Tái cơ ngân hàng: 4 "bước" cần "đi"

(ĐTCK) Nhìn lại các trường hợp đã hợp nhất, sáp nhập như SHB, SCB, Ngân hàng Xây dựng... để thấy rằng, tái cấu trúc ngân hàng chỉ mới chuyển động. Còn để mang lại kết quả trên thực tế, sẽ là hành trình cần nhiều bước tiếp.
Việc áp dụng Thông tư 02 từ 1/6/2014 có thể khiến những nỗ lực xử lý nợ xấu qua VAMC trở về vị trí xuất phát
Việc áp dụng Thông tư 02 từ 1/6/2014 có thể khiến những nỗ lực xử lý nợ xấu qua VAMC trở về vị trí xuất phát

Tái cơ ngân hàng: 4 "bước" cần "đi" ảnh 1

Việc áp dụng Thông tư 02 từ 1/6/2014 có thể khiến những nỗ lực xử lý nợ xấu qua VAMC trở về vị trí xuất phát

Bài 4: Những “bước” cần  “đi sớm”

Sau gần hai năm triển khai, với việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém ngân hàng và xử lý nợ của ngành thông qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), có thể nói, đến nay, Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra ban đầu. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi mới.

Cần sự tham gia sớm của NĐT nước ngoài

Nếu có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, quá trình tái cơ cấu của hệ thống tín dụng trong nước sẽ đẩy nhanh được tiến độ.

Nguồn vốn mới từ bên ngoài sẽ giúp làm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, giải quyết một phần vấn đề thanh khoản của ngân hàng được tái cơ cấu. Quan trọng hơn, sự tham gia của NĐT nước ngoài sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu các giao dịch với các bên liên quan trong hoạt động của các ngân hàng.

Những lợi ích của sự tham gia từ phía nước ngoài là dễ nhận ra, nhưng vấn đề đặt ra là thời điểm nào hợp lý để nguồn vốn ngoại tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống?

Thực tế cho thấy, tại các TCTD đang thực hiện tái cơ cấu, các cổ đông phải chịu khá nhiều thiệt thòi, tốn kém về chi phí, nên nếu để các đối tác nước ngoài tham gia vào giai đoạn này thì các cổ đông hiện hữu có thể chịu thiệt thòi nhiều hơn.

Ngược lại, tại một số TCTD chưa thuộc diện phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN, nhưng trong hoạt động hiện đã phát sinh một số vấn đề khó khăn, nếu đối tác nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngay ở giai đoạn này là rất cần thiết.

Điều đó không chỉ giúp TCTD thoát khỏi các vấn đề trước mắt, mà còn giúp TCTD thỏa thuận được  mức giá bán cổ phần tốt hơn.

“Cần tính tới khả năng cho phép sự tham gia của các NĐT nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu trong những giai đoạn sớm hơn, với quy mô sâu rộng hơn, chứ không chỉ thu hẹp ở những ngân hàng đang tái cơ cấu. Nếu NHNN cho phép các NĐT nước ngoài tham gia đầu tư với mức độ cao hơn, không chỉ tại các TCTD tái cơ cấu, mà tại cả ngân hàng còn lại (nhất là những ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn trong kinh doanh), có thể kỳ vọng một động lực cho hệ thống tài chính. Đồng thời, tạo ra một cơ chế để tự sàng lọc các TCTD, mà không cần có sự can thiệp của NHNN, điều này rất có lợi cho toàn hệ thống”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

 

Bổ sung vốn cho các TCTD

Một biện pháp nữa trong quá trình tái cơ cấu cần được xét tới, đó là huy động vốn từ cổ đông. Về lý thuyết, tăng vốn điều lệ là một nhu cầu khách quan của các ngân hàng nếu muốn củng cố và mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng của các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng nhu cầu quản lý của NHNN.

Thực tế hiện nay, với những biện pháp kiểm tra từ xa, giám sát tại chỗ, NHNN hoàn toàn có khả năng kiểm soát tính minh bạch của các luồng tiền khi NHTM tăng vốn, có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.

 

Cần sự hỗ trợ thiết thực từ NHNN

Trong quá trình xử lý nợ xấu, phần quan trọng nhất khi tái cơ cấu ngân hàng, đôi khi NHNN cần tham gia hỗ trợ sâu hơn để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau. Đơn cử, một khoản nợ xấu có thể do vài ngân hàng quản lý, khi giải quyết, mỗi ngân hàng đều cố gắng giành quyền lợi cho mình, dẫn đến phát sinh những chi phí xã hội không đáng có. Trong trường hợp này, NHNN cần tham gia với vai trò đơn vị sắp xếp, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và giảm chi phí xã hội phát sinh.

 

Cân nhắc thời hạn áp dụng Thông tư 02

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong hai năm qua có hai điểm sáng lớn, đó là các thương vụ sáp nhập, hợp nhất và việc VAMC bước đầu mua bán nợ xấu với một số NHTM.

Về cơ bản, việc mua bán nợ xấu của VAMC giúp các TCTD giảm nhanh nợ xấu, làm sạch bảng cân đối kế toán, lành mạnh hóa tình hình tài chính. Hơn nữa, thông qua việc tái cấp vốn các trái phiếu đặc biệt của VAMC, khi cần thiết, NHNN vẫn có thể bơm thanh khoản cho các NHTM.

Cùng thời gian này, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013, với những quy định nghiêm ngặt về việc phân nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2014 (lùi lại 1 năm so với ban đầu).

Thông tư 02 đã thể hiện quyết tâm minh bạch hóa tình hình tín dụng nói chung và nợ xấu nói riêng của các NHTM và được coi là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu sớm áp dụng Thông tư 02 thì các tác dụng của việc xử lý nợ xấu thông qua cơ chế đặc thù của VAMC sẽ bị giảm đi đáng kể. Từ đó, những nỗ lực của hệ thống trong việc xử lý nợ xấu, vốn rất phức tạp và mất thời gian, sẽ không được ghi nhận và phát huy tác dụng như đã được kỳ vọng.

Về mặt kỹ thuật, việc bán nợ xấu cho VAMC, sau đó nhận lại trái phiếu đặc biệt của VAMC (các NHTM phải trích lập dự phòng 20%/năm trong thời gian 5 năm của trái phiếu) cũng phù hợp và nhất quán với lộ trình giải quyết nợ xấu từ 3-5 năm mà NHNN đã đề ra.

Nếu áp dụng các quy định của Thông tư 02 từ 1/6/2014, những nỗ lực xử lý nợ xấu trước đó của các NHTM có thể sẽ trở về vị trí xuất phát ban đầu, đặt các ngân hàng vào những khó khăn mới.

“Hệ thống NHTM như một con bệnh vừa hơi bình phục qua việc sử dụng “liều thuốc” VAMC, giờ lại phải phơi mình ra trước một môi trường khắc nghiệt của Thông tư 02 thì làm sao có thể chịu đựng nổi?”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhìn nhận về thời hạn áp dụng Thông tư 02.

Qua quá trình tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém từ cuối năm 2011 đến nay, Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN đã có kinh nghiệm hơn trong việc quản lý quá trình tái cơ cấu nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng. Mới đây, NHNN lại tiếp tục xác định thêm 8 TCTD (6 ngân hàng và 2 TCTD phi ngân hàng) yếu kém, cần tái cơ cấu trong thời gian tới. Theo một số chuyên gia, nên chăng, NHNN trì hoãn không thời hạn việc áp dụng Thông tư 02, để nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn hệ thống NHTM được tiếp tục thực hiện qua cơ chế đặc thù “mua bán nợ qua VAMC” theo lộ trình 3-5 năm đã đề ra trước đó.

“Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn hết sức khó khăn, chưa có những dấu hiệu thoát ra khỏi khủng hoảng và đình trệ, ngoài việc tính tới yếu tố quản lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD, có lẽ cũng cần xét tới cả yếu tố nhu cầu của thị trường nói chung, cụ thể là nhu cầu tín dụng để phục vụ cho tăng trưởng của DN.

Việc áp dụng những quy định khắt khe như của Thông tư 02, xét về tổng thể, chưa hẳn đã là có lợi cho toàn hệ thống ngân hàng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tín dụng. Trong khi đó, việc tái đầu tư cho nền kinh tế sẽ là điều kiện để nền kinh tế phục hồi và phát triển”, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

>> Bài 3: Bầu Hiển: Tôi từng có nhiều e ngại

>> Bài 2: Ai đứng sau Ngân hàng Xây dựng?

>> Bài 1: Tái cấu trúc ngân hàng, những thách thức mới

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục