Tái cấu trúc nền kinh tế, cần bước đột phá

(ĐTCK) “Quá trình triển khai tái cấu trúc nền kinh tế đang thiếu bước đi đột phá, nên hiệu quả mang lại chưa rõ nét…”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận.
TS. Võ Trí Thành TS. Võ Trí Thành

Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại", do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức vừa diễn ra, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Cao Sỹ Kiêm bất ngờ đề nghị Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cần được làm lại. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

Tái cấu trúc nền kinh tế là một mục tiêu lớn, với nhiều việc phải triển khai rất phức tạp. Với đặc thù này, thì quãng thời gian một năm chưa đủ để nói về kết quả, nên điều quan trọng là cần quyết liệt hơn trong tổ chức triển khai các giải pháp mà Đề án đã đưa ra. Sở dĩ nói cần quyết liệt và rốt ráo hơn, bởi trong một năm qua, các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, thiếu đồng bộ. Nếu tình trạng này không được khắc phục trong năm nay cũng như những năm tới, thì những thách thức đặt ra cho bài toán tái cấu trúc nền kinh tế không dừng lại ở mức độ hiện tại, mà nhiều khả năng sẽ lớn hơn, khó khăn hơn.

 

Vì sao có sự chậm trễ trong triển khai các giải pháp tái cấu trúc, thưa ông?

Khác với nhiều năm gần đây, ngay đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành rất sớm Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02, để triển khai một loạt giải pháp điều hành kinh tế xã hội, trong đó có cả các biện pháp nhằm phục vụ cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Thế nhưng, 3 tháng trôi qua, rất ít bộ, ngành, địa phương ban hành các chính sách chi tiết để cụ thể hóa các bước triển khai hai nghị quyết này. Sự chậm trễ trong khâu tổ chức thực hiện này đang khiến cho nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế rơi vào trạng thái chậm chạp đến sốt ruột. Trong đó, nóng nhất là tình trạng doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn do: tổng cầu của nền kinh tế thấp; nợ xấu chậm được xử lý… Để hóa giải tình trạng này, rõ ràng quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đang chờ bước đi đột phá.

 

Cần đột phá gì để đưa quá trình tái cấu trúc nền kinh tế tới đích, là thông điệp mở đọng lại khi kết thúc Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013. Theo ông, bước đột phá này cần bắt đầu từ đâu?

Giống như cơ thể con người, khi đã bị bệnh, thì trong phác đồ điều trị, nhiệm vụ cấp thiết số một là phải trị dứt bệnh, tiếp đó mới tính đến nâng cao thể trạng bằng các bài thuốc bổ. Với một nền kinh tế đang mắc không ít chứng bệnh như hiện tại, sẽ là rất khó khăn khi muốn triển khai các giải pháp tái cấu trúc. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện tại, cũng như phải kiên trì theo đuổi từ nay trở đi là phải ổn định cho được kinh tế vĩ mô. Để đảm bảo cho nhiệm vụ không mới này đạt được những bước tiến đột phá, cần ưu tiên triển khai ba nhiệm vụ chính dưới đây.

Thứ nhất, để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời sớm khơi thông tín dụng cho sản xuất phát triển, cần thành lập công ty quản lý tài sản. Tuy tổ chức này không là “đũa thần” trong xử lý nợ xấu, nhưng khi nó đi vào vận hành sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong xử lý nợ xấu. Việc xử lý sớm nợ xấu không chỉ góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, mà còn giúp doanh nghiệp giải bài toán khát tín dụng hiện tại, đồng thời mở ra cơ hội dần làm ấm thị trường bất động sản trở lại. Nằm trong nhóm giải pháp xử lý nợ xấu, một giải pháp cần ưu tiên triển khai quyết liệt là dành nguồn ngân sách thỏa đáng cho thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Biện pháp này được triển khai hiệu quả sẽ tiếp sức cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Thứ hai, để góp sức kích cầu cho thị trường bất động sản, nên sớm có định chế hỗ trợ cho mua bán nhà tín chấp theo thông lệ quốc tế, với cơ chế hoạt động đáp ứng sát nhu cầu nhà ở thực của một bộ phận không nhỏ dân cư. Chỉ có cách đi này mới giúp cầu của thị trường bất động sản phát triển bền vững và thực chất.

Thứ ba, cần có cuộc khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng sức khỏe của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau. Trên cơ sở đó, với những ngành có sức lan tỏa kinh tế lớn, nhưng có chỉ số kích thích nhập khẩu thấp như: thủy sản nuôi trồng; dịch vụ nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi…, đồng thời có dư địa mở rộng thị trường còn tốt, thì cần có các chính sách hỗ trợ trực diện và hiệu quả hơn. Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ mang tính cào bằng như hiện tại vừa kém hiệu quả, vừa chậm “ngấm” đến doanh nghiệp.

Hữu Đạo thực hiện.
Hữu Đạo thực hiện.

Tin cùng chuyên mục