Hình thành thị trường mua bán nợ, cần thêm những đối tác bán - mua

(ĐTCK) Lâu nay, việc mua bán nợ chủ yếu diễn ra giữa các tổ chức tín dụng với VAMC, DATC, mà thiếu vắng giao dịch giữa các tổ chức tín dụng với nhau, đặc biệt là chưa có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, dẫn đến chưa thể hình thành thị trường mua bán nợ chính thức.
Năng lực tài chính của một số chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ vẫn còn yếu. Năng lực tài chính của một số chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ vẫn còn yếu.

Xử lý nợ xấu: Tích cực, nhưng còn nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD - VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 137.700 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 47.970 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51.120 tỷ đồng.

Về phía ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, thời điểm ra đời Nghị quyết 42, Agribank có số dư nợ xấu được phép xử lý theo nghị quyết này là hơn 140.000 tỷ đồng của gần 500.000 khách hàng.

Trong đó, nợ xấu nội bảng 18.700 tỷ đồng, nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN năm 2012, Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Nghị định 55/2015/NĐ-CP là 36.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 40.000 tỷ đồng, nợ đã xử lý rủi ro là 46.700 tỷ đồng.

Từ 15/8/2017 đến 15/8/2019, Agribank đã thu hồi và xử lý được gần 110.000 tỷ đồng, trong đó nợ thu hồi là 60.000 tỷ đồng, tự xử lý rủi ro (bao gồm cả mua lại gần như toàn bộ nợ đã bán cho VAMC) là gần 50.000 tỷ đồng.

“Nghị quyết 42 ra đời đã giúp công tác thu hồi, xử lý nợ của Agribank triệt để và hiệu quả hơn, với nhiều tác động nổi bật: Áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với gần 700 tài sản của gần 400 khách hàng với giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.

Phối hợp với VAMC chuyển các khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán theo giá trị thị trường và phối hợp đấu giá khoản nợ đối với gần 70 khoản nợ với dư nợ trên 3.200 tỷ đồng, trong đó đã bán thành công 36 khoản nợ, tổng giá trị hợp đồng đã ký hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng bán nợ thị trường cho VAMC là 14 khoản, giá trị hợp đồng hơn 1.400 tỷ đồng”, ông Vượng thông tin thêm.

Thực tế, Nghị quyết 42 đã tạo nền tảng pháp lý để các ngân hàng xử lý tốt hơn các khoản nợ xấu thời gian qua. Dẫu vậy, trong khi nợ xấu vẫn đang phát sinh hàng ngày thì tiến trình xử lý nợ xấu còn gặp khá nhiều vướng mắc.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho rằng, đó là sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý, sự phối hợp chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.

Cụ thể hơn, ông Vũ cho biết, đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản đảm bảo, thực hiện nghĩa vụ thuế…

Cần một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa

Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, nợ xấu khó có thể được xử lý triệt để nếu không có một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, mặc dù nguồn cung về nợ xấu khá lớn, nhưng số lượng công ty chuyên về mua bán nợ xấu lại không nhiều, mới chỉ có VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), các công ty mua bán nợ của các TCTD và một số tổ chức, cá nhân khác.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629.200 tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của một số chủ thể tham gia thị trường vẫn còn yếu. Trong số chủ thể tham gia mua bán nợ xấu, ngoài VAMC và DATC có quy mô vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng trở lên, các công ty mua bán nợ của các TCTD và một số chủ thể khác đều rất hạn chế về vốn, quy mô vốn nhỏ hơn nhiều so với số nợ xấu cần xử lý, gây ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ.

“Việc mua bán nợ giữa các TCTD với VAMC, DATC vẫn diễn ra từ trước đến nay, nhưng chưa có hoạt động mua bán nợ giữa các TCTD với nhau và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài”, phó tổng giám đốc phụ trách xử lý nợ của một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Về khuôn khổ pháp lý, đã có Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua - bán nợ, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hướng dẫn triển khai nghị định này rất sơ sài và chưa có đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ, thiếu một hành lang pháp lý để thị trường mua bán nợ hoạt động.

“Nếu chỉ có bên mua, bên bán thì chưa đủ, mà cần có hạ tầng kỹ thuật, nhất là cơ chế pháp lý thông thoáng. Có như vậy thì thị trường mua bán nợ mới sôi động được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Tại Quyết định 1058 phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin chính thức.

TS. Cấn văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ chính thức, sau đó là thị trường mua bán nợ thứ cấp để gia tăng tính thanh khoản, luân chuyển các khoản nợ, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu theo giá thị trường.

Hiện Bộ Tài chính được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, song tốc độ triển khai còn chậm, khiến bài toán hình thành thị trường mua bán nợ chính thức đến nay vẫn chưa thể có lời giải.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục