Sáng nay (12/7), Báo Đầu tư, cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ tổ chức Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề “Phát triển tài chính bán lẻ – cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế”.
Trong phần trình bày tham luận, các chuyên gia, diễn giả đã cung cấp những số liệu, hiện trạng, cũng như khung pháp lý liên quan tới thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam.
Nhiều ý kiến đánh giá vai trò lớn của tài chính bán lẻ với đời sống của người dân, nhất là với những người không đủ điều kiện để tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Với dân số 95 triệu dân, nhiều ý kiến đánh giá cơ hội tăng trưởng của ngành tài chính bán lẻ Việt Nam vẫn rất mạnh, với đà tăng trưởng 2 con số mỗi năm trong vòng ít nhất 5 năm tới.
Sau 3 tiếng đồng hồ, các chuyên gia, diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu về thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam. Những thông tin, số liệu này giúp các cơ quan quản lý, người tiêu dùng, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tài chính tiêu dùng.
Ngoài ra, các số liệu đưa ra cũng cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam còn rất lớn.
Nội dung chi tiết:
Nội dung tường thuật
Trao đổi thêm tại Tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta phải trả giá nhiều về câu chuyện trần lãi suất, từ năm 1993 đến giờ về cơ bản không áp trần lãi suất, các nước đã phát triển như Nhật và Mỹ không báo giờ áp trần lãi suất vì đó là phi thị trường, kìm hãm tín dụng. Khi áp trần lãi suất thì ngân hàng và công ty tài chính không muốn cho vay, rất rủi ro mà lãi suất trần chỉ 20-30% thì ai muốn cho vay.
NHNN và cơ quan quản lý có biện pháp quản lý những gì thái quá, ví dụ payday tạm ứng vì đó là hành vi tín dụng đen trá hình. Hình thức của người thừa tiền và thiếu tiền như Uber và Grab, Bitcoin về lâu về dài sẽ tồn tại ở Việt Nam, đó là xu thế tất yếu. Đó là sáng tạo tài chính, tài chính số, ngân hàng số. Các nước không dại gì mà cấm đoán, nhưng kiểm soát như thế nào mà thôi.
Lời khuyên với người tiêu dùng sau nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua: Thứ nhất, không nên tùy ý tùy tiện cho bạn bè người thân mượn giấy tờ tùy thân, kí thay hợp đồng tín dụng. Đây là sai lầm, ở nông thôn, nhiều trường hợp kí thay mà không biết mình ký thay. Thứ hai, đọc kĩ những điều kiện điều khoản, thanh toán, lãi suất, thanh toán.
Thứ ba, không nên quan ngại khi tiếp xúc ngân hàng, công ty tài chính để vay vì tâm lý đó là thủ tục cực kì phức tạp.
Thứ tư, cân nhắc năng lực tài chính của mình, người chỉ có thu nhập 10 triệu/tháng mà vay đến 100 triệu thì nguy hiểm.
Thứ năm, phải thanh toán vay tiêu dùng đúng hạn vì nếu không đúng hạn thì lãi suất phạt sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, ông Thái cho rằng, có mối quan hệ tương quan giữa phát triển tiêu dùng và kinh tế. Ví dụ cho vay mua nhà ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế, đến phát triển thị trường bất động sản... Những vấn đề này cần NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm.
Công ty cho vay tài chính cho vay mua xe máy: một gia đình nông thôn mua một cái xe máy là một món tài chính lớn, khi mua được xe máy là kinh tế gia đình đã được cải thiện, cuộc sống tốt hơn.
Về vấn đề cạnh tranh trên thị trường cho vay tiêu dùng, hiện chưa có hiệp hội các công ty tài chính để các công ty tài chính có tiếng nói chung. Các công ty tài chính cạnh tranh để khách hàng hưởng lợi, nhưng những cạnh tranh không lành mạnh cần xóa bỏ dần, do đo cần có một hiệp hội các công ty tài chính tiêu dùng để làm trọng tài cho các vấn đề này.
Theo ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD Saison, Việt Nam với dân số trên 93 triệu người, trong đó 60-65% trong độ tuổi lao động, khoảng 50-60% là những người dân có thu nhập trung bình thấp dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhưng, gần 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng mới phục vụ 1/3-1/4 tổng lượng khách hàng có nhu cầu. Mà lượng khách hàng đã được phục vụ rồi không phải ngày mai sẽ biến mất mà họ sẽ tiếp tục quay lại vay tiếp.
Cho vay tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định xã hội. Chẳng hạn, đã có rất nhiều vụ việc thương tâm khi người dân đi vay tín dụng đen và bị xã hội đen đánh đập, gây ra cảnh tan cửa nát nhà. Sự ra đời công ty tài chính sẽ giúp người dân thoát được tín dụng đen.
Hiện nay, ước tính 60-70% doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện máy là do các công ty tài chính đem lại.
Tài chính tiêu dùng chỉ tập trung vào điện thoại, điện máy, xe máy, nhưng đời sống không chỉ bó gọn trong những sản phẩm đó, cần tiếp tục hỗ trợ để các công ty tài chính mở rộng ra các sản phẩm thiết yếu với cuộc sống.
Trong thời gian qua, HD Saison tiếp tục bổ sung nhiều hinh thứccho vay đa dạng khác như cho vay để làm đám cưới, hỗ trợ sinh viên các trường dạy nghề, trường anh ngữ...
Đối với người tiêu dùng, khi chúng tôi có thông tin đầy đủ thì mới có thể giảm thời gian thẩm định, có thể giảm lãi suất vì thời nay có nhiều gian lận, việc thu nợ khá vất vả. Một món vay được phát ra thì phải đi đòi nợ, gọi trực tiếp, rồi đến từng cơ sở, từng khách hàng để đòi nên chi phí đương nhiên sẽ đẩy lên.
Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit cho biết: "Chúng tôi tin tưởng ngành hàng này sẽ tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới vì Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ nên dư địa phát triển ngành này rất cao,
Đối với FE Credit, hướng kinh doanh là tập trung vào nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động, có thu nhập trung bình và thấp, đa phần là công nhân, tiểu thương, không phải nhóm khách hàng mà các NHTM đang nhắm tới.
Nếu không có FE Credit thì nhóm khách hàng này đa phần trông vào tín dụng đen. Với hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn, cụ thể như Thông tư 43, hạn mức tiêu dùng nâng lên từ 10 – 100 triệu đồng/khoản vay, FE credit có danh mục cho vay khá đầy đủ từ tiền mặt, xe máy, điện thoại".
Đề cập đến bí quyết để FE Credit phát triển nhanh, ông Hùng cho biết, FE Credit có dòng sản phẩm đa dạng nhất trong các nhóm cho vay tiêu dùng hiện nay. Đội ngũ sale mạnh với hơn 1.000 người, bao phủ thị trường lớn. Ngoài đội ngũ sale, Công ty hợp tác chiến lược với 5.500 đối tác tại các địa điểm bán hàng như trung tâm điện máy, điện thoại.
“Chúng tôi hoàn toàn hi vọng với mức đầu tư con người, độ phủ, chúng tôi tự tin có thể nâng cao vị thế trong thời gian sắp tới”, ông Hùng nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng: "Cho vay tiêu dùng là cho vay tiêu đi, chứ không dùng nguồn tiền đấy để trả nợ".
Có 3 kênh tiêu dùng chính: cầm đồ, hiện nay có tình trạng là hang cùng ngõ hẻm đi đâu cũng gặp vay tín dụng đen; Ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân; công ty tài chính là định chế hợp pháp.
Các TCTD này với điều kiện cho vay chặt chẽ, rất ít có cho vay không có tài sản bảo đảm. Cho vay cầm đồ, dư luận ít hiểu và cho rằng bất hợp pháp. Các tiệm cầm đồ đều có giấy phép đăng kí kinh doanh. Nhưng bất hợp pháp ở chỗ nào? Cho vay cầm đồ, cầm cố tài sản, không có tín chấp, thế chấp...
Tín dụng đen hiện đang là vấn đề nhức nhối, cho vay nóng, cho vay bạn bè anh em, công ty với nhau, còn lại đa số là kênh tín dụng không có đăng kí kinh doanh. Sân riêng của các công ty tài chính là cho vay tiêu dùng.
Kênh cho vay chính thức thì 80-90% qua tài chính tiêu dùng, giúp hạn chế tín dụng đen, nhưng sự cạnh tranh chưa cao, 5-6 công ty cho vay tiêu dùng, nhưng chỉ có 3-4 công ty là hoạt động khá mạnh mẽ trên toàn quốc.
Lãi suất cho vay tiêu dùng là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua, hiện nay đã quy định tương đối rõ là lãi suất sẽ tính theo dư nợ giảm dần. Luật dân sự mới chưa thống nhất và tòa đang chờ đợi mức lãi suất cho vay trên 20% có hợp pháp hay không hợp pháp, đúng hay không đúng.
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phải đăng ký mẫu vay tiêu dùng ở Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương nhưng dường như các ngân hàng vẫn chưa đăng ký, vì đang nghe ngóng, chờ Nghị quyết 35 của Chính phủ để giảm tải thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Phương Thanh, Chủ nhiệm Cao cấp, Bộ phận Tư vấn Dịch vụ Ngân hàng Tài chính, EY Việt Nam đề cập đến độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp.
Bà Thanh cũng chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận vùng nông thôn từ các nước trên thế giới từ khảo sát của EY. Cụ thể, tại một số quốc gia mới nổi có tỷ lệ dân số sinh sống tại nông thôn cao như Ấn Độ, Băng-la-desh, Tazania, Brazil… Để có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến các vùng nông thôn, các công ty tại các nước này đã áp dụng một số sáng kiến mang tính đột phá và đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận.
Ví dụ, tại Tazania và Ấn Độ, thay vì sử dụng các công ty chuyên bán hàng và dịch vụ để tiếp cận khách hàng mới tại khu vực thành thị, các công ty đã sử dụng mạng lưới nhân viên bán hàng tại địa phương, hiểu biết rất rõ về các đối tượng khách hàng nông thôn cũng như đặc điểm vị trí địa lý vùng miền. Tại Tanzania, Vodacom đã phối hợp với các hợp tác xã để tìm hiểu về địa phương, xây dựng mạng lưới nhân viên bán hàng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp để tiếp cận các khách hàng tại các vùng nông thôn.
Còn ở Ấn Độ, nơi 70% dân số sống tại nông thôn, từ năm 2000 đến 2004, Công ty Hindustan Lever thuộc Tập đoàn Unilever đã phối hợp với các nhóm phụ nữ tại các ngôi làng (với khoảng 2,000 cá nhân) để thực hiện dự án Shakti, nhằm thuyết phục cũng như đào tạo thành viên của các nhóm phụ nữ này thành các cán bộ bán hàng để phân phối các sản phẩm của Unilever. Theo cách này, Công ty đã tiếp cận được hơn 70 triệu lượt khách hàng nông thôn.
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng đề cập đến vấn đề chính của tín dụng tiêu dùng là Quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng. Để có thể vừa thu hút khách hàng mới, mở rộng thị phần tại khu vực nông thôn, vừa quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, theo bà Thanh, các công ty tài chính tiêu dùng cần phải áp dụng những cách thức tiếp cận mới ngay từ việc đánh giá khách hàng để quyết định cho vay hay không.
Bên cạnh phần lớn dân cư nông thôn có thu nhập thấp, vẫn còn một bộ phận dân số được đánh giá là có thu nhập khá hơn và ổn định hơn. Đó là nhóm những tiểu thương kinh doanh buôn bán và các nhân viên làm việc cho các đơn vị hành chính sự nghiệp tại phường, xã, huyện,… Việc phân khúc khách hàng thành các nhóm khác nhau sẽ giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ.
Ví dụ: với nhóm khách hàng có thu nhập khá, họ có thể vay để mua điều hòa, tủ lạnh, máy giặt,… trong khi đó nhóm khách hàng có thu nhập thấp thì chỉ có thể vay để mua các sản phẩm như ti vi, quạt điện,… Việc phân nhóm khách hàng nông thôn sẽ hỗ trợ các công ty trong việc quyết định giá trị khoản vay và sản phẩm tương ứng.
Cụ thể như, Công ty Casas Bahia tại Brazil – một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm điện tử và các sản phẩm gia dụng khác cho các khách hàng tại nông thôn thông qua phương thức cho vay giá trị nhỏ, đã thành công trong việc áp dụng phân nhóm khách hàng nông thôn cho mục đích định hướng khách hàng vay không vượt quá khả năng của mình.Ngoài ra, công ty này cũng đã áp dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp trong việc đánh giá tín nhiệm khách hàng thông qua các câu hỏi về thu nhập, cuộc sống cũng như công việc. Việc này đã giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu của công ty, tuy nhiên,để có thể thực hiện được đòi hỏi rất cao ở kỹ năng và kinh nghiệm của cán bộ thẩm định.
Một hình thức khác khá hiệu quả, đã được áp dụng rộng rãi tại Băng-la-đét và Ấn Độ là hình thức cho vay theo nhóm (self-help group). Ngân hàng Grameen tại Băng-la-đet là một ví dụ điển hình cho hình thức này. Đây là ngân hàng thành công nhất trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô với số lượng khách hàng lớn và được nhiều quốc gia học tập.
Cụ thể, Ngân hàng cho vay theo nhóm, theo đó, mỗi nhóm gồm 5 thành viên được vay một khoản tiền, nhưng cả nhóm sẽ bị từ chối nhận tín dụng tiếp nếu một thành viên bị vỡ nợ. Việc này tạo ra áp lực nhóm, tạo động lực cho nhóm hoạt động có trách nhiệm, và làm tăng tỷ lệ hoàn vốn lên tới 98%.Ngoài ra, sản phẩm còn có các đặc tính sau: kỳ hạn khoản vay ngắn: trung bình 1,5 năm; khách hàng phải đóng 5% giá trị khoản vay; khách hàng phải đóng một khoản tiền nhất định vào quỹ của nhóm hàng tuần và các thành viên trong nhóm không được rút tiền từ quỹ của nhóm nhưng có thể vay từ quỹ này.
“Mặc dù đây là hình thức tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô nhưng trong một khía cạnh nào đó cũng có thể áp dụng cho dịch vụ cho vay tiêu dùng. Các công ty tài chính tiêu dùng có thể cho vay các cá nhân nhưng được đảm bảo trả nợ bởi một nhóm tự quản hoặc một tổ chức, đoàn thể nhằm giảm thiểu khả năng vỡ nợ của khách hàng”, bà Thanh nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế cho rằng:
Thứ nhất, tốc độ tăng cho vay tiêu dùng trên GDP 70% là quá nhanh, trong khi đó tiết kiệm là ít. Tăng trưởng tiêu dùng tốt, tài chính tiêu dùng của Việt Nam cao hơn châu Âu, Mỹ là không bình thường, chủ yếu vay nợ nước ngoài. Tốc độ tiêu dùng đi lên nhanh thì tốc độ tiêu dùng văn hóa cũng xuống nhanh. Cần phải có tỷ lệ an toàn vĩ mô.
Thứ hai, còn vô vàn câu chuyện cho vay tín dụng đen chưa được quản lý rốt ráo, chẳng hạn như những vụ cho vay với doanh số cho vay năm ngoái thấp nhất 300 tỷ cao nhất 800 tỷ đồng trên địa bàn thị trấn lớn của Hà Tĩnh nhưng không có ai quản lý. Người mở quán, buôn thúng bán mẹt khi bị bắt mới lộ ra việc cho vay tín dụng đen hàng trăm tỷ đồng.
Thư ba, cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là một dạng kinh doanh có điều kiện, đăng lý, kế toán, nộp thuế, giảm sát, điều kiện tối thiểu, lãi suất cho tự do.
Thư tư, cũng cần phải xem xét lại một vài thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng. Hoạt động cho vay này tại Việt Nam chủ yếu thời gian qua là mua nhà và ô tô nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. Nếu không đi vào giám sát vi mô bài bản sẽ có nhiều ngách, tín dụng tiêu dùng len lỏi vào một mức độ nào đó.
Theo ông Nghĩa, càng chính thức hóa hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ hạn chế tín dụng đen.
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, giai đoạn từ 1993 đến nay có thể rút ra một số kết luận :
Một là, về cơ bản trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN đối với lãi suất cho vay tiêu dùng của các TCTD Việt Nam xuyên suốt qua các thời kỳ là cơ chế lãi suất thỏa thuận (thả nổi theo cung cầu của thị trường) bình đẳng về lợi ích, ngày càng công khai, minh bạch về mức lãi suất, phương pháp tính lãi.
Hai là, mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng ở các giai đoạn luôn cao hơn so mặt bằng lãi suất cho vay kinh doanh trong nền kinh tế. Mức lãi suất cho vay tiêu dùng đối với những món nhỏ và của những khách hàng thu nhập thấp không có tài sản bảo đảm có rủi ro cao thường cao hơn vài lần so mức lãi suất cho vay kinh doanh.
Ba là, trong giai đoạn đầu lãi suất cho vay tiêu dùng chưa được quan tâm nhiều, càng về sau thì công luận và cơ quan quản lý càng để mắt nhiều hơn đến lãi suất cho vay tiêu dùng.
Bốn là, đến cuối năm 2016, chính sách về cho vay tiêu dùng đã được tách bạch hơn.
Năm là, xu hướng bán lẻ của NHTM gia tăng mạnh đang trở thành kênh cạnh tranh quan trọng cho các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận từ kênh cho vay tiêu dùng.Vì mức ROE cao hơn, ổn định hơn, mức độ phân tán rủi ro cho danh mục cho vay cũng tốt hơn.
Sáu là, sự xuất hiện của các công ty tài chính tiêu dùng (CTTCTD) đã đưa đến nguồn cung tín dụng cho nhóm khách hàng nhỏ lẻ có nhu cầu tiêu dùng nhưng không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng từ các NHTM làm phong phú hơn cho tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam.
Ông Hòe cũng đề cập đến vấn đề lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTCTD tại sao thường là cao. Theo ông Hòe, căn nguyên của vấn đề là:
Thứ nhất, đối tượng khách hàng phục vụ và phương thức hoạt động của CTTCTD khác xa so với NHTM. Đây là bản chất của việc dẫn đến mức độ rủi ro của khoản vay cũng khác.
Thứ hai, mức độ rủi ro cao nên phần bù rủi ro trong yếu tố cầu thành lãi suất tăng cao. CTTCTD cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… thủ tục lại phải rất nhanh chóng, thuận tiện.
Thứ ba, chi phí vốn đầu vào cao của các CTTCTD xuất phát từ việc họ phải hoạt động bằng vốn tự có cộng với phát hành trái phiếu cho các pháp nhân là người mua, đi vay các NHTM mà không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư (không lợi dụng được mạng lưới để huy động để có vốn rẻ lãi suất không kỳ hạn như NHTM). Vì bản thân hoạt động của CTTCTD rủi ro rất cao nên Luật TCTD khống chế không cho họ hoạt động huy động tiền từ dân cư. Do vậy đây cũng là yếu tố làm cho lãi suất cho vay của CTTCTD thường cao hơn khá nhiều so với lãi suất cho vay của NHTM.
Thứ tư, chi phí hoạt động tính ra trên một khoản vay là khá cao. Vì với khoản vay giá trị nhỏ, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) nên chi phí thẩm định, làm hồ sơ thủ tục cũng như một khoản vay thông thường; bên cạnh đó chi phí thu hồi nợ, quản lý, phí phục vụ đều cao hơn bình thường… dẫn đến việc họ buộc phải áp dụng mức lãi suất cao.
Ông Hòe, cũng đưa ra gợi ý, cần có quan điểm và cách nhìn đúng với về thị trường cho vay tiêu dùng; Giáo dục tài chính học đường cho trẻ em Việt Nam; Có BigData về lý lịch tư pháp công dân điểm tín dụng cá nhân thuận lợi cho vay tiêu dùng
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, tỷ trọng tiêu dùng trên GDP của Việt Nam tăng rất nhanh từ 52,5% vào năm 2005 lên đến đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Giai đoạn 2010-2016 nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy giảm tăng trưởng và tỷ lệ tiêu trên GDP cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012 nhưng từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.
Theo số liệu của cơ quan thông tin kinh tế EIU của Tạp chí The economists thì tổng mức tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân ở Việt Nam năm 2015 chiếm khoảng 67% GDP. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Singapore là 37%, Anh là 65%, Đức là 54% và Nhật Bản là 59%. Tại các nước Châu Á thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất.
Ông Tú Anh cho biết, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển khá nhanh, trong đó các NHTM chiếm vai trò chủ đạo. Nếu tính cả các khoản vay để mua nhà thì các NHTM chiếm 90% thị phần cho vay tiêu dùng; nếu không tính các khoản vay này thì các NHTM cũng chiếm đến 80% thị phần. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 38,12% trong giai đoạn 2011-2015, trong đó riêng năm 2015 đạt khoảng 59,1%.
Mặc dù cuối 2016 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai thông tư quan trọng là Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng nhưng vẫn có những vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý.
Cụ thể: Cho vay tiêu dùng thường là cho vay không bảo đảm do đó đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay và trả nợ, các yếu tố khác là rất quan trọng. Tuy nhiên, người cho vay thường lại không xem xét đầy đủ các yếu tố này mà thiên về mở rộng số lượng cho vay dưới sức ép cạnh tranh giành thị phần. Điều này sẽ đặt gánh nặng nợ nần lên người đi vay khi họ không đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và khi họ không có khả năng trả nợ thì họ bị sa vào bẫy nợ nần.
Bảo vệ người tiêu dùng cần có các quy định để hạn chế người tiêu dùng chấp nhận rủi ro quá mức. Quy định của Malaysia đối với thẻ tín dụng: hạn mức tín dụng không được quá 2 lần thu nhập hàng tháng của chủ thẻ, số thẻ được sở hữu trên toàn hệ thống phụ thuộc vào mức thu nhập chủ thẻ (36.000RM/năm thì không được mở quá 2 thẻ), Brunei tổng dư nợ tín dụng tại tất cả các ngân hàng của một cá nhân không được quá 60% thu nhập hàng năm.. Singapore quy định các TCTD phải thông báo đầy đủ các rủi ro trong việc cho vay quay vòng, cho vay mua nhà thế chấp….
Các nước cũng yêu cầu các thông tin trên hợp đồng tín dụng phải rõ ràng, dễ hiểu và phải đảm bảo người vay nợ hiểu hết các điều khoản ghi trong hợp đồng trước khi cầm bút ký vay nợ. Hầu hết các nước đều quy định cấm đưa các thông tin khó hiểu, mập mờ hoặc sai lệch đối với khách hàng.
Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Khách hàng cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng mở rộng và số lượng khách hàng như nông dân, và những người bình thường với kiến thức ít ỏi về pháp luật và tài chính sẽ trở thành rất dễ tổn thương trước các hoạt động cạnh tranh cho vay tiêu dùng. Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ người đi vay và lợi ích chính đáng của người cho vay.
Các vấn đề như hạn mức tín dụng của một khách hàng trên toàn hệ thống, hạn mức tín dụng so với thu nhập của khách hàng, số lượng thẻ tín dụng tối đa một khách hàng có thể có, trần lãi suất cho vay để hạn chế mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng v.v… đang là những vấn đề cần phải đánh giá xem xét cẩn trọng để có thể đưa vào các quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ người đi vay mà cuối cùng chính là bảo vệ người cho vay và toàn bộ hệ thống.
Nhận định về đặc điểm tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế cho biết, đó là khách hàng vay: cá nhân và hộ gia đình với mục đích: phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình không phải xuất phát từ mục đích kinh doanh. Quy mô khoản vay: thường nhỏ (100 triệu đồng/khách hàng đối với Công ty tài chính; trừ những hợp đồng thuê mua, vay để trả lãi tín dụng mua nhà ở, vay mua ô tô….). Thời hạn thường là ngắn và trung hạn (đa số tối đa khoảng 5 năm)…
TS Lực cho rằng, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ít do nhận thức, văn hóa (thói quen) vay tiêu dùng hạn chế, sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng, chưa hoàn toàn phù hợp; chính sách tín dụng của các ĐCTC với khẩu vị rủi ro thận trọng Thủ tục còn phức tạp, thủ công còn nhiều... Khuôn khổ pháp lý còn chưa đồng bộ, chưa nhất quán. Thị trường tài chính (gồm cả tài chính vi mô) chưa phát triển. Hệ thống các TCTD đang tái cơ cấu. Quan niệm về tín dụng chưa theo thông lệ…
“Đặc biệt, ở các nước phát triển quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm nhưng ở Việt Nam nhận thức, thượng tôn pháp luật của người đi vay còn hạn chế”, ông Lực nói.
TS. Lực cũng đã gợi ý giải pháp Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính như xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thực hiện tốt Đề án 1726 (tháng 9/2016) về tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Hoàn thiện, điều chỉnh Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của CTTC và khung pháp lý cho các Fintech. Nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng (góp phần giảm tín dụng đen).
Giáo dục tài chính (financial education). Định hướng phân bổ kênh phân phối hợp lý (chi nhánh, PGD, ATMs, NH điện tử, CTTC, Fintech …) Phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn (nhất là phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu, phái sinh, tài chính vi mô..), nhằm giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Định hướng và thúc đẩy phát triển ngân hàng số và Fintech. Phối hợp các bộ, ngành tháo gỡ kịp thời các vường mắc (về TSĐB, thủ tục, cấp phép…).