Tại sao đã đến lúc chỉ báo "Tiến sĩ Đồng" phải về hưu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng, kim loại quan trọng đã có biệt danh ở phố Wall là "Tiến sĩ Đồng" (Dr Copper) nhờ vai trò là kim chỉ nam cho sức khỏe của ngành công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, điều này hiện nay dường như đã không còn chính xác.
Tại sao đã đến lúc chỉ báo "Tiến sĩ Đồng" phải về hưu

Trước đây, giá đồng tăng vọt được xem là dấu hiệu ban đầu của sự phát triển kinh tế, trong khi một sự sụt giảm lớn lại là dấu hiệu của suy thoái kinh tế, hoặc ít nhất là suy thoái trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, điều này hiện nay đang có sự thay đổi.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp toàn cầu chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,6% trong hai thập kỷ qua và các nền kinh tế giàu có đang trong thời kỳ suy thoái công nghiệp. Sự chao đảo với quy mô tương tự vào năm 2015 từng khiến giá đồng giảm khoảng 25%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, giá đồng chỉ giảm 6%. Trong khi đó, các hợp đồng tương lai giá đồng đáo hạn vào năm 2025 không thay đổi và những hợp đồng đáo hạn vào năm 2026 đã tăng nhẹ trong năm nay.

Sự phá vỡ các quy tắc chung thông thường đáng chú ý nhất là ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung đồng hàng năm của thế giới. Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn có thể khiến nhiều người cho rằng kim loại này đã bị ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể, đầu tư vào bất động sản - từng là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về đồng - đã giảm 9% trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là nhu cầu đồng của Trung Quốc lại tăng khoảng 10% trong năm nay.

Lời giải thích cho điều này nằm ở những thay đổi căn bản đang diễn ra trong hệ thống năng lượng.

Theo Goldman Sachs, Trung Quốc sẽ lắp đặt khoảng 150 gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời sử dụng nhiều đồng trong năm nay, gần gấp đôi số lượng đã lắp đặt năm ngoái. Các phương pháp lưu trữ năng lượng cũng cần có kim loại, và thủy điện tích năng là một ví dụ. Điều này liên quan đến việc di chuyển nước từ hồ chứa này sang hồ chứa khác để tích trữ năng lượng dư thừa từ năng lượng gió và mặt trời hoặc để giải phóng nó. Trung Quốc hiện sở hữu 30% công suất lưu trữ thủy điện của thế giới, ở mức 50 GW. Ngoài ra, dự án với công suất 89 GW khác đang được xây dựng, đòi hỏi một lượng lớn đồng.

Các quốc gia khác cũng đang chi mạnh tay cho quá trình chuyển đổi xanh và đưa ra quy định nhằm làm tăng nhu cầu sử dụng kim loại này. S&P Global cho rằng nhu cầu về đồng tinh chế sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2035, lên 49 triệu tấn. Pin, hệ thống truyền năng lượng, pin mặt trời, phương tiện vận tải, tất cả đều cần kim loại. Trên khắp thế giới, các quy định mới nhằm giảm lượng khí thải sẽ hướng người tiêu dùng tới xe điện. Ở châu Âu, việc bán ô tô chạy bằng xăng mới sẽ bị cấm từ năm 2035.

Do đó, giá đồng cao ngất ngưởng sẽ không còn là dấu hiệu lạc quan của các nhà sản xuất máy móc công nghiệp, công ty xây dựng, nhà sản xuất điện tử và những thứ tương tự. Thay vào đó, nhu cầu đồng ngày càng tăng sẽ ngày càng phản ánh mong muốn của các chính trị gia về năng lượng thân thiện với môi trường hơn và đôi khi cũng giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong thời gian bình thường, việc xây dựng một mạng lưới điện từ đầu ít nhất sẽ là tín hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ lớn hơn sắp tới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm mục đích thay thế hoạt động hiện có chứ không phải bổ sung thêm vào hoạt động đó.

Trong trường hợp cơ sở hạ tầng năng lượng, khoản đầu tư năng lượng mặt trời mới của Trung Quốc trong năm nay có thể tạo ra 150 GW mỗi giờ năng lượng khi hoạt động hết công suất, tương đương với gần 90.000 thùng dầu mỗi giờ. Đó là năng lượng mà Trung Quốc hiện không cần mua từ các nhà sản xuất nước ngoài. Kết quả này có thể tốt cho hành tinh, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế tổng hợp.

Với mức tăng trưởng nhu cầu về đồng bị hạn chế và phần lớn diễn ra theo yêu cầu pháp lý, giá kim loại này theo thời gian sẽ ngày càng ít nói lên tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, mà ngày càng nói nhiều hơn về tình trạng chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Khi đó, giá đồng vẫn sẽ đáng theo dõi, mặc dù vì những lý do khác nhau. Các nhà đầu tư muốn có một gợi ý về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu sẽ được thay thế bởi các nhà hoạch định chính sách muốn biết chính sách xanh của họ đang hoạt động như thế nào.

Việc "Tiến sĩ Đồng" “về hưu” có thể là một khoảnh khắc buồn, nhưng đó không phải là dấu chấm hết của câu chuyện này.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục