Ông bị “ném đá” mạnh nhất trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter… Cũng chính vì AOL là công ty mẹ của The Huffington Post, một trong số những tờ báo in, báo điện tử có tiếng nhất ở Mỹ, nên việc ông bị “ném đá”, dù dưới góc độ cá nhân, song do là người đứng đầu nên uy tín của AOL cũng bị giảm sút. Điều này được thể hiện qua việc cổ phiếu của AOL tại Sở GDCK New York bị giảm giá liên tục mấy phiên liền.
Vậy ông Tim Armstrong đã làm gì không phải để nên nông nỗi này?
Nguyên do là vì, mới đây, ông Tim Armstrong đã thông báo sẽ thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên theo hướng có lợi cho công ty (với mục tiêu cắt giảm chi phí) và đẩy phần bất lợi cho phía nhân viên. Để biện minh cho vấn đề này, ông đã nêu ra 2 trường hợp nhân viên nữ của AOL (mẹ ốm, con mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm bệnh viện dài hạn) khiến AOL phải chỉ 2 triệu USD để bù đắp chi phí điều trị. Ông khẳng định là sẽ không muốn việc này tái diễn trong tương lai, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của AOL. Đơn giản chuyện chỉ có vậy.
Ông Tim Armstrong không thể ngờ phản ứng của các nhân viên của AOL, các cổ đông và một nhân viên nữ trong cuộc có tên Deanna Fei (có con bị sinh non tới 4 tháng, bị biến chứng… và được AOL trang trải toàn bộ chi phí điều trị vào khoảng 1 triệu USD) lại mạnh mẽ và dữ dội đến như vậy. Bà này là nhân viên của AOL, có chồng là Peter Goodman, biên tập viên của Huffington Post đã bình luận trên facebook của mình rằng: “Tôi và chồng tôi rất biết ơn và không bao giờ quên sự giúp đỡ về tài chính to lớn, hiệu quả của AOL. Song cách ông Tim Armstrong nói ra nghe thật tàn nhẫn. Chúng tôi cảm thấy như mình có lỗi là tham lam, ăn hết phần bánh phúc lợi của mọi nhân viên AOL. Chúng tôi buồn vô kể”.
Ngay sau đó, có tới hàng chục ngàn comments của mọi người gửi tới chia sẻ với vợ chồng bà và quay lại “ném đá” ông Tim Armstrong không thương tiếc. Một số tờ báo, kênh truyền hình còn bình luận rằng, ông Tim Armstrong có lương, thưởng cỡ 12 triệu USD/năm (con số năm 2012), mà vẫn là người keo kiệt, nhất là cứu giúp nhân viên gặp nạn theo kiểu “của người (công ty), phúc ta”, thế mà còn kể lể. Thật đáng xấu hổ!
Trước làn sóng “ném đá” mạnh như vậy, cuối cùng, vào đầu tuần này, ông Tim Armstrong đã phải chính thức có lời xin lỗi các nhân viên, các cổ đông của AOL và cả 2 người trong cuộc.
Trong e-mail gửi cho toàn bộ nhân viên AOL, ông Tim Armstrong thừa nhận: “Tôi đã phạm phải sai lầm rất đáng tiếc và tôi thành thật xin lỗi về những lời phát biểu, bình luận của tôi cuối tuần qua khi đề cập đến các chế độ về chăm sóc sức khoẻ, chương trình phúc lợi, đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên AOL…”.
Để làm lành, ông Tim Armstrong tuyên bố sẽ duy trì việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên như trước.
Một số chuyên gia về bảo hiểm xã hội nhận xét, cách AOL dự định nhập nhèm trong việc đóng tiền bảo hiểm xã hội, dù giúp AOL bớt đi được ít tiền, nhưng lại là cách làm thiển cận, làm mất lòng nhân viên. Tất nhiên, cách đóng bảo hiểm xã hội ở Mỹ cũng có những nét đặc thù, phức tạp. Thông thường, chủ doanh nghiệp ở Mỹ đóng tiền bảo hiểm xã hội cho nhân viên vào Quỹ hưu trí tư nhân (Retirement Savings Account), được gọi tắt là 401(k) Plan, hay 401(k) Savings Plan, 401(k) Retirement Plan.
Quỹ hưu trí 401(k) là một hình thức bù đắp công lao của người lao động khi chủ doanh nghiệp mở một quỹ hưu mang tên người lao động và đều đặn bỏ vào quỹ một phần lương chưa đóng thuế của người này. Với 401 (k), người công nhân không phải đóng thuế tạm thu trên phần lương bỏ vào quỹ, vì số tiền này không ghi trên bảng lương, nhưng họ phải đóng thuế an sinh xã hội (FICA) và y tế trên nguồn lợi tức trích bỏ vào quỹ 401(k).
Trở lại với câu chuyện của ông Tim Armstrong. Đây không phải là lần đầu tiên ông này bị vạ miệng, khi phát biểu trước công chúng.
Vào tháng 8/2013, tại hội nghị tại Mỹ có khoảng 1.000 người tham dự, ông Tim Armstrong đã mắng sa sả vị giám đốc phụ trách mảng sáng tạo của AOL và tuyên bố cách chức ông này ngay tại chỗ. Cách làm thiếu tế nhị này đã gây phản ứng bất bình trong dư luận, nhân viên và các cổ đông AOL. Để trấn an dư luận, sau đó, ông đã có lời xin lỗi về cách thức làm, song nhất quyết không chịu đưa vị giám đốc trên trở lại cương vị cũ.
Ông Tim Armstrong là CEO của AOL từ ngày 12/3/2009 đến nay. Trước đó, ông là Chủ tịch Chi nhánh Mỹ của Google.