Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Đó là, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao; tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với các nước trong khu vực nhờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; trong đó, hệ thống tài chính Việt Nam được đánh giá phát triển khá lành mạnh và an toàn, đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp, đồng thời duy trì ổn định vĩ mô.
Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội khóa XIII đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho giai đoạn 2016-2020 đạt từ 6,5-7%. Mục tiêu bao trùm cho những năm tới là tiếp tục ổn định vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng cao và bền vững hơn.
Theo đó, thị trường tài chính Việt Nam cũng phải phát triển tương xứng, tiếp tục hướng tới hài hòa hơn về cấu trúc, được vận hành theo các thông lệ quốc tế, phát triển an toàn lành mạnh, trở thành kênh huy động, dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Bài viết này tập trung vào các giải pháp góp phần xây dựng một thị trường tài chính Việt Nam hiện đại, lành mạnh, phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững.
Cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam
Thị trường tài chính Việt Nam được cấu phần bởi thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tín dụng ngân hàng giữ vai trò chủ đạo. Theo đó, cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng chiếm tới 85% trong giai đoạn 2012-2016. Năm 2017, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính.
Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 2,8%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1%. Con số này cho thấy sự phụ thuộc lớn của hệ thống tài chính Việt Nam vào hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM).
Thị trường vốn đang dần gia tăng mức đóng góp vào cung ứng vốn cho nền kinh tế, song vẫn chưa thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả. Hiện giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức 80% GDP, nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Thị trường trái phiếu mặc dù đã phát triển khá nhanh so với các nước châu Á, nhưng chưa thực sự cân bằng do trái phiếu chính phủ chi phối thị trường.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa phát triển, làm hạn chế khả năng huy động vốn trung - dài hạn cho doanh nghiệp và làm chậm ra đời thị trường mua bán nợ. Mặc dù khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài ngày càng tích cực, song thị trường chứng khoán ít nhận được vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu do Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI, mức độ đa dạng hóa sản phẩm chưa cao.
So với các nước trong khu vực, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Tổng tài sản hệ thống tài chính tương đương 187,6% GDP, thấp hơn nhiều so với số bình quân của nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN (318% GDP).
Độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam, một chỉ số đo lường khả năng cung ứng vốn của khu vực tài chính đối với nền kinh tế, chỉ ở mức 1,8 lần GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực (Singapore là 4 lần, Malaysia 3,7 lần, Thái Lan và Trung Quốc khoảng 3,3 lần, Philippines đạt gần 2 lần GDP).
Đó là những đánh giá tổng quát về thị trường tài chính Việt Nam, trong đó nêu ra những điểm cần khắc phục của 2 cấu phần quan trọng của thị trường tài chính trong mối tương quan đối với các thị trường tài chính của khu vực.
Mặc dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận rằng, hệ thống tài chính với vai trò là huyết mạch của một nền kinh tế đã có những đóng góp quan trọng và không thể phủ nhận đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các giai đoạn trước đây và cả giai đoạn sau này.
Tăng trưởng kinh tế cao và yêu cầu tái cấu trúc thị trường tài chính
Việt Nam cần phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao cho giai đoạn 2018-2020, bởi lẽ, nếu đơn thuần nhìn vào con số tăng trưởng bình quân giai đoạn ở mức 6,85% thì đây là tốc độ tăng khá cao, nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối thì với mức tăng này, GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Thực tế, chúng ta mới chỉ thoát ra khỏi ngưỡng “thu nhập thấp” và bước vào các quốc gia “thu nhập trung bình”. Do đó, để bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta phải đi nhanh hơn nữa, nhất là trong trong bối cảnh thế giới chuyển biến mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới trong giai đoạn này có nhiều biến động khó lường như các chính sách thuế, thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dần thắt chặt chính sách tiền tệ, các tác động từ việc Anh rời EU… sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại và đầu tư, cũng như tới lãi suất và tỷ giá của thị trường các nước mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nhìn từ khía cạnh trong nước, chúng ta cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Chất lượng tăng trưởng chưa cao khi còn phụ thuộc vào tích lũy và gia tăng các yếu tố đầu vào, mà không phải tăng năng suất lao động; động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đối ngoại, mà chưa thấy rõ vai trò chủ lực của khu vực tư nhân.
Các yếu tố đe dọa ổn định vĩ mô trong nước như thâm hụt ngân sách và nợ công dồn tích từ nhiều năm nay; nợ xấu tuy bước đầu xử lý đạt kết quả khả quan, nhưng nhìn chung vẫn còn lớn, trong khi dư địa chính sách vĩ mô hạn hẹp dần. Đây là những lực cản đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng cao và bền vững của kinh tế Việt Nam.
Như vậy, nhìn từ quốc tế cũng như trong nước, Việt Nam cần phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Hệ thống tài chính với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế cần phải phát triển tương ứng để hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu này.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế, phát triển một thị trường tài chính hiện đại và hài hòa hơn sẽ không chỉ phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, mà còn giúp đảm bảo an toàn, lành mạnh tài chính trước những biến động khó lường của thị trường tài chính quốc tế.
Phát triển thị trường tài chính hiệu quả, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô là 3 trụ cột chính cho nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững. Do đó, những điều kiện vĩ mô cần thiết cho một thị trường tài chính hiệu quả sẽ là:
Thứ nhất, quyết liệt thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng bền vững. Trong giai đoạn 2018-2020, cần phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, thực hiện thành công chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất hướng đến tích lũy tri thức, công nghệ, thay vì chỉ chú trọng quy mô tăng trưởng.
Theo Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mục tiêu tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 30-35% và dần thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.
Đồng thời, cần chú trọng phát triển động lực tăng trưởng kinh tế - khu vực doanh nghiệp trong nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngang tầm khu vực, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cần được tăng lên rõ rệt.
Thứ hai, đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao, cần tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố tài khóa, xử lý dứt điểm những yếu tố đe dọa bất ổn vĩ mô như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém…
Đó là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ công và thâm hụt ngân sách như nợ đọng thuế còn lớn; giải ngân vốn trái phiếu chính phủ đạt thấp, làm giảm hiệu ứng lan tỏa của chính sách công đến các khu vực kinh tế khác.
Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần phải thực hiện quyết liệt và đẩy nhanh hơn.
Cuối cùng, cung ứng vốn từ một hệ thống tài chính hiện đại hóa cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tiếp tục vai trò đòn bẩy hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao và bền vững.Đây sẽ là một yêu cầu tất yếu khách quan trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Một số giải pháp
Mục tiêu bao trùm cho những năm tới là tiếp tục hướng tới cấu trúc thị trường Việt Nam hài hòa và hiện đại hơn, được vận hành theo các thông lệ quốc tế; đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh, để trở thành kênh huy động, dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Sau đây là một số giải pháp gợi mở đối với 2 cấu phần quan trọng nhất của thị trường tài chính.
Một là, phát triển thị trường tiền tệ hiện đại, nâng cao năng lực tài chính của các NHTM. Đẩy mạnh tái cơ cấu NHTM và xử lý nợ xấu, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu; từ đó, tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực.Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của các NHTM; bảo đảm các tổ chức tín dụng có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II; nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các NHTM, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực hiệu quả, năng suất, công nghệ cao, động lực chính của tăng trưởng.
Hai là, phát triển thị trường vốn trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn hiệu quả. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; tích cực đáp ứng các tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán của MSCI để sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, đặc biệt các tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cần từng bước nới lỏng việc quản lý các giao dịch vốn trên cơ sở nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt. Ban hành và hoàn thiện khung pháp lý, các quy định hướng dẫn việc triển khai các loại hình quỹ đầu tư chuyên biệt góp phần xã hội hóa nguồn lực đầu tư xã hội như quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đầu tư năng lượng, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư mạo hiểm… Xây dựng cơ chế thuế nhằm khuyến khích đối với các loại hình quỹ đầu tư, đặc biệt với chương trình hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Phát triển thị trường phái sinh nhằm bổ sung các công cụ phòng ngừa rủi ro và đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường tài chính như: Chứng khoán các khoản cho vay có thế chấp bất động sản để hỗ trợ xử lý nợ xấu; phát hành trái phiếu huy động vốn tài trợ dự án cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; phát triển các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai/quyền chọn đối với các chỉ số, cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác; cổ phiếu không có quyền biểu quyết, trái phiếu chính phủ lãi suất thả nổi gắn với lạm phát.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro vĩ mô và tài chính nhằm nhận diện sớm những rủi ro, nguy cơ tiềm tàng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô - tài chính để có những phản ứng, biện pháp chính sách ngăn ngừa kịp thời, giảm thiểu tối đa rủi ro hệ thống đối với ổn định tài chính vĩ mô.
Xây dựng những chính sách thu hút nhân tài, nhân sự chuyên nghiệp làm việc tại thị trường tài chính (như các dealers, các nhà môi giới có chứng chỉ quốc tế). Chuyên biệt hóa các khu vực thị trường vốn theo các sản phẩm tài chính hoặc dành riêng cho nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, chẳng hạn như khu vực thị trường riêng dành cho các sản phẩm chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF...
Nhìn chung, thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn tới cần chú trọng đến độ sâu hơn là phát triển theo chiều rộng như giai đoạn trước đây. Do đó, một nền tài chính hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, không những thúc đẩy việc luân chuyển dòng vốn thông suốt trong khu vực kinh tế thực, mà còn phải đảm bảo việc phân bổ hiệu quả nguồn lực tới các ngành ưu tiên, chú trọng phát triển.
Theo đó, việc cấu trúc lại một thị trường tài chính hiện đại và hài hòa giữa thị trường tài chính tiền tệ và thị trường vốn càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.