Cuối năm 2011, trước những khó khăn của nền kinh tế, những yếu kém, rủi ro tích lũy nhiều năm trước của hệ thống ngân hàng đã bộc lộ. Không ít tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cao, có nguy cơ đổ vỡ, đe dọa sự an toàn của hệ thống các TCTD.
Yêu cầu đặt ra là phải tái cơ cấu nhằm khắc phục những yếu kém nội tại của ngành ngân hàng, lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống.
Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kịp thời xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng đã ký Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 ban hành Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 ban hành Đề án Xử lý nợ xấu (Đề án 843).
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước
Kết quả tái cơ cấu: nhiều thành tựu
Đến nay, sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống một số TCTD được đẩy lùi, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các TCTD đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật. Thanh khoản được bảo đảm và cải thiện nhờ NHNN điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nợ xấu của hệ thống được xử lý quyết liệt, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng khá và yếu kém trong hoạt động của TCTD được xử lý.
Đây là điều kiện quan trọng giúp hệ thống ngân hàng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam (tháng 11/2015), Moody's duy trì triển vọng ổn định đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam (được xếp hạng từ tháng 11/2014) trong 12-18 tháng tới, với môi trường hoạt động được duy trì ở mức ổn định, tích cực, chất lượng thanh khoản và tài sản ổn định, sự minh bạch về tỷ lệ nợ xấu được cải thiện rõ rệt.
Một trong những biện pháp cơ bản của tái cơ cấu là sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện (9 TCTD được sáp nhập, hợp nhất vào TCTD khác, 4 TCTD được mua lại, không bao gồm 3 ngân hàng được mua lại không đồng) nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại hoạt động của các TCTD. Diễn biến này đã khẳng định việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam để cơ cấu lại các TCTD và giảm số lượng TCTD, đặc biệt là TCTD nhỏ, yếu kém.
Đồng thời, điều này cũng phản ánh sự thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức của chủ sở hữu các TCTD từ chỗ e ngại sang chủ động, tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới như là một tất yếu khách quan để định hướng chiến lược cho sự tồn tại, phát triển lâu dài, an toàn, hiệu quả, bền vững.
NHNN đã kiểm soát được và xử lý kiên quyết các TCTD yếu kém theo phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Các trường hợp ngân hàng thương mại yếu kém không có khả năng thực hiện phương án cơ cấu lại được duyệt, hoặc không có phương án cơ cấu lại khả thi được NHNN áp dụng các biện pháp xử lý can thiệp bắt buộc theo đúng các quy định của pháp luật (đặt vào kiểm soát đặc biệt, mua lại bắt buộc) để kiểm soát toàn diện, không lan truyền rủi ro gây mất an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD và tránh đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước trong bối cảnh chưa áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng.
Quá trình cơ cấu lại các TCTD chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước, kể cả đối với việc mua lại các ngân hàng yếu kém, do đó không làm gia tăng chi ngân sách nhà nước.
Môi trường kinh doanh ngân hàng được lành mạnh hoá. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.
Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng được hoàn thiện một bước quan trọng; hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát được tăng cường. NHNN chủ động phát hiện, xử lý và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại nhằm xử lý những tồn tại, yếu kém cố hữu và vi phạm pháp luật của các TCTD, trong đó ưu tiên áp dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để tài sản cho ngân hàng.
Trong quá trình tái cơ cấu, NHNN phối hợp chặt chẽ, toàn diện với các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện giám định tư pháp phục vụ cho quá trình điều tra, tố tụng để xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật. Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí chi phối, cố ý làm trái, sử dụng trái phép tài sản, vay vốn với quy mô lớn phục vụ cho các lợi ích nhóm dẫn đến rủi ro cho ngân hàng của các cổ đông lớn, cán bộ lãnh đạo các TCTD đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, có tác dụng răn đe, cảnh báo mạnh mẽ.
Tư duy, nhận thức của lãnh đạo và cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn của ngân hàng đã trở nên đúng đắn hơn trong việc đầu tư, sử dụng vốn và quản trị, điều hành ngân hàng một cách có trách nhiệm và tôn trọng pháp luật; chấm dứt tư duy đầu tư, sở hữu ngân hàng để biến ngân hàng trở thành kênh dẫn vốn phục vụ cho nhóm lợi ích.
Trong suốt quá trình triển khai tái cơ cấu, vai trò, vị trí chi phối của các NHTM nhà nước trong hệ thống các TCTD được duy trì, củng cố. Các NHTM nhà nước không ngừng củng cố thế và lực, duy trì vị trí chủ đạo, vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các TCTD, luôn đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là giảm mặt bằng lãi suất và ổn định tiền tệ; đồng thời là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Khối NHTM cổ phần hoạt động tương đối ổn định, từng bước lành mạnh, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Một số NHTM cổ phần đã chủ động mua lại, tham gia cơ cấu lại TCTD phi ngân hàng hoặc sáp nhập với NHTM cổ phần khác để tăng quy mô hoạt động, tái định hướng chiến lược kinh doanh, mở rộng cơ sở khách hàng, gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ. Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô được củng cố, chấn chỉnh và phát huy vai trò tích cực trong việc góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Xử lý nợ xấu: chỉ còn 2,55%
Một kết quả quan trọng đã đạt được là năng lực tài chính của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cải thiện đáng kể. Đến tháng 12/2015, vốn điều lệ liên tục tăng lên và đạt trên 460.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30%; vốn chủ sở hữu đạt trên 550.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2011. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì sở hữu vốn và tham gia tái cơ cấu các NHTM (hiện có 16 NHTM cổ phần có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, trong đó có 8 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài).
Các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là Công ty Quản lý tài sản-VAMC), góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ. Đến cuối tháng 12/2015, trên 493.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2015 còn 2,55% (tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9/2012 là 17,2%).
Với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I/2015 không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN) và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn. Cùng với việc tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, kết quả xử lý nợ xấu đạt được đã góp phần quan trọng cải thiện thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng khả năng tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD cũng đã được xử lý một bước quan trọng trong giai đoạn 2011-2015. Sở hữu của các NHTM cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản.
NHNN tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng. Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp thời điểm năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay.
Hệ thống ngân hàng đang được vận hành trên một nền tảng mới
Triển khai Đề án cơ cấu lại và Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong điều kiện có nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi và không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…), nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành ngân hàng và hệ thống chính trị, đến nay, các mục tiêu đặt ra tại các Đề án về cơ bản đã đạt được.
Sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD đã được duy trì và cải thiện, các NHTM yếu kém được kiểm soát, giảm dần về số lượng và cơ cấu lại toàn diện, nợ xấu được kiểm soát và xử lý một bước căn cơ. Kết quả cơ cấu lại các TCTD đạt được rõ nét đã ổn định tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư; nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách, biện pháp cơ cấu lại các TCTD của Nhà nước.
Dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông, tín dụng ngân hàng tiếp tục được mở rộng và phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng trên cơ sở đánh giá lợi ích - rủi ro và phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD không chỉ làm lành mạnh các TCTD, mà còn có tác dụng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang được vận hành trên một nền tảng mới với năng lực tài chính mạnh hơn, công nghệ quản trị rõ ràng, minh bạch và tiên tiến hơn, các thiết chế an toàn đầy đủ, đồng bộ và tiếp cận dần các thông lệ quốc tế, tư duy quản lý, kinh doanh ngân hàng đúng đắn và tuân thủ pháp luật.
Định hướng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, trên cơ sở các kết quả đã đạt được, NHNN sẽ tiếp tục cơ cấu lại triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD; kiên quyết xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của nhà nước.
Phát triển hệ thống các TCTD theo hướng đa năng, hiện đại, hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, chuẩn mực an toàn, hoạt động phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Phát triển mạnh mẽ, vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả nhằm góp phần xoá đói, giảm nghèo và gia tăng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều khó khăn.
Với sự nỗ lực, cố gắng của ngành ngân hàng, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục được triển khai thành công, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ thống TCTD Việt Nam.