Tái cơ cấu kinh tế: Không dàn hàng ngang

(ĐTCK) Với quan điểm không dàn hàng ngang cùng tiến, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội lần này xác định tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ và thực chất theo hai trụ cột bổ trợ lẫn nhau.
5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm đã được Chính phủ đưa ra với 10 nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm đã được Chính phủ đưa ra với 10 nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể

Thứ nhất là đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội.

Thứ hai là tập trung tái cơ cấu, hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế. Trong đó, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường.

Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm tập trung hai trụ cột tái cơ cấu kinh tế này, 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm đã được Chính phủ đưa ra với 10 nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, bao gồm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học - công nghệ.

Như vậy, có thể thấy trọng điểm tái cơ cấu giai đoạn đoạn này được xác định rõ tập trung vào các “điểm nóng, điểm nghẽn” hiện nay, đó là khu vực nhà nước với mục tiêu chính là DNNN, bộ máy hành chính và cải tiến các thủ tục, thể chế, tái cơ cấu đầu tư công, ngân sách nhà nước (NSNN). Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân, tăng cường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính nhằm tạo kênh dẫn vốn hiệu quả cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo trước Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực triển khai thực hiện 5 nội dung trọng tâm này. Trong đó, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương; kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt; hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công; tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường.

Đối với tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, sẽ tập trung đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các TCTD; mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm; hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch; tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các mục tiêu, nhiệm vụ này sẽ được đánh giá kết quả thực hiện trên cơ sở định lượng thành các con số cụ thể trên thực tiễn chứ không chỉ đánh giá một cách chung chung.

Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, 5 nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực trọng tâm cần triển khai. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung; nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính, đặc biệt là nhiệm vụ tái cơ cấu NSNN, nâng cao hiệu quả, động lực phát triển sản xuất, trong đó phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là nhiệm vụ ưu tiên. Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ mới, cần có quyết sách sớm để tập trung hoàn thành 3 trọng tâm tái cơ cấu trong năm 2017, chậm nhất nửa đầu năm 2018, nhất là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công để phân bổ lại và sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực to lớn này.

“Tái cơ cấu doanh nghiệp và đầu tư nhà nước sẽ tác động nhiều hơn đến động lực tăng trưởng và quyết định tăng trưởng kinh tế; tái cấu trúc ngân hàng và hệ thống tài chính sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô giai đoạn 2016-2020”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ.

Theo Ủy ban Kinh tế, có một số ý kiến đề nghị, bên cạnh việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, các quỹ, công ty chứng khoán như thời gian qua, cần tính đến việc cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.          

Tái cơ cấu kinh tế: Không  dàn hàng ngang ảnh 1

 Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Hiện nay, có một thực trạng là bộ, ngành, địa phương nào cũng có đề án tái cơ cấu, 99 tập đoàn, tổng công ty có 99 đề án, mỗi tỉnh phải có dăm chục đề án tái cơ cấu các loại. Có thể nói là cả một rừng đề án, không khéo cũng như rừng quy hoạch, chất lượng chưa chắc đã cao, đề nghị Chính phủ phải có đánh giá lại thực chất. Tái cơ cấu vừa qua nặng về tái cơ cấu ngành, còn tái cơ cấu nguồn nhân lực, vùng lãnh thổ chưa rõ.

Mục tiêu là tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng cần làm rõ mô hình tăng trưởng hiện nay và sắp tới là gì. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng nôm na là chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, nhưng chuyển thế nào, bằng cách nào. Có cơ cấu mới thì mới có kế hoạch phân bổ nguồn lực vốn, tài nguyên, nhân lực... tập trung vào trọng tâm, trọng điểm vào ngành nào, lĩnh vực nào có hiệu quả cao.

Tái cơ cấu kinh tế: Không  dàn hàng ngang ảnh 2

 Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Tái cơ cấu đầu tư công nói riêng, tái cơ cấu chi NSNN và quản lý nợ công nói chung cần có giải pháp đột phá, căn bản về bộ máy tổ chức để xử lý dứt điểm những hạn chế, bất cập. Nói cách khác, cần thay đổi cơ bản về thể chế quản lý vốn đầu tư từ NSNN/đầu tư công và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn và bền vững, chứ không dừng lại ở những biện pháp mang tính tình thế.

Đặc biệt, tái cơ cấu chi NSNN cần tập trung khắc phục nhược điểm lớn nhất hiện nay là tình trạng chi vượt dự toán. Cần phải siết chặt kỷ luật chi NSNN, thực hiện kỷ luật “thép” trong quản lý chi NSNN theo đúng dự toán, chứ không chỉ đơn thuần là tăng cường hay giữ vững đi đôi với biện pháp xử lý trường hợp chi vượt dự toán, hoặc kiên quyết cắt giảm một số đối tượng thụ hưởng NSNN không cần thiết, không hợp lý để chuyển sang sử dụng các nguồn lực tài chính khác ngoài NSNN.

Tái cơ cấu kinh tế: Không  dàn hàng ngang ảnh 3

 TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia


Để tái cơ cấu hệ thống các TCTD đi vào chiều sâu, hiệu quả và chất lượng hơn, giai đoạn tới cần các giải pháp trọng tâm như thành lập Hội đồng hay Ủy ban về tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu để chỉ đạo quá trình tái cơ cấu tổng thể hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, bởi việc này liên quan đến nhiều Bộ, ngành và các khuôn khổ pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực (bất động sản, tài sản đảm bảo...), cần ban chỉ đạo có thẩm quyền đưa ra quyết định về các chính sách và giải pháp để xử lý triệt để các vấn đề có liên quan. Xử lý nợ xấu bằng các biện pháp tổng thể cho toàn bộ hệ thống kết hợp với biện pháp riêng cho từng nhóm TCTD. Đồng thời, nợ xấu cũng cần được xử lý bằng nguồn lực tổng hợp của Nhà nước. Tăng cường xử lý và kiểm soát tốt tình trạng sở hữu chéo và đầu tư chéo trong hệ thống tài chính tín dụng. Đẩy nhanh tiến trình áp dụng các chuẩn mực quốc tế đối với hệ thống tổ chức tín dụng, trong đó có Basel II nhằm giúp các ngân hàng chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường tính hiệu quả của thị trường tài chính, hướng tới xây dựng một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững.
Tái cơ cấu kinh tế: Không  dàn hàng ngang ảnh 4

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 


Đối với cải cách khu vực DNNN, cần chấm dứt ngay thực tế “sáng ngủ dậy, Nhà nước đã mất hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng” bằng cách chấm dứt hoạt động, cho phá sản các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.

Tôi cho rằng, nếu kịp thời cho phá sản Vinashine, Vinalines và một số doanh nghiệp lớn có tình trạng thua lỗ nặng khác, tình hình bây giờ có thể đã khác. Cần chấm dứt sự suy giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, trước hết là khu vực nhà nước và nâng cao hiệu quả vốn, tài sản của nền kinh tế trong khu vực này; bãi bỏ ngay “xin - cho đặc thù” cho DNNN; áp đặt triệt để nguyên tắc cạnh tranh thị trường và “lời ăn, lỗ phá sản”; truy cứu trách nhiệm giải trình đối với những tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý; thực hiện triệt để cải cách DNNN; đẩy mạnh tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản khu vực nhà nước; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước (vừa huy động được vốn, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn).

Để phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh trên tất cả các mặt, từ tài sản, quyền sở hữu tài sản và bảo vệ sở hữu tài sản, gia nhập thị trường, tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh và cải thiện an toàn, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh, tăng mức độ cạnh tranh thị trường và bảo đảm cạnh tranh thị trường công bằng, giải quyết tranh chấp thương mại. Đột phá về thể chế lần này cần toàn diện, chứ không chỉ là tập trung cải cách thủ tục hành chính như hiện nay.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục