Tái cấu trúc nền kinh tế: Nhìn từ góc độ thương mại

(ĐTCK-online) Tái cấu trúc nền kinh tế đang nổi lên như một vấn đề thời sự. Tuy nhiên, nếu nói rằng, “đại vấn đề” này chỉ mới bộc lộ thông qua những tác động rất mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian rất ngắn vừa qua thì chưa đầy đủ và hợp logic.
Hàng loạt ngành sản xuất chỉ phát triển mạnh ở khâu cuối nguồn. Ảnh: HOÀI NAM Hàng loạt ngành sản xuất chỉ phát triển mạnh ở khâu cuối nguồn. Ảnh: HOÀI NAM

Trên thực tế, tái cấu trúc nền kinh tế đã được tích tụ từ lâu và thể hiện ngày càng rõ qua “sốt nóng” giá nguyên liệu thế giới kéo dài gần 5 năm trước, nhưng do những cảnh báo cần đổi mới cơ cấu kinh tế còn thiếu “sức nặng”, nên vấn đề này đã không được chú ý. Nếu coi cơ cấu của nền kinh tế như một “chiếc hộp đen” và quan sát ở hai đầu: ra và vào, thì thấy rõ điều này.

Quan sát “rổ hàng hoá và dịch vụ” phía đầu ra của nền kinh tế, bao gồm ba bộ phận hợp thành là thị trường xuất khẩu, thị trường bán lẻ và thị trường đầu tư, có thể thấy thực tế khách quan không thể phủ nhận là, càng ngày, quy mô của chúng càng phải phình to so với rổ GDP. Từ năm 2000 đến nay, để GDP trong 4 năm đầu tăng 7%/năm, ba đầu ra này chỉ phải tăng 12,35%/năm và hệ số giữa hai nhịp độ tăng này là 1,76 lần. Nhưng GDP trong 5 năm gần đây tăng 7,79%/năm, ba đầu ra này đã vọt lên 22,20%/năm; khiến cho hệ số liên quan cũng tăng vọt lên 2,85 lần, tức là tăng cao gấp 1,62 lần.

Ở phía đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Nhịp độ tăng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ trong 4 năm đầu chỉ là 15,46%/năm, cho nên chỉ cao gấp 2,21 lần nhịp độ tăng GDP. Nhưng trong 5 năm gần đây, hai con số tương ứng đều tăng vọt lên 26,90%/năm và 3,45 lần, tức là phải tăng cao gấp 1,74 lần.

Sự chênh lệch lớn này được thể hiện qua các con số nhập siêu ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2000, con số nhập siêu tuyệt đối chỉ là 1,154 tỷ USD và chỉ bằng 3,70% GDP;  năm 2004 tăng lên 5,484 tỷ USD và 12,09% GDP; còn năm 2008 vừa qua tăng phi mã lên 18,029 tỷ USD và 20,43% GDP.

Xét về tương đối, nếu như tỷ lệ nhập siêu năm 2000 chỉ ở mức khá khiêm tốn 7,97% thì năm 2004 đã tăng vọt lên 20,71%; còn năm 2008 đạt kỷ lục 28,76%. Cho nên các mục tiêu sớm cân bằng cán cân thương mại và chuyển sang xuất siêu đã được hoạch định vào năm nay hoặc một hai năm tới đều bị tréo ngoe so với thực tế. Điều này cũng tác động không nhỏ trong câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế nước ta hiện nay.

Nhìn vào “rổ hàng hoá nhập khẩu” của nền kinh tế nước ta, có thể thấy, “thủ phạm chính” dẫn tới tình trạng này chính là nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu.

Nếu như nhịp độ tăng nhập khẩu của nhóm hàng này trong giai đoạn 2000 - 2003 là 20,55%/năm; thì 5 năm gần đây tăng mạnh lên 27,67%/năm. Trong khi đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị giảm từ 22,86%/năm xuống 20,55%/năm. Chính vì vậy, nếu như tỷ trọng của nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong “rổ hàng hoá nhập khẩu” của nền kinh tế nước ta năm 2003 đã là 60,60%; thì 5 năm gần đây dao động trong khoảng 64,18% - 67,59%; trong khi của nhóm hàng máy móc, thiết bị giảm xuống khoảng 21,87% và 28,80%.

Nguyên nhân dẫn đến nhập siêu tăng vọt không phải do tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giống như hàng loạt các quốc gia đi trước chúng ta, mà là do phụ thuộc ngày càng nặng nề vào thị trường nguyên, nhiên, vật liệu thế giới. Điều này thể hiện cực kỳ rõ ở tình trạng “vỏ ta, ruột ASEAN + 3”, rất phổ biến không chỉ trong hàng loạt hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong nước, mà cả trong các hàng hoá “Made in Vietnam” xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Như vậy, trong cơ cấu của hàng loạt ngành kinh tế nước ta hiện nay, thay vì đầu tư phát triển đồng bộ trong khuôn khổ có thể các công đoạn sản xuất, như trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm và sản xuất các phụ liệu khác, rồi đến công đoạn sau cùng là may mặc phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thì khâu duy nhất mà chúng ta phát triển rất mạnh chính là khâu cuối nguồn. Thực tế này đã quyết định thương mại, không những chỉ ở phía đầu vào, mà cả ở phía đầu ra đều phải tăng bùng nổ, nhưng nhịp độ tăng trưởng kinh tế không thể đạt mức như chúng ta mong muốn trong hàng chục năm qua.

Thêm vào đó, ở đầu ra xuất khẩu, dù tỷ trọng hàng chế biến và tinh chế đã tăng từ 44,17% năm 2000, lên 53,33% năm 2008 là hết sức đáng mừng, nhưng việc hàng thô và sơ chế vẫn còn chiếm tỷ trọng 46,6% hàng xuất khẩu vẫn là một bất cập rất lớn nhất.

Nói cách khác, không ít nguồn nguyên liệu sẵn có hoặc sản xuất được thì chúng ta lại xuất thô, tức là mới chú trọng phát triển khâu đầu nguồn, nên giá trị gia tăng quá thấp. Còn hàng loạt ngành sản xuất của chúng ta lại chỉ phát triển mạnh ở khâu cuối nguồn. Do vậy, thương mại ở cả đầu ra và đầu vào đều phát triển bùng nổ, nhưng nền kinh tế từ nhiều năm qua không thể phát triển nhanh như mong muốn, mặc dù chúng ta vẫn còn ở trình độ phát triển rất thấp.

Với thực trạng này, tái cấu trúc nền kinh tế nhìn dưới góc độ thương mại không có gì khác ngoài việc nâng cao hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này có thể đạt được thông qua đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các loại nguyên liệu sẵn có hoặc do chúng ta sản xuất ra, tức là đẩy mạnh phát triển các khâu công nghiệp chế biến ở hạ nguồn. Đồng thời với hàng loạt sản phẩm tinh chế tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với quy mô lớn hiện nay, thay vì “vỏ ta, ruột ASEAN + 3” như lâu nay, vấn đề đặt ra là phát triển sản xuất hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất các sản phẩm trung gian để có các sản phẩm “Made in Vietnam” đích thực.

Rõ ràng, trong điều kiện nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, cũng như việc giành được thị trường ngày càng khó, thì cả hai hướng đi nói trên có ý nghĩa đặc biệt trong tái cấu trúc nền kinh tế.  

Nguyễn Đình Bích
Nguyễn Đình Bích

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ