Việc tái cấu trúc DN luôn phải được xem xét một cách thường xuyên, nếu không, tình trạng mất cân bằng của hệ thống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tình trạng mất cân bằng trong hệ thống sẽ dẫn đến khả năng: hệ thống bị tan vỡ (DN bị phá sản); hoặc hệ thống tồn tại nhưng trơ lỳ, xơ cứng và thiếu sức sống (DN vẫn tồn tại nhưng không phát triển).
Thực tế hiện nay, các DN Việt Nam thường chỉ được tái cấu trúc khi đã rơi vào trạng thái mất cân bằng (mất khả năng thanh toán, hoạt động không hiệu quả, có khả năng bị phá sản…) thông qua đổi mới, sắp xếp lại bộ máy và hoạt động, chuyển đổi sở hữu (còn gọi là tái cấu trúc bị động).
Chính sách cổ phần hóa của Nhà nước được xem như một tình thế tái cấu trúc DN. Trong những năm đầu, tiến trình cổ phần hóa đã không tránh khỏi tình trạng tái cấu trúc bị động, biểu hiện là việc cổ phần hóa được thực hiện trước hết với DN nhà nước có quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả hoặc không thích hợp với điều kiện kinh doanh mới trong môi trường cạnh tranh đang được mở rộng ra phạm vi ngoài biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, việc tái cấu trúc DN thông qua cổ phần hóa đã được thực hiện chủ động hơn và bắt đầu mở rộng phạm vi với các DN, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả. Mặc dù vậy, lộ trình thực hiện diễn ra tương đối chậm do vướng mắc chủ yếu trong việc xác định giá trị DN, tìm nhà đầu tư chiến lược…
Lợi ích của tái cấu trúc hợp lý DN không chỉ dừng lại ở việc góp phần tạo nên một hình ảnh mới cho DN, hấp dẫn nhà đầu tư mà còn nâng cao giá trị DN trong tương lai, tạo đà cho DN phát triển bền vững. Điều này đã được minh chứng bởi thực tế, hầu hết DN nhà nước sau cổ phần hóa đều hoạt động có hiệu quả hơn. Một số DN sau cổ phần hóa hoạt động không hiệu quả chính là do chỉ loay hoay tổ chức lại bộ máy quản lý, không thay đổi sâu sắc và triệt để toàn bộ cơ chế quản lý và hoạt động của DN, dẫn đến việc tái cấu trúc và cổ phần hóa chỉ còn là hình thức.
Từ thực tế cho thấy, tái cấu trúc DN là vấn đề sống còn của cổ phần hóa, nếu một DN trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, việc tái cấu trúc không thành công cũng có nghĩa cổ phần hóa đã thất bại.
Để tái cấu trúc và cổ phần hóa thành công, DN cần phải thực hiện một cách toàn diện và triệt để các nội dung sau: thứ nhất, tái cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và nguồn nhân lực: rà soát lại và phân công chức trách, nhiệm vụ, quyền hành của các bộ phận lao động, các cấp quản lý…; thứ hai, tái cơ cấu hệ thống quản trị: cơ chế, chính sách, rà soát và thay đổi hợp lý các quy trình công việc, quy chế, quy định…; thứ ba, tái cơ cấu các hoạt động: mục tiêu chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chủng loại sản phẩm hàng hóa…; thứ tư, tái cơ cấu các nguồn lực: cơ cấu danh mục tài sản, cơ cấu tài chính phù hợp với chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới.
Theo đó, tái cơ cấu các hoạt động và nguồn lực được xem là vấn đề hạt nhân của toàn bộ quá trình. Tái cấu trúc tài chính DN bao gồm cả nội dung tái cấu trúc về vốn chủ sở hữu và nợ theo hướng đa dạng hóa để duy trì tính chất đặc trưng vốn có của công ty cổ phần, đồng thời phát huy đầy đủ hiệu quả hoạt động của loại hình công ty này.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều tổ chức tư vấn khi tư vấn cho các DN cổ phần hóa đã không chú ý đến vấn đề đó, họ có thể đưa ra các chương trình, mục tiêu phát triển hoành tráng nhưng lại không xây dựng được cấu trúc tài chính hợp lý và hiệu quả cho DN, hoặc là tái cấu trúc vốn theo xu hướng quá pha loãng cổ phần, trong khi lại thiếu các kế hoạch phát triển kinh doanh tương xứng với quy mô vốn lớn… Những thái cực này là biểu hiện của sự phiến diện trong tái cấu trúc DN khi thực hiện cổ phần hóa mà hậu quả của chúng không chỉ thể hiện tức thời (ảnh hưởng đến chất lượng IPO, đến hình ảnh của DN, giá đấu thành công và khả năng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược…) mà còn kéo dài trong suốt quá trình hoạt động của DN sau cổ phần hóa.