Tách biệt tiền gửi nhà đầu tư: Mối lợi khó bỏ

(ĐTCK-online) Một lần nữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) lại lên tiếng đề nghị các CTCK thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi NĐT khỏi tài khoản của các CTCK. Việc này có những khó khăn gì, vì sao đã nhiều lần đôn đốc và gia hạn nhưng nhiều CTCK vẫn chưa hoàn thành? Phía sau sự chậm trễ này là gì?
Tài khoản tiền của NĐT sẽ an toàn hơn khi CTCK chuyển tiền gửi của NĐT sang ngân hàng quản lý.

Không khó về công nghệ

Ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) cho biết, ngân hàng này và CTCK Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBS) vừa thử nghiệm kết nối thanh toán trên thực tế và khá thành công, không có sai sót, trục trặc nào xảy ra.

Giải pháp VPBank lựa chọn để thực hiện là kết nối thanh toán chứng khoán - MobiVi Securities Settlement (MSS) của CTCP Dịch vụ Thanh toán Điện tử Việt Phú (MobiVi). Ông Tiến cho biết, việc kết chuyển không quá phức tạp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cả phía CTCK và ngân hàng. Đặc biệt khi đi vào hoạt động, hệ thống này không những sẽ phục vụ cho NĐT ở sàn VPBS, mà các NĐT ở các sàn chứng khoán khác cũng có thể mở tài khoản tại VPBank.

Để triển khai hệ thống này, CTCK phải lắp đặt một đường kết nối đến nhà trung gian là hệ thống MSS của MobiVi, các lệnh điện tử được MobiVi xử lý chuyển đến đối tượng nhận. NĐT sẽ sử dụng tài khoản ngân hàng chuyên biệt cho giao dịch chứng khoán - "Trading Account" - mở tại ngân hàng. Tài khoản này sẽ được "gắn kết" với tài khoản lưu ký chứng khoán của NĐT và họ có thể nộp tiền vào Trading Account bất cứ lúc nào. Các giao dịch ghi có đều được ngân hàng cập nhật ngay cho CTCK. Thông tin số dư của Trading Account luôn được CTCK cập nhật, qua đó các công ty này xử lý các lệnh mua - bán chứng khoán độc lập đối với ngân hàng. NĐT có thể rút tiền tại Trading Account sau khi có xác nhận cho phép bằng một lệnh điện tử từ CTCK. Điều này giúp NĐT có thể giao dịch chứng khoán và rút tiền một cách thuận tiện, an toàn mà không phải đến CTCK như trước đây.

Bà Bùi Thị Minh Tâm, Giám đốc Tài chính - Quản trị, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, mặc dù SHS cũng nhận thấy những mối lợi kinh tế lớn khi trực tiếp quản lý tiền gửi của NĐT, nhưng với mục tiêu quyền lợi của NĐT là trên hết, nên đã thực hiện quản lý tách biệt tiền gửi của NĐT khá sớm. Việc kết nối giữa ngân hàng và CTCK cũng không quá phức tạp. NĐT sử dụng tài khoản tiền gửi được mở độc lập tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), các nghiệp vụ phát sinh (nộp, rút tiền, chuyển khoản...) trên tài khoản tiền gửi của NĐT được SHB thực hiện theo yêu cầu trực tiếp của họ; SHS chỉ được phép yêu cầu SHB trích tiền mua và phí mua, phí bán chứng khoản từ tài khoản tiền gửi của NĐT, cũng như thông qua SHB phân bổ tiền bán chứng khoán về tài khoản của NĐT theo đúng báo cáo kết quả khớp lệnh mua - bán chứng khoán phát sinh hàng ngày.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện trung tâm này đã kết nối với 37 CTCK và có 10 CTCK thực hiện thử nghiệm thực tế. Ông Long cho biết, với lợi thế là ngân hàng chỉ định thanh toán, việc thực hiện kết nối tại BIDV giúp cho NĐT thanh toán T+3 chứ không phải là T+4 như thường lệ. Tiền  được chuyển từ CTCK về tài khoản NĐT rất nhanh vì các lệnh giữa CTCK và Ngân hàng đều là lệnh online.

Theo ông Long, việc chuyển tiền nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc thời điểm CTCK quyết định chuyển tiền về tài khoản NĐT chứ không nằm ở ngân hàng thanh toán. Và không phải các CTCK chỉ kết nối với BIDV thì tiền mới có thể về nhanh tài khoản NĐT theo quy trình T+3. Đối với các CTCK kết nối với ngân hàng khác, chỉ cần ngân hàng đó mở tài khoản song biên (mở tài khoản tại BIDV và ngược lại) thì việc thanh toán cũng rất nhanh.

Tất nhiên, phía các CTCK cũng có những lý do cho việc chậm trễ này, bởi theo họ, việc thay đổi hệ thống Core (nền tảng công nghệ) chứng khoán phù hợp với việc chuyển đổi khá mất thời gian. Thứ hai là độ ổn định và tin cậy của hệ thống Core Banking. Khi CTCK phát triển giao dịch đặt lệnh từ xa, các yêu cầu truy vấn sang Core Banking tập trung tại một thời điểm sẽ rất dễ dẫn đến nghẽn mạng. Đối với hệ thống của CTCK, trong giờ giao dịch không cho phép độ trễ, do đó cần có các phương án và giải pháp dự phòng để hệ thống hoạt động bình thường

- đường truyền kết nối CTCK sang ngân hàng ổn định, có dự phòng…

Tuy nhiên, có thể khẳng định, những khúc mắc này không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều CTCK trù trừ trong việc thực hiện nghiệp vụ trên.

Vấn đề nằm ở chế tài?

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện một số CTCK đã thực hiện việc này, nhưng trên thực tế chỉ chuyển một phần hoặc rất nhỏ giọt. Điều này là do họ muốn níu kéo mối lợi rất lớn từ các khoản tiền của NĐT trong tài khoản. "Nếu chuyển hết thì ngay lập tức một lượng tiền không nhỏ rời khỏi tài khoản của CTCK. Đối với những CTCK tình hình tài chính tương đối vững thì họ có thể tranh thủ khoản này để đầu tư, đối với không ít đơn vị khó khăn về tài chính thì các khoản tiền này lại góp phần duy trì thanh khoản cho họ", một nguồn tin dấu tên cho biết. Điều này giải thích vì sao hiện nay vẫn còn những "đại gia" trù trừ trong việc chuyển tài khoản tiền NĐT sang ngân hàng.

Gần đây cũng có ý kiến cho rằng, việc CTCK chậm trễ thực hiện tách bạch tiền của NĐT thì không khác gì "lấy đá đập chân mình", vì khách hàng sẽ bỏ sang các CTCK khác. Tuy nhiên, điều này cũng không phải dễ dàng nhất, là đối với các địa phương  không có nhiều CTCK trên địa bàn.

"Tách tài khoản tiền khỏi CTCK là chủ trương đúng, góp phần làm minh bạch, lành mạnh môi trường đầu tư. Tuy nhiên để làm được thì UBCK cần kiên quyết, cứng rắn cùng một chế tài nghiêm khắc", giám đốc một CTCK cho biết.

Trên thực tế, trong số hơn 10 CTCK thực hiện tách bạch quản lý tiền NĐT vẫn có công ty chỉ chuyển một phần tiền của NĐT, hoặc chỉ mở tài khoản ở đó nhưng chưa chuyển tiền NĐT về và nghe ngóng, chờ đợi động thái của UBCK. Nếu UBCK kiên quyết thì họ sẽ làm, còn nếu không thì cứ chần chừ ngày nào, thu lợi ngày đó. Về phía UBCK cũng chưa tỏ rõ thái độ khi trong các văn bản chỉ có ý nghĩa đôn đốc mà không có biện pháp mạnh tay đi kèm.

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục