Tài liệu ĐHCĐ, cổ đông… dài cổ đợi !

(ĐTCK-online) Theo Thông tư 09, tổ chức niêm yết phải công bố đầy đủ tài liệu họp ĐHCĐ thường niên trên trang thông tin điện tử trước khi khai mạc họp chậm nhất là 7 ngày làm việc.
Tài liệu ĐHCĐ, cổ đông… dài cổ đợi !

Mùa ĐHCĐ năm nay đã bắt đầu, NĐT ngóng đợi thông tin liên quan đến cuộc họp từ phía DN, đặc biệt là các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp. Tuy nhiên, không ít NĐT vẫn trong tình trạng… dài cổ đợi, ngay cả khi phiên họp đã kết thúc.

Theo Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK, tổ chức niêm yết phải công bố đầy đủ tài liệu họp ĐHCĐ thường niên: thông báo mời họp, mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp trên trang thông tin điện tử (website) đồng thời với việc gửi thông báo cho các cổ đông trước khi khai mạc họp chậm nhất là 7 ngày làm việc.

Tuy nhiên, vẫn có không ít DN xem nhẹ công tác này. Dạo qua website của một số DN đã và đang tổ chức đại hội thì thấy, khá nhiều DN chỉ đăng tải thông báo họp, mẫu giấy ủy quyền hay chương trình họp chung chung. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (NHN) họp đại hội vào ngày 21/2, nhưng trước đó và thậm chí sau đó 2 ngày vẫn chưa thấy chương trình họp đăng tải trên website, trong khi nghị quyết ĐHCĐ có nội dung thông qua phương án chi trả cổ tức 50% bằng cổ phiếu.

Hay như CTCP Tài nguyên (TNT), họp đại hội ngày 24/2, nhưng cùng ngày vẫn chưa thấy tài liệu họp, mà chỉ có thông báo mời họp. CTCP Từ Sơn Viglacera (VTS) họp ngày 28/2, nhưng chiều ngày 24/2 vẫn chưa thấy đăng tải tài liệu họp, ngoài thông báo họp và mẫu giấy ủy quyền.

Mặc dù vậy, sau khi Thông tư 09 ra đời, công tác công bố thông tin của các DN được đánh giá là có nhiều cải thiện, nhiều DN thường xuyên cập nhật những thông tin phải công bố theo quy định lên website để NĐT thuận tiện trong việc tiếp nhận. Thậm chí, DN còn tích cực công bố cả những thông tin không bắt buộc.

Trong bối cảnh lãi suất, tỷ giá biến động mạnh, ngày 22/2, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) công bố thông tin khẳng định biến động lãi suất (nếu có), ảnh hưởng của lạm phát và tỷ giá trong thời gian tới sẽ tác động không đáng kể đến hoạt động của Công ty trong năm 2011.

Trước đó, ngày 17/2, CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) công bố thông tin cải chính tin đồn, dù chưa có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý. Theo đó, ông Nguyễn Trung Cang, Chủ tịch HĐQT TPC khẳng định, Công ty không sản xuất bao, túi nylon và không chịu thuế môi trường. Ngược lại, TPC đã đẩy mạnh sản xuất túi shopping (túi xách siêu thị) thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu cho các siêu thị tại châu Âu, châu Mỹ sử dụng thay thế các loại túi nylon trước đây, nên sản lượng năm 2010 tăng 60% so với năm 2009. Ngoài ra, năm 2010, TPC không bị lỗ 524 triệu đồng như tin đồn, mà đây chỉ là khoản lỗ của riêng quý IV/2010 do Công ty chủ động trích lập 4,1 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư các cổ phiếu EIB và ALT. Còn kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2010 (chưa kiểm toán) của TPC ước đạt 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hiện Công ty đang tiến hành kiểm toán, dự kiến chậm nhất ngày 20/3 sẽ công bố chính thức.

Có ý kiến cho rằng, việc DN "sốt sắng" đưa ra thông tin tốt trong bối cảnh TTCK ảm đạm là nhằm phục vụ cho mục tiêu nào đó, như đỡ giá cổ phiếu. Song tin xấu cũng như tin tốt đều cần thiết với nhà đầu tư. Những động thái công bố thông tin như vậy cho thấy trách nhiệm của DN ngày càng được nâng cao trong công tác minh bạch hóa thông tin.

Diệu Trang
Diệu Trang

Tin cùng chuyên mục