Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm: Cần nỗ lực từ nhiều phía

(ĐTCK-online) Theo kết luận của Hội nghị lần thứ 3, BCH Trung ương Đảng khóa XI, tái cấu trúc hệ thống tài chính được xem là một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế. Đây cũng là các chủ đề được quan tâm nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây.
Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm: Cần nỗ lực từ nhiều phía

Không "nóng" về chuyện tái cấu trúc như lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán, thị trường bảo hiểm, một "trụ cột" của hệ thống tài chính, cũng đang đặt ra yêu cầu thay đổi sâu sắc và toàn diện để có thể khắc phục những mất cân đối hiện tại, đồng thời tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững hơn về sau.

Trong khoảng 7 năm trở lại đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao so với GDP (trung bình 19%/năm - nguồn: Bộ Tài chính), tỷ trọng tổng doanh thu phí bảo hiểm trong GDP cũng tăng nhanh. Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm vẫn còn những "mây mù" ngăn trở sự phát triển lành mạnh và bền vững mà một trong những nguyên nhân là chính sự tăng trưởng "nóng" của thị trường. Từ năm 2005, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu tăng nhanh qua các năm, trong khi dung lượng thị trường thay đổi chậm, khiến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trở nên phổ biến. Để giành giật hợp đồng, thu hút khách hàng, các doanh nghiệp không ngần ngại giảm phí, mở rộng điều kiện điều khoản, tăng chi phí khai thác...

Bộ Tài chính cần ban hành các quy định "mở đường" cho việc hợp nhất, sáp nhập các công ty bảo hiểm, để tạo "đường thoát" cho các công ty bảo hiểm yếu kém

Kết quả của giai đoạn tăng trưởng nóng này là nhiều doanh nghiệp đang gánh chịu tỷ lệ bồi thường cao tới mức báo động, không kiểm soát được bồi thường phát sinh. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, thể hiện ở tỷ suất sinh lời thấp, khả năng thanh toán khá hạn chế. Tình trạng trục lợi bảo hiểm ở mức báo động, nhiều vụ việc mang tính chất hình sự, xuất phát từ lòng tham và sự câu kết của khách hàng với chính cán bộ bảo hiểm. Bức tranh thị trường nói chung còn tương đối lộn xộn và chưa lành mạnh, ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của ngành bảo hiểm. Sự phân hóa các công ty bảo hiểm thành từng nhóm đã trở lên rõ nét, các công ty quản trị kém, chạy theo mục tiêu phát triển ngắn hạn đang rất khó khăn.

Từ năm 2011, tình hình kinh doanh trở nên khó khăn, tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu không muốn rời cuộc chơi thì phải sắp xếp lại, củng cố hiệu quả hoạt động. Vấn đề tái cấu trúc được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm xem như một "cứu cánh" để giúp họ vượt qua khó khăn. Xét về lý thuyết, tái cấu trúc sẽ góp phần phát triển thị trường lành mạnh, an toàn và bền vững; giúp tăng cường năng lực tài chính cho các công ty bảo hiểm, hướng tới mục tiêu phát triển ngang tầm khu vực; đồng thời, giúp tăng cường vai trò của ngành bảo hiểm trong việc phục vụ sự phát triển của đất nước, góp phần đảm bảo an toàn xã hội.

Theo một số chuyên gia, có hai dạng tái cấu trúc doanh nghiệp: Thứ nhất, tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu. Trong một số trường hợp, nó có thể đi liền với những thay đổi mang tính căn bản của doanh nghiệp, như lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, định hướng chiến lược và định hướng phát triển thị trường. Trường hợp này thường diễn ra ở những tập đoàn lớn, có vị thế trên thị trường, sau một thời gian vươn ra làm các mảng khác nhưng không gặt hái được kết quả tương xứng, thậm chí thua lỗ, giờ muốn quay về với mảng kinh doanh chính của mình. Thứ hai, tái cấu trúc không gắn với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu như: cải tổ nội bộ doanh nghiệp (sắp xếp nhân sự, cải tổ mô hình tổ chức), nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của một số bộ phận cho phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, mạnh dạn cắt bỏ các đơn vị/bộ phận hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên, việc chọn mô hình và thời điểm tái cấu trúc khá quan trọng. Không phải cứ tái cấu trúc thì sẽ tăng được lợi nhuận và hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bảo hiểm nên chọn cách tái cấu trúc nào? Trong nỗ lực lành mạnh hóa hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã có hướng cải tổ, tái cấu trúc riêng của mình, phù hợp với chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.

 

Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm: Cần nỗ lực từ nhiều phía ảnh 1

PVI đã chuyển đổi thành công sang mô hình công ty mẹ - công ty con

 

Trong năm 2010, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang thành Tổng công ty cổ phần, tiến hành cải tổ mạnh mẽ mô hình tổ chức, sắp xếp lại nhân sự, thay đổi cơ chế quản lý kinh doanh để đảm bảo tối đa hiệu quả kinh doanh lâu dài.

PVI đã chuyển đổi thành PVI Holdings và có một số thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh chính (gồm: bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính). Đồng thời, PVI Holdings thành lập Tổng công ty Bảo hiểm PVI theo hình thức công ty TNHH một thành viên do PVI Holdings sở hữu.

CTCP Bảo hiểm Quân đội cũng chuyển đổi thành Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) với 19 công ty thành viên trực thuộc và một công ty đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính

Nhìn lại quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp bảo hiểm kể trên, dù được đánh giá là mới chỉ mang tính "từng phần", nhưng ít nhiều cũng đã giúp thị trường có sự thay đổi đáng kể. Năm 2011, tư duy về cạnh tranh và tăng trưởng đã thay đổi, không ít doanh nghiệp tuyên bố chú trọng hiệu quả, thay vì chú trọng quy mô như trước đây, trong đó, có những kế hoạch cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực, đa dạng danh mục sản phẩm. Tình hình cạnh tranh phi kỹ thuật bớt căng thẳng, thị trường hứa hẹn sẽ phát triển theo hướng lành mạnh hóa. Tuy vậy, để "mây mù" thực sự tan nhanh, cần một động lực mạnh mẽ từ nhiều phía cho một quá trình tái cấu trúc trên bình diện toàn thị trường. Quá trình tái cấu trúc này bao gồm các hành động cụ thể như sau:

- Công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là sự kết nối và chia sẻ thông tin về các khách hàng thuộc "danh sách đen" của bảo hiểm phi nhân thọ.

- Bộ Tài chính cần ban hành các quy định giám sát và nâng cao độ an toàn tài chính cho chính các công ty bảo hiểm: yêu cầu vốn khả dụng (vốn có thể chuyển hóa ngay thành tiền) đạt tối thiểu vốn pháp định để tránh việc các công ty bảo hiểm dùng phần lớn vốn góp để đầu tư bất động sản, góp vốn dài hạn, đầu tư lại cho các cổ đông; áp dụng hệ số Vốn tối thiểu/Tổng mức trách nhiệm bảo hiểm giữ lại (ngoài việc chỉ quy định giới hạn trách nhiệm giữ lại trên từng rủi ro là 5% Vốn chủ sở hữu như hiện nay) để tránh việc các công ty bảo hiểm không có khả năng chi trả khi đồng thời xảy ra nhiều rủi ro.

- Yêu cầu các công ty bảo hiểm phải đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để cập nhật, theo dõi được hàng ngày bồi thường phát sinh, để trích lập dự phòng đầy đủ, hạch toán đầy đủ chi phí để có số liệu tài chính chính xác. Đây được coi là một điều kiện bắt buộc để các công ty bảo hiểm được phép hoạt động.

- Hiện nay, ngoài 3 lĩnh vực hàng không, vệ tinh, dầu khí phải có điều kiện về vốn (các công ty bảo hiểm phải tăng vốn thêm 100 tỷ đồng cho mỗi lĩnh vực), các công ty bảo hiểm được thành lập chỉ cần đủ vốn pháp định (đối với phi nhân thọ là 300 tỷ đồng) thì thoải mái cấp bảo hiểm cho các dịch vụ lớn, đặc thù khác. Việc cấp bảo hiểm như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi công ty bảo hiểm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về thời gian hoạt động, kinh nghiệm, năng lực cán bộ nghiệp vụ, các quy định cụ thể hơn về an toàn của nhà tái bảo hiểm, nhưng lại yếu về năng lực tài chính.

- Bộ Tài chính ban hành các quy định "mở đường" cho việc hợp nhất, sáp nhập các công ty bảo hiểm để tạo "đường thoát" cho các công ty bảo hiểm yếu kém và gây dựng một số công ty bảo hiểm lớn có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

- Để các công ty bảo hiểm tập trung cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, Bộ Tài chính nên quy định mức phí chuẩn trên cơ sở phân tích số liệu rủi ro lịch sử của những sản phẩm bảo hiểm phổ thông.

- Bộ Tài chính cần có quy định cụ thể các nguyên tắc quản trị công ty bảo hiểm, tiến dần đến thông lệ quốc tế; trong đó, việc yêu cầu tách bạch các hoạt động cốt lõi (khai thác, quản lý rủi ro/chấp nhận bảo hiểm, bồi thường) cần phải làm sớm, tránh việc một cán bộ kinh doanh vừa tư vấn bán hàng, vừa đánh giá chấp nhận rủi ro, vừa xử lý bồi thường.

- Các cơ quan chức năng vào cuộc và quyết liệt kiểm soát để ngăn chặn triệt để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hướng tới một thị trường minh bạch và hoạt động hiệu quả.

Để thực hiện được vai trò là "lá chắn cho nền kinh tế", ngành bảo hiểm rất cần phải cơ cấu lại một cách hệ thống để thực sự lành mạnh, an toàn và nâng cao năng lực tài chính.        

Thanh Vân
Thanh Vân

Tin cùng chuyên mục