Tái cấu trúc, hãy né tránh quan điểm chở che

(ĐTCK) Một cách đặt vấn đề khác về tái cấu trúc nền kinh tế, vốn rất ít được đề cập, đó là kết cục của quá trình tái cấu trúc kinh tế, ít nhất trong 5 năm tới, sẽ đi đến đâu.
GS.TS Trần Ngọc Thơ

Một cách đặt vấn đề khác với tái cấu trúc kinh tế

Khái niệm tái cấu trúc kinh tế đã được bàn luận khá nhiều trong thời gian qua. Từ những vấn đề thuộc phạm vi của những nhà nghiên cứu, đến nay, thuật ngữ tái cấu trúc kinh tế đã được triển khai chính thức trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn còn có những lúng túng nhất định khi triển khai. Chính Thủ tướng Chính phủ đã từng phát biểu, nói về tái cấu trúc thì ai cũng có thể bàn được, nhưng khi triển khai thì không dễ, vì phải bắt đầu từ đâu, ai làm và làm như thế nào.

Tôi cho rằng, còn có một cách đặt vấn đề khác về tái cấu trúc kinh tế, vốn rất ít được đề cập. Đó là kết cục của quá trình tái cấu trúc kinh tế, ít nhất trong 5 năm tới, sẽ đi đến đâu. Tất nhiên, đích đến cuối cùng của quá trình tái cấu trúc kinh tế sẽ là chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng. Nhưng trong trung hạn, tái cấu trúc kinh tế còn phải chú trọng đến việc cô lập các cú sốc trong nước và nước ngoài, để tạo điều kiện cho tái cấu trúc kinh tế đi hết chặng đường của mình.

Cách đặt vấn đề như thế bắt nguồn từ việc xem xét các quá trình tái cấu trúc gần đây ở các nền kinh tế phát triển để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Họ cũng luôn đặt trọng tâm vào việc thiết lập các cơ chế để cách ly các cú sốc kinh tế.

Có thể lấy ví dụ thế này. Sự kiện MF Global, một trong những công ty tài chính lớn của Mỹ, với số vốn lên đến 41 tỷ USD, đệ đơn phá sản trong tháng 11/2011, do nắm giữ quá nhiều trái phiếu ở châu Âu, nếu xảy ra vào thời điểm năm 2008 chắc hẳn sẽ làm rung động thị trường tài chính Mỹ và có thể dẫn đến đổ vỡ hàng loạt như sự kiện Lehman Brothers. Nhưng thực tế thì, vụ phá sản này chỉ làm cho thị trường chứng khoán Mỹ lên sắc đỏ (giảm giá) trong một ngày. Đến ngày hôm sau và cho đến nay, vụ phá sản này hầu như không tác động đến quá trình hồi phục kinh tế đang có dấu hiệu tốt dần lên của Mỹ.

Thậm chí, nhiều nhà kinh tế Mỹ còn có chung một nhận định là, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến nay không còn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, trừ phi khu vực đồng tiền chung châu Âu đổ vỡ hoàn toàn. Việc Chính phủ Mỹ nói không với chuyện cứu trợ khu vực đồng tiền chung châu Âu không hẳn là do không đủ nguồn lực, mà bởi vì, các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng, những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước họ mới là những khía cạnh chủ chốt nhất để đưa Mỹ thoát khỏi suy thoái và hướng về quá trình tái cấu trúc.

Rõ ràng là, nếu như Chính phủ Mỹ tái cấu trúc kinh tế, với trọng tâm đặt vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, và hướng đến nguồn năng lượng tái tạo, mà không chú ý đến việc thiết lập các công cụ cách ly các cú sốc trong nước và quốc tế, thì đến giờ, họ sẽ lại rơi vào rủi ro hệ thống rất lớn và có thể làm chậm đi đáng kể quá trình tái cấu trúc kinh tế.

Thông điệp chung cần hướng đến phải thể hiện tầm nhìn dài hạn. Sao cho thị trường phải thấy một cách xuyên suốt và nhất quán rằng, Chính phủ đang kiên trì theo đuổi việc thiết lập các công cụ để cách ly các cú sốc trong nước và quốc tế cho toàn hệ thống tài chính...”

Vậy thì các công cụ mà Chính phủ Mỹ dùng để cô lập các cú sốc trong nước và quốc tế là gì? Cho dù còn có nhiều tranh cãi, nhưng đến nay, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, thành quả đó là do Đạo luật Dodd Frank mang lại. Đạo luật Dodd Frank được xem là bước cải cách thị trường tài chính sâu rộng nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1930. Nguyên nhân là vì, nó bao quát và điều chỉnh hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính, nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, cam kết không sử dụng tiền thuế của người dân để xử lý tổ chức tài chính, cũng như bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng tài chính.

Nhưng điểm độc đáo nhất của đạo luật này là siết chặt lại kỷ cương trên thị trường tài chính để không còn xảy ra tình trạng một định chế nào đó phát triển đến mức “too big to fail”, để rồi hóa ra trở thành cục nợ, mà các nhà kinh tế chơi chữ là “too big to save”. Tức là từ quá lớn đến mức chính quyền không dám cho nó đổ vỡ đến khi trở thành “việc đã rồi” quá lớn đến mức chính phủ không thể nào cứu trợ nổi.

Những công cụ này quan trọng đến mức một số nhà kinh tế cho rằng, việc Chính phủ Mỹ có dính dáng đến một định chế tài chính có yếu tố công là Fannie Mae and Freddie Mac cũng không phải là một khiếm khuyết gì đó quá lớn của chủ nghĩa tư bản tự do, miễn là chúng không lây bệnh sang cho các khu vực khác của nền kinh tế.

 

Cẩn trọng với “lá lành đùm lá rách”

Những trải nghiệm như thế rất đáng giá để chúng ta nghiên cứu trong quá trình tái cấu trúc kinh tế của chính mình. Những hứng khởi ban đầu khi bàn về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở nước ta đã chuyển sang trạng thái cẩn trọng khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra phương châm “tái cơ cấu ngân hàng sẽ theo tinh thần lá lành đùm lá rách”. Câu hỏi đặt ra là, lá lành đùm lá rách đến bao giờ? 1 năm, 2 năm hay nhiều năm nữa? Không khéo, phương châm này sẽ biến lá lành thành rách tươm do phải bao bọc nhiều thứ quá. Còn lá rách thì lại càng rách nhiều hơn do ỷ nhỏ làm bậy, bởi đã có “lá lành” che chắn.

Diễn tiến này, nếu không được nhận diện đúng mực, sẽ không có lợi cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Lá lành đùm lá rách trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là không sai, nếu xét theo đặc thù phát triển quá nóng của hệ thống ngân hàng nước ta. Nhưng chỉ nên nhìn chúng trong quá trình xử lý từng vụ việc ở góc độ kỹ thuật, hơn là trở thành phương châm chính thống trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Thực tế của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cho thấy, chủ trương chính thống trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là cần né tránh tối đa quan niệm chở che. Quan điểm chính thống trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần phải hướng đến tầm nhìn dài hạn, không những chú trọng đến những gì đang diễn ra trong nước, mà còn chú ý đến những diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế.

Những phát biểu mang tính thông điệp không nên quá cụ thể và nôm na, vì nói bao nhiêu cũng không thể chuyển tải hết một chủ trương lớn. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến sự hiểu lầm và ỷ lại.

Tinh thần chung mà các nhà hoạch định chính sách nên chuyển tải trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là không nên sử dụng những từ ngữ mang tính bao bọc và bảo ban. Thông điệp chung cần hướng đến phải thể hiện tầm nhìn dài hạn. Sao cho thị trường phải thấy một cách xuyên suốt và nhất quán rằng, Chính phủ đang kiên trì theo đuổi việc thiết lập các công cụ để cách ly các cú sốc trong nước và quốc tế cho toàn hệ thống tài chính, trong đó quan trọng nhất là hệ thống ngân hàng.

Không thiếu những công cụ như thế. Chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của các nước trong quá trình xử lý cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và mới đây là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

GS.TS Trần Ngọc Thơ
GS.TS Trần Ngọc Thơ

Tin cùng chuyên mục