Tái cơ cấu để kỳ vọng

(ĐTCK) Một trong những giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thực hiện là cải tiến hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng, trước mắt thông qua sự cầm trịch của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Khi được nguồn vốn ngân sách trực tiếp đỡ đầu, DN đang hy vọng "bà đỡ" cho họ sẽ mát tay hơn, thay vì hoạt động èo uột tại một số địa phương như hiện nay.
Quỹ bảo lãnh tín dụng có vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Quỹ bảo lãnh tín dụng có vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Quỹ bảo lãnh tín dụng có vai trò làm cầu nối giữa DN và ngân hàng. Quỹ hỗ trợ DN hoàn thiện hồ sơ vay vốn, đồng thời như một bộ lọc giúp ngân hàng thẩm định dự án, tăng cường tính an toàn cho các khoản vay. Mô hình này đặc biệt thành công tại Đài Loan, nơi mà vài chục năm trước đây kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ chủ yếu vào sức bật của khối DN nhỏ và vừa.

Điểm yếu của DN nhỏ và vừa Việt Nam là chủ yếu hoạt động ở quy mô gia đình, tính minh bạch, khoa học và chuyên nghiệp không cao, vì thế họ thường thiếu khả năng lập các kế hoạch kinh doanh hiệu quả, không đưa ra được chiến lược kinh doanh dài hạn để thuyết phục ngân hàng cho vay. Kỳ vọng về khả năng hỗ trợ DN của quỹ bảo lãnh tín dụng do vậy rất lớn. Do đó, chủ trương thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng đã có từ 7 năm trước, 9 quỹ đã ra đời; nhưng hiện tại, chỉ có 3 quỹ có khả năng hoạt động, số DN thụ hưởng lợi ích từ quỹ này đem lại rất khiêm tốn.

Điểm hạn chế của mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng hiện tại là được xây dựng ở các địa phương, vốn hoạt động một phần từ ngân sách, một phần kêu gọi sự đóng góp của cả ngân hàng và DN. Khả năng tài chính hạn hẹp, khó có thể thuê nhân sự lành nghề để tư vấn cho DN và thẩm định dự án trước khi ngân hàng tiếp nhận hồ sơ, quỹ chưa khiến ngân hàng tin tưởng, hiệu quả hoạt động không cao và bản thân các ngân hàng chưa thấy được lợi ích mà họ có thể đạt được khi phải đóng góp cho quỹ nên không mặn mà tham gia.

Đơn cử như Quỹ bảo lãnh tín dụng TP. HCM có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2004, song chỉ kêu gọi được sự tham gia góp vốn của hai ngân hàng là Vietcombank và Á Châu, số DN được Quỹ bảo lãnh chưa nhiều và DN cũng không mấy dễ dàng vay vốn ngân hàng thông qua bảo lãnh của Quỹ. Cụ thể, điều kiện để được bảo lãnh tín dụng là DN có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp, cầm cố tại ngân hàng tối thiểu bằng 30% giá trị khoản vay và quỹ chỉ cấp bảo lãnh tín dụng tối đa bằng 80% phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của DN tại ngân hàng. Khi bảo lãnh qua quỹ, DN sẽ trả phí bảo lãnh là 0,8%/năm trên tổng số tiền được bảo lãnh. Một DN cho hay, nếu đã đạt đến những điều kiện trên, họ cũng không phải tìm đến quỹ nữa mà có thể làm việc trực tiếp với ngân hàng.

Tái cơ cấu?

Lý giải vì sao quỹ chưa đi vào cuộc sống, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cơ cấu vốn để bảo lãnh cho tín dụng chưa hợp lý. Quỹ thì được huy động vốn từ ngân sách địa phương và các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, ngân sách các địa phương thì luôn luôn eo hẹp, không có nhiều để dành cho quỹ. Còn vốn từ các NHTM thì không huy động được nhiều. Bởi thực tế là có ngân hàng nào đưa tiền vào quỹ thì chính ngân hàng đó lại bảo lãnh khoản tiền đó để cho vay. Vì vậy, để quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả và đi vào cuộc sống, cần phải cơ cấu lại theo hướng tiền chủ yếu phải được cấp từ ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Hiện tại, ngoài một số quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương có chủ trương được cải tiến hoạt động, một đề án quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương đã được dự thảo, do VDB chủ trì. Dự kiến, quỹ sẽ ra mắt hoạt động từ đầu năm tới, trong tuần qua đã có cuộc họp đóng góp ý kiến cho bản dự thảo đề án này.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, bản đề án mới rút kinh nghiệm về những tồn tại của các quỹ đã hoạt động để đề ra những hướng mới. Vốn hoạt động của quỹ chủ yếu từ ngân sách cấp và các nguồn hỗ trợ quốc tế, chỉ kêu gọi một phần rất nhỏ từ DN và không vận động từ NHTM. Đặc biệt, tính trách nhiệm của quỹ về chia sẻ rủi ro được đề ra rõ ràng khi DN "lâm sự", điều này sẽ giúp ngân hàng yên tâm khi cho vay.

Đề cập đến vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng, với đặc thù ở Việt Nam, DN nhỏ và vừa chiếm tới 95% cơ cấu DN, đóng góp tới 40% GDP thì đây là mô hình cần phải khuyến khích thực hiện. Nếu được yêu cầu, BIDV sẵn sàng xem xét hỗ trợ. Ông Hà cũng cho rằng, với những quỹ như vậy không nên tính phí bảo lãnh cho DN và lấy từ nguồn khác, chẳng hạn như từ các ngân hàng, tất nhiên có bảo lãnh của quỹ không đồng nghĩa với việc ngân hàng cấp tín dụng ra ngay mà họ sẽ thẩm định lại.

Thuỷ Nguyễn
Thuỷ Nguyễn

Tin cùng chuyên mục