Tái cấu trúc ngân hàng, “đại gia” nội lĩnh ấn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được giao cho ngân hàng khác quản lý, MB và Vietcombank đã sẵn sàng nhận chuyển giao.
“Chăm sóc” một cái cây đã trải qua nhiều "giông gió" là việc không hề dễ dàng “Chăm sóc” một cái cây đã trải qua nhiều "giông gió" là việc không hề dễ dàng

Chuyển giao bắt buộc

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém sẽ không phải bỏ tiền ra mua. Quy mô tổ chức mà MB sẽ nhận dưới 10% tổng tài sản của Ngân hàng, lỗ luỹ kế các loại không quá 20.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã đưa lực lượng sang để trực tiếp thẩm định và hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của tổ chức đó khoảng 47%”, ông Thái nói.

Sau khi nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém từ Ngân hàng Nhà nước, MB sẽ được nhận một số hỗ trợ từ cơ quan này như hưởng lãi suất 0% cho khoản vay trong thời gian tái cơ cấu và có khoảng 7 - 8 năm để giải quyết lỗ lũy kế. Bên cạnh đó, MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức đó.

“Trả lại thì không được, nhưng MB có quyền bán hoặc IPO ngân hàng đã nhận”, ông Thái cho hay.

Theo Tổng giám đốc MB, nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém vừa là nhiệm vụ, vừa là tự nguyện. MB là một trong 7 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mời đến bàn về việc này. Cả MB và Vietcombank đều đã sẵn sàng nhận chuyển giao.

“MB nhận sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém là tự nguyện, vì những năm vừa qua, Ngân hàng đều tăng trưởng và khả năng tăng trưởng trong thời gian tới còn lớn hơn. Cụ thể, tăng trưởng thực tế hàng năm khoảng 20 - 25%, nhưng khả năng có thể đạt 30 - 35%. Nhận sáp nhập sẽ tạo không gian mới để MB phát triển và Ngân hàng sẽ chuyển sang đó một số khoản vay có chất lượng tốt để đảm bảo khả năng hoạt động và chất lượng nợ”, Tổng giám đốc MB chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng đang triển khai các thủ tục cần thiết về việc nhận tổ chức tín dụng yếu kém để trình lên cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức tín dụng đó đang nằm trong danh sách các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi làm việc xong với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Vietcombank sẽ cung cấp thông tin chi tiết tới các cổ đông.

Về thời gian hoàn tất phương án chuyển giao bắt buộc, ông Dũng cho hay, việc này phụ thuộc vào ba yếu tố: tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém; sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền và tình hình thị trường. Trên cơ sở đánh giá tổng thể, với những chính sách hỗ trợ nhận được, thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém để trở nên lành mạnh sẽ không quá 8 - 10 năm.

“Vietcombank đang triển khai tất cả những yếu tố cần thiết để thực hiện phương án chuyển giao. Chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành trong năm nay...”, lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

MB đã sẵn sàng nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém

MB đã sẵn sàng nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém

Vẫn cần vốn ngoại

Đại hội đồng cổ đông PG Bank năm 2022 đã quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu PGB đang giao dịch trên UPCoM từ 30% về 2%, nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước. Cụ thể, Petrolimex đang triển khai việc thoái toàn bộ vốn ở PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Việc giảm room nêu trên nhằm đảm bảo nhà đầu tư ngoại tham gia và trúng đấu giá không vi phạm room theo quy định là 30%.

Một số tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại thuộc dạng yếu kém đang được Ngân hàng Nhà nước giám sát và phải tái cơ cấu bắt buộc là OceanBank, GPBank, CBBank...

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nới room sẽ thu hút dòng vốn ngoại. Điều này giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội…

“Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có thể được quy định theo hướng phân loại theo nhóm, dựa trên đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, các ngân hàng đã hoàn thành chuẩn Basel II, đang nâng lên chuẩn Basel III có thể được nâng room cao hơn 30%. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém”, ông Hùng nói.

Ngân hàng yếu kém có thể bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài được đề cập tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP. Khoản 6, Điều 7 nêu rõ, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định tại các Khoản 2, 3, 5 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo một số nguồn tin, những năm qua, nhóm ngân hàng yếu kém có một số nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và trải qua các bước đàm phán với mục đích sở hữu 100% vốn cổ phần, nhưng cuối cùng thì dừng lại do nhiều nguyên nhân.

Lãnh đạo cao cấp một công ty tư vấn cho biết: “Nguyên nhân đến từ khách quan và chủ quan, trong đó có vấn đề thủ tục từ phía Việt Nam quá lâu. Để lâu quá, các nhà đầu tư không còn mặn mà”.

Theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.

Nguyên Hồng
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục