Tài sản mã hóa dần “lên ngôi”
Tài sản mã hóa là các tài sản kỹ thuật số được phát hành và lưu trữ trên công nghệ blockchain - một hệ thống cơ sở dữ liệu phi tập trung, minh bạch và an toàn.
Khác với cổ phiếu hay trái phiếu, tài sản mã hóa không cần sự tham gia của ngân hàng hay tổ chức trung gian, cho phép người sở hữu giao dịch trực tiếp trên toàn cầu, 24/7. Điều này mang lại sự tự do và linh hoạt, nhưng cũng tạo ra một môi trường đầu tư hoàn toàn mới, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Điều khiến tài sản mã hóa thu hút sự quan tâm không chỉ là công nghệ tiên tiến, mà còn nằm ở tiềm năng sinh lời vượt trội. Bitcoin - đồng tiền mã hóa đầu tiên - từng tăng giá từ vài cent đã lên hơn 60.000 USD chỉ trong vòng hơn một thập kỷ (hiện đạt trên 100.000 USD).
Tương tự, Ethereum và nhiều tài sản mã hóa khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong những giai đoạn thị trường thuận lợi. Những bước nhảy vọt này đã đưa tài sản mã hóa từ một hiện tượng công nghệ trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định: “Không chỉ là một xu hướng công nghệ, tài sản mã hóa còn là một cuộc cách mạng tài chính, mở cửa cho nhà đầu tư cá nhân tiếp cận các cơ hội đầu tư trước đây vốn chỉ dành cho các định chế tài chính lớn”.
Cơ hội sinh lời, đa dạng hóa và phi biên giới
Một trong những lợi thế lớn nhất của tài sản mã hóa là khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong khi một số kênh đầu tư truyền thống chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động vĩ mô, tài sản mã hóa thường có mức tương quan thấp với các thị trường tài chính thông thường, giúp giảm rủi ro hệ thống trong danh mục.
Chẳng hạn, khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm trong năm 2022, Bitcoin và Ethereum vẫn ghi nhận những đợt phục hồi độc lập, minh chứng cho tiềm năng phòng ngừa lạm phát.
Ngoài ra, tài sản mã hóa còn mang lại cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế mà không cần qua trung gian tài chính phức tạp. Không chỉ giúp nhà đầu tư tiếp cận thị trường toàn cầu một cách dễ dàng (chỉ cần một ví điện tử và kết nối Internet, không cần thủ tục ngân hàng hay pháp lý rườm rà), tài sản mã hóa còn mở ra nhiều cách thức mới để tạo ra giá trị từ tài sản số.
Một ví dụ điển hình là tài chính phi tập trung (Decentralized Finance - DeFi), cho phép nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động như cho vay, gửi giữ tài sản để nhận lãi (staking), hay đóng vai trò cung cấp thanh khoản (giống như đứng giữa để hỗ trợ giao dịch và được chia lợi nhuận).
Nhưng tiềm năng luôn đi kèm rủi ro
Tuy nhiên, giống như bất kỳ khoản đầu tư nào có khả năng sinh lời cao, tài sản mã hóa luôn đi kèm với những rủi ro đáng kể.
Thứ nhất, thị trường tài sản mã hóa nổi tiếng với sự biến động mạnh về giá. Giá Bitcoin từng giảm hơn 50% chỉ trong vài tuần. Tâm lý thị trường, tin tức vĩ mô hay các dòng vốn đầu cơ đều có thể gây ra những đợt biến động lớn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỷ luật và chiến lược rõ ràng.
Thứ hai, môi trường pháp lý xung quanh tài sản mã hóa vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Nhiều quốc gia chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến nguy cơ về thuế, cấm đoán hoặc các hạn chế pháp lý bất ngờ.
Ví dụ, một số quốc gia đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong khi các quốc gia khác lại khuyến khích phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) như một động lực kinh tế - công nghệ này tạo điều kiện cho sự phát triển của tài sản mã hóa.
Tại Việt Nam, tài sản mã hóa chưa được công nhận là phương tiện thanh toán. Dù Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và các chỉ đạo gần đây cho thấy chính sách với tài sản mã hóa đang dần cởi mở hơn, môi trường pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Thứ ba là công nghệ và bảo mật. Blockchain dù được thiết kế để an toàn, nhưng không phải là bất khả xâm phạm. Các vụ tấn công mạng nhắm vào sàn giao dịch hoặc ví kỹ thuật số đã gây thiệt hại hàng tỷ USD trong thập kỷ qua. Những nhà đầu tư chưa hiểu rõ cách quản lý khóa cá nhân, bảo mật ví lạnh hoặc phân tích dự án rất dễ trở thành nạn nhân.
Cuối cùng, tài sản mã hóa dễ bị lạm dụng trong các hoạt động bất hợp pháp, gian lận như rửa tiền hoặc lừa đảo. Một hình thức phổ biến là mô hình Ponzi trá hình dưới vỏ bọc dự án DeFi. Ban đầu, họ hứa hẹn lãi suất rất cao để thu hút người tham gia, nhưng thực chất, tiền của người sau chỉ dùng để trả cho người trước. Đến khi không còn người mới, hệ thống sụp đổ và nhà đầu tư mất trắng.
Vì vậy, khi đầu tư vào tài sản mã hóa, chọn đúng nền tảng uy tín và hiểu rõ dự án mình tham gia là điều sống còn. Đừng chỉ nhìn vào lãi suất hấp dẫn, mà cần tìm hiểu kỹ đội ngũ phát triển, mô hình hoạt động và tính minh bạch của dự án.
Chiến lược thông minh để tiếp cận tài sản mã hóa
Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để vừa tận dụng được tiềm năng của tài sản mã hóa, vừa giảm thiểu rủi ro?
Chuyên gia quản lý tài sản tại một công ty chứng khoán chia sẻ, trước tiên, chỉ nên phân bổ một phần nhỏ danh mục cho tài sản mã hóa (từ 5 - 10% giá trị tài sản), đặc biệt với nhà đầu tư mới.
Đối với các loại tài sản mã hóa mới, cần tìm hiểu dự án trước khi đầu tư bằng cách đọc kỹ tài liệu giới thiệu chính thức của dự án (whitepaper) để hiểu họ đang làm gì, mục tiêu ra sao, công nghệ hoạt động thế nào và có thật sự khả thi hay không. Đồng thời, cần kiểm tra đội ngũ sáng lập có uy tín không, dự án có minh bạch và được cộng đồng đánh giá tích cực hay không.
Lựa chọn nền tảng uy tín cũng là yếu tố then chốt. Để đảm bảo an toàn cho tài sản, nhà đầu tư nên ưu tiên các sàn giao dịch được cấp phép, hoạt động chính thống và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý - đặc biệt là các tổ chức cung cấp dịch vụ có hệ sinh thái với tiềm lực tài chính vững mạnh, được hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính hàng đầu và các đơn vị phát triển công nghệ tiên tiến, có khả năng tích hợp với mạng Blockchain Layer 1 của quốc gia.
Điều này mang lại độ tin cậy vượt trội so với các sàn giao dịch quốc tế chưa được cấp phép, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và pháp lý.
Xu hướng quản lý gia sản (wealth management) hiện đại không chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận, mà còn hướng đến việc xây dựng chiến lược đầu tư bền vững, cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Việc đồng hành cùng các chuyên gia quản lý tài sản sẽ giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược đầu tư cá nhân hóa, cập nhật xu hướng thị trường, điều chỉnh danh mục phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu tài chính cá nhân.
“Tài sản mã hóa không nên được xem là trò chơi đầu cơ. Đó là một phần trong bức tranh đầu tư đa tài sản (multi-asset), cần được tiếp cận với tư duy dài hạn, hiểu biết và kỷ luật”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản mã hóa. Nhà đầu tư cần thường xuyên theo dõi chính sách mới để cập nhật kịp thời.
Tài sản mã hóa có khả năng sinh lời cao, nhưng luôn đi kèm với những rủi ro đáng kể. Vì vậy, loại tài sản này chỉ thích hợp với những ai trang bị đủ kiến thức, chiến lược và chọn đúng đối tác. Khi đó, đây sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong hành trình xây dựng một danh mục đầu tư hiện đại.