Theo tờ The Guardian, 4 người giàu nhất Indonesia sở hữu số của cải nhiều bằng 100 triệu dân nghèo nhất của đất nước này, mặc dù Tổng thống nước này nhiều lần cam kết sẽ chống lại sự chênh lệch tài sản cá nhân đang ngày càng sâu sắc này.
Oxfam cũng vừa nhấn mạnh rằng, Indonesia là một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới, nơi có số tỷ phú tăng nhanh chóng mặt, khi năm 2002 nước này chỉ có 1 tỷ phú nhưng con số này đã lên đến 20 người trong năm 2016.
Các tổ chức từ thiện cũng đã chỉ ra rằng, 4 người giàu nhất Indonesia, đứng đầu là anh em Budi và Michael Hartono kiểm soát khối tài sản lên đến 25 tỷ USD, tương đương với tài sản của 40% người nghèo nhất trong 250 triệu dân Indonesia.
Các tổ chức từ thiện còn cho biết Hartonos, người sở hữu một công ty thuốc lá, có thể xóa bỏ nghèo đói cùng cực ở Indonesia chỉ với lãi mà công ty thuốc lá này kiếm được trong 1 năm.
“Những lợi ích của tăng trưởng kinh tế Indonesia đã không được chia đều và hàng triệu người đã bị bỏ lại phía sau đặc biệt là phụ nữ", Oxfam cho biết trong báo cáo của mình.
4 người giàu nhất Indonesia, đứng đầu là anh em Budi và Michael Hartono kiểm soát khối tài sản lên đến 25 tỷ USD tương đương với tài sản của 40% người nghèo nhất trong 250 triệu dân Indonesia.
Cụ thể, Oxfam nhận định, mặc dù Indonesia có chỉ số GDP tăng trưởng nhanh chóng, trung bình ở mức 5% trong những năm 2000 - 2016, lọt vào danh sách CIVETS (danh sách các quốc gia tăng trưởng nhanh mới nổi) nhưng việc xóa đói giảm nghèo thì lại đang đi vào bế tắc.
Dựa trên chuẩn nghèo "vừa phải" của Ngân hàng Thế giới là thu nhập 3,10 USD/người/ngày, khoảng 93 triệu dân Indonesia đang sống đói nghèo.
Tổ chức này còn cho rằng: “Việc số lượng các triệu phú và tỷ phú đang ngày càng tăng trong bối cảnh nghèo khổ đáng kinh ngạc khẳng định rằng đó là do những người giàu có đang chiếm thị phần lớn trong những hoạt động kinh tế nhiều lợi ích của đất nước, trong khi hàng triệu người dân nghèo khổ bị bỏ lại phía sau”.
Khi được bầu làm Tổng thống vào năm 2014, ông Joko Widodo cam kết sẽ ưu tiên thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trước khi theo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng.
“Tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”, Widodo nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngay sau khi đắc cử.
Mới đây, Tổng thống Widodo còn cho biết hệ số Gini của đất nước (thước đo bất bình đẳng) là khoảng 0,43 và "đối với tôi điều đó rất nguy hiểm", ông nói.
Theo tờ Jakarta Globe, tháng trước ông Widodo cũng thừa nhận rằng, Indonesia đã có ít tiến bộ trong tái cân bằng xã hội và ông hứa việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong năm 2017. “Mặc dù đất nước đã có một chút tiến bộ trong hệ số Gini nhưng nó vẫn còn tương đối cao", Widodo cho biết.
Về khía cạnh này, tờ The Guardian cũng cho biết, cơ quan thống kê của nước này đã công bố hệ số Gini giảm xuống còn 0,387 vào tháng 3/2016 so với 0,402 hồi tháng 9/2015.
Dini Widiastuti, phát ngôn viên của tổ chức Oxfam tại Indonesia cho biết: "Ở Indonesia, số tiền lãi mà một người giàu nhất kiếm được trong một ngày còn nhiều hơn số tiền những người nghèo nhất chi cho nhu cầu cơ bản của họ trong cả một năm.
Bất bình đẳng ở Indonesia đang đạt tới mức khủng hoảng. Nếu không được kiểm soát, khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo có thể làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo, làm trầm trọng thêm bất ổn xã hội và kìm hãm tăng trưởng kinh tế”.