Tách bạch tài khoản nhà đầu tư: Chờ hướng đi mới

(ĐTCK-online) "Trong khi chưa hoàn thành việc tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT sang ngân hàng quản lý, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang tăng cường các kênh giám sát việc quản lý tài khoản của CTCK... Khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, đồng thời công khai đơn vị vi phạm cho NĐT biết", ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết.
Tách bạch tài khoản nhà đầu tư: Chờ hướng đi mới

Ngàn lẻ một lý do… chậm trễ

Đã gần 1 năm kể từ ngày 1/10/2008 - thời hạn cuối cùng để các CTCK hoàn thành việc tách tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng quản lý, đến nay lượng CTCK hoàn thành việc này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Lê Huy Hùng, Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán, CTCK ARTEX cho biết, Công ty đã thực hiện quản lý tài khoản tiền của khách hàng độc lập với tài khoản của CTCK tại ngân hàng. NĐT khi đến ARTEX có thể mở tài khoản tiền gửi tại BIDV. Điều này góp phần phòng ngừa rủi ro cho cả khách hàng lẫn Công ty. Trên thực tế, trong tổng số 103 CTCK đang hoạt động, những CTCK hoàn tất việc tách bạch tài khoản tiền gửi của mình với NĐT tại ngân hàng đa phần là những công ty "trẻ", có số tài khoản không nhiều. Số còn lại vẫn đang ì ạch tách tài khoản tiền gửi của NĐT sang ngân hàng quản lý. Việc chậm trễ này không chỉ bởi nguyên nhân chủ quan từ phía CTCK, mà có cả "ngàn lẻ một lý do".

Theo Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS) Ngô Phương Chí, việc chuyển tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng quản lý là quan hệ 3 bên: ngân hàng, CTCK và NĐT. Bởi vậy, CTCK không thể đơn phương làm nếu NĐT không chấp nhận. Thực tế, nhiều tài khoản tại BVS chưa chuyển được do NĐT không đồng thuận, bởi họ sợ mất một khoản phí quản lý khi chuyển tài khoản về ngân hàng.

Lãnh đạo một CTCK khác lại tiết lộ, với các đơn vị nhỏ mà phải bỏ ra vài trăm triệu đồng/năm để thiết lập hệ thống kết nối với một ngân hàng là chuyện không đơn giản. Để bù đắp chi phí này, chắc chắn các CTCK sẽ "nã" vào NĐT bằng cách đồng loạt tăng phí. Hơn nữa, những rủi ro trong quá trình kết nối khiến công ty rất sợ mất "thượng đế", nên việc tách tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng vẫn chỉ làm rón rén... Vị này đề nghị, UBCK nên sớm tháo gỡ tình trạng trên, để tạo thuận lợi cho cả CTCK lẫn NĐT.

Không chỉ CTCK thấy khó khăn, mà NĐT cũng không kém phần lo lắng. Anh Nguyễn Ngọc Vân (NĐT tại sàn BVS) bày tỏ: "Để CTCK quản lý tài khoản tiền của NĐT nhưng thiếu giám sát như hiện nay thì đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất chính là NĐT. Nhưng nếu chuyển tài khoản này sang ngân hàng quản lý thì cũng gây nhiều rắc rối cho NĐT. Ví dụ, tôi đang có tài khoản tại ngân hàng A, nhưng CTCK lại yêu cầu mở tài khoản tại ngân hàng B là rất phiền phức. Đó là chưa kể mức phí quản lý tài khoản mà các ngân hàng thu của các NĐT khi tài khoản của họ độc lập với tài khoản tổng của CTCK là không nhỏ. Bên cạnh đó, NĐT còn phải chịu nhiều rủi ro trong giao dịch nếu xảy ra sự cố kết nối giữa ngân hàng và CTCK. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần đưa ra giải pháp khả thi hơn".

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, những quy định của việc tách tài khoản của NĐT sang ngân hàng quản lý là hơi cứng, nên thực tế triển khai gặp nhiều vướng mắc cho cả NĐT lẫn CTCK. Tổng giám đốc CTCK Tràng An, ông Lê Hồ Khôi nhìn nhận, khi chuyển tài khoản tiền gửi của NĐT sang ngân hàng thì tài khoản này khách hàng không chỉ dùng vào việc đầu tư chứng khoán. Bởi vậy, với thời gian thanh toán T+3 rất dễ rủi ro cho các CTCK, vì phải đối mặt với nguy cơ tài khoản trống tiền. Hơn nữa, với khoảng 700.000 tài khoản đang giao dịch, sắp tới dự kiến lên đến cả triệu tài khoản, mà tách toàn bộ tài khoản tiền gửi sang ngân hàng quản lý là không đơn giản.

Cần hướng đi mới

Bản chất của việc tách tiền gửi NĐT sang ngân hàng là để phòng ngừa CTCK nhập nhèm trong sử dụng tiền của NĐT. Muốn đạt mục tiêu này có nhiều cách làm. Bởi vậy, trong khi giải pháp tách tiền gửi NĐT sang ngân hàng quản lý tỏ ra thiếu tính khả thi, thì việc sớm đưa ra cách gỡ mới là cần thiết.

Theo ông Vũ Bằng, UBCK đang đánh giá lại thực tiễn triển khai chủ trương tách tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng, để sớm khắc phục những hạn chế hiện nay. Theo đó, Ủy ban đang cân nhắc khả năng sẽ điều chỉnh theo hướng: trước mắt, thay vì buộc CTCK chuyển tài khoản tiền gửi của NĐT sang ngân hàng, sẽ vẫn giữ mô hình để CTCK quản lý, nhưng tách bạch chi tiết tài khoản của CTCK và NĐT. Để tránh sự không minh bạch trong quản lý tài khoản của CTCK, UBCK đang cố gắng hoàn thiện các quy định về hệ thống sổ sách kế toán tại CTCK theo hướng phải thể hiện chi tiết các biến động trên tài khoản của CTCK và NĐT. Kèm theo đó là các chế tài xử lý đủ mạnh nhằm ngăn ngừa CTCK lợi dụng tài khoản của NĐT và công khai các đơn vị "nhập nhèm". Nếu CTCK nào cố tình vi phạm, NĐT sẽ tẩy chay và khi đó, tự CTCK sẽ loại mình ra khỏi cuộc chơi!      

UBCK vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một số CTCK do vi phạm trong quá trình giao dịch.

Theo đó, CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bị phạt 40 triệu đồng vì không thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát trong các giao dịch cổ phiếu MIC, VIC, VPL; không lưu giữ đầy đủ chứng từ, không phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng trong giao dịch đối với 3 cổ phiếu trên. Trước câu hỏi của ĐTCK về việc Công ty có lạm dụng tài khoản của NĐT hay không, ông Phí Quang Giáp, Trưởng phòng phát triển khách hàng APEC cho biết, Công ty có lỗi trong quá trình kết nối lệnh giao dịch, chứ không lợi dụng tài khoản của NĐT. Hơn nữa, việc quản lý tài khoản của Trung tâm Lưu ký chứng khoán rất chặt chẽ, Công ty có muốn lợi dụng tài khoản của NĐT cũng không dễ.

CTCK Hải Phòng (HPC) bị phạt 20 triệu đồng do phản ánh không chính xác giao dịch của khách hàng trên một số mã tài khoản. Giải đáp thắc mắc của một số NĐT liệu Công ty có lợi dụng tài khoản của họ trong quá trình giao dịch, ông Đinh Danh Vượng, Trưởng phòng Hành chính nhân sự HPC khẳng định, không có chuyện Công ty lợi dụng tài khoản của NĐT, mà chỉ là lỗi trong quá trình kết nối lệnh. Công ty đã tăng cường các khâu giám sát, để tránh tái phạm.

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ