số 50 loại khoáng sản được Chính phủ Mỹ xem là quan trọng, bao gồm cả các mỏ đất hiếm được cho là lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Đây là những khoáng sản thiết yếu đối với trang thiết bị quân sự và năng lượng xanh. Theo ước tính năm 2008 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, các giếng dầu ngoài khơi bờ biển Greenland có thể khai thác được 52 tỷ thùng dầu, chiếm khoảng 3% trữ lượng của thế giới.

Trong khi đó, tài nguyên của Greenland vẫn chưa được khai thác nhiều do khó khăn trong việc khai thác ở những vùng xa xôi, khắc nghiệt của lãnh thổ này. 80% diện tích hòn đảo bị băng bao phủ, và thậm chí không có đường sá nào nối liền các khu định cư, chính phủ ở đây cũng đã cấm thăm dò dầu mỏ vào năm 2021. Nhưng khi khí hậu ấm lên, các loại khoáng sản trở nên dễ tiếp cận hơn và có giá trị hơn. Và có lẽ cơn sốt tài nguyên lớn nhất (tính theo đầu người) đã diễn ra. Các công ty đang khoan tại khoảng 170 địa điểm, tăng từ 12 địa điểm của một thập kỷ trước.

Ai có thể mua hòn đảo này?

Năm 2009, Đan Mạch gần như trao cho Greenland quyền tuyên bố độc lập nếu người dân của họ chọn lựa như vậy trong một cuộc trưng cầu dân ý. Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của hòn đảo này rất muốn thực hiện quyền này. Đồng thời, Đan Mạch trao cho vùng lãnh thổ này quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của riêng mình (mặc dù khi doanh thu của hòn đảo tăng lên, khoản tài trợ theo khối từ Đan Mạch sẽ giảm xuống). Do đó, bất kỳ giao dịch mua cũng không nên thực hiện từ Đan Mạch mà từ chính những người dân của hòn đảo.

Theo The Economist, nếu Mỹ chỉ đưa ra định giá thô sơ ước tính về dòng thuế trong tương lai, thì số tiền đó sẽ lên tới gần 1 triệu USD cho mỗi người dân. Với sự giàu có và tầm quan trọng của vùng lãnh thổ này, Mỹ có thể biến mọi người dân của Greenland trở thành triệu phú và vẫn hưởng lợi rất nhiều từ giao dịch mua này.

Nhưng sự thịnh vượng về tài nguyên thiên nhiên cũng mang lại rủi ro. Vấn đề tham nhũng có thể ngăn cản việc phân chia công bằng các lợi ích vì liệu 56.000 người có thể quản lý hiệu quả khi có một khoản lợi nhuận khổng lồ hay không là điều không chắc chắn. Trong khi đó, khai thác khoáng sản sẽ dẫn tới tình trạng nhập cư hàng loạt, có nguy cơ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc gia.

Mới đây, Lars Lokke Rasmussen, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch cho biết, Greenland có thể trở thành quốc gia độc lập nếu người dân muốn, nhưng sẽ không trở thành một tiểu bang của Mỹ.

"Chúng tôi hoàn toàn thừa nhận rằng Greenland có tham vọng riêng. Nếu những tham vọng đó thành hiện thực, Greenland sẽ trở thành quốc gia độc lập, mặc dù không có tham vọng trở thành một tiểu bang liên bang tại Mỹ", ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục