Tái cơ cấu Vinachem: Khó khăn vẫn chồng chất

(ĐTCK) Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2017 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đạt kế hoạch đề ra, song chính lãnh đạo tập đoàn này thừa nhận, phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tái cơ cấu Vinachem: Khó khăn vẫn chồng chất

Theo lãnh đạo Vinachem, năm qua, tình hình sản xuất – kinh doanh phân bón của Tập đoàn không thuận lợi. Giá phân bón vẫn ở mức thấp, giá bán phân NPK (chất lượng cao) chỉ bằng 98% giá bình quân năm 2016, còn giá urea đi ngang. Trong khi đó, hoạt động sản xuất phân đạm từ than của Tập đoàn tiếp tục gặp bất lợi so với sản xuất phân đạm từ khí, do giá khí vẫn ở mức thấp trong khi giá than tăng so với năm 2016.

Đối với các mảng sản xuất khác như cao su, chất tẩy rửa, sản phẩm điện hóa, hóa chất và khí công nghiệp, tuy sản lượng tiêu thụ tăng, song do cạnh tranh gia tăng, tỷ lệ tồn kho vẫn còn khá cao.

Riêng đối với nhóm sản xuất chế biến quặng apatit, sản xuất - kinh doanh của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam gặp nhiều khó khăn do việc xin cấp phép khai thác quặng apatit kéo dài thời gian chưa được giải quyết, có lúc phải dừng sản xuất ở một số công trường khai thác, dẫn đến không cân đối nguồn quặng cho thị trường và các nhà máy tuyển.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh với các đơn vị ngoài Tập đoàn kéo giảm giá bán, dẫn tới kết quả sản xuất - kinh doanh của Công ty không đạt được kỳ vọng. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của Apatit Việt Nam trong năm 2017 chỉ đạt 3.327 tỷ đồng, giảm 8,4%; doanh thu đạt 3.661 tỷ đồng, giảm 12,3% so với  năm 2016.

Năm qua, Tập đoàn đã tập trung xử lý các vấn đề tồn tại ở 4 đơn vị thành viên có thua lỗ lớn là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Vinachem và DAP2 Vinachem. Theo ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Vinachem, hiện các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt hơn so với năm 2016 và tăng cường công tác quản trị nhằm tiết giảm chi phí, phấn đấu có lãi hoặc lỗ ở mức thấp nhất. Kết quả sản xuất - kinh doanh của 4 doanh nghiệp có cải thiện so với năm 2016, sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng cao; số lỗ giảm so với năm 2016; trong đó CTCP DAP - Vinachem có lãi.

Chẳng hạn, tại CTCP DAP số 2 Vinachem, đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2017, sản lượng sản xuất đạt 85% công suất thiết kế. Tuy nhiên, Công ty vẫn lỗ 527 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ đặt ra theo kế hoạch là giảm nửa số lỗ so với năm 2016, tương đương 453 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

“Mục tiêu lớn nhất của Công ty trong năm 2018 là tập trung cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh và tài chính, tiến tới cắt lỗ và bước đầu kinh doanh có lãi”, đại diện lãnh đạo DAP2 nói. 

Vị này cũng cho biết, các ngân hàng thương mại đã thông báo sẽ ngừng vốn vay lưu động từ tháng 2/2018 nếu Công ty không tái cơ cấu được nợ vay đầu tư. Trong khi đó, dòng tiền của Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, Công ty vẫn chưa đàm phán xong hợp đồng mua quặng tuyển với Công ty Apatit Việt Nam vì chưa thống nhất được về giá và chưa trả xong nợ cũ. Ngoài ra, giá amoniac đang tăng cao và Công ty Đạm Hà Bắc yêu cầu phải trả trước nợ cũ mới bán nợ mới.

Để tháo gỡ khó khăn trên, lãnh đạo DAP2 cho biết, Công ty đề xuất Vinachem và Bộ Công thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Công ty được cơ cấu đối với khoản vay vốn đầu tư dự án của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,6%/năm xuống 3%/năm và giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm, trả một phần lãi phát sinh trong năm 2017.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị VietinBank giảm lãi suất xuống mức ưu đãi nhất và cơ cấu lại vốn vay, giãn thời gian trả nợ từ 12 lên 20 năm đối với lãi phát sinh, đồng thời đề xuất Vinachem và Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ Công ty làm việc cho các ngân hàng tiếp tục cho vay vốn.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục