Sự khác biệt
Nếu thực hiện việc tách bạch tài khoản một cách triệt để, chi tiết, NĐT sẽ chỉ mở một tài khoản chứng khoán tại CTCK. Cùng với đó, họ sẽ mở một tài khoản tiền tại ngân hàng mà CTCK ký hợp đồng quản lý tiền. Như vậy, NĐT sẽ nộp tiền trực tiếp tại ngân hàng và CTCK không dính dáng gì đến số tiền này. Giữa CTCK và ngân hàng có một phần mềm để CTCK kiểm tra số dư tiền của NĐT xem họ đặt lệnh giao dịch có phù hợp với số tiền hiện có hay không. Phía ngân hàng cũng kiểm tra được số tiền họ chuyển mua chứng khoán có phù hợp với số chứng khoán khách hàng mua hay không.
Còn đối với việc chuyển tiền qua tài khoản tổng thì sao? Tất cả tiền của CTCK và NĐT sẽ được mở chung tại ngân hàng (giống như tài khoản chứng khoán CTCK mở tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán). Tiền của NĐT chưa được quản lý riêng rẽ, trực tiếp trên từng tài khoản. Như vậy, mới chỉ giải quyết được một vấn đề: trong trường hợp CTCK phá sản, tiền của NĐT gửi tại ngân hàng sẽ được bồi thường bởi đã được ngân hàng mua bảo hiểm tiền gửi. Còn vấn đề quan trọng và gây bức xúc cho NĐT nhiều hơn là việc CTCK giao dịch trên tài khoản tiền của họ vẫn chưa được giải quyết.
Bất nhất!
Theo Điều 32 Quyết định 27/2007/QĐ-BTC quy định hoạt động của CTCK, CTCK phải quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng tách biệt khỏi tiền của chính CTCK. Các công ty này cũng không được trực tiếp nhận tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng; khách hàng phải mở tài khoản tiền tại ngân hàng thương mại do CTCK lựa chọn. Vậy nhưng, Công văn số 1888/UBCK-QLKD về việc thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi NĐT tại ngân hàng chỉ yêu cầu: "Tài khoản tiền gửi thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng được CTCK mở tại ngân hàng phải tách biệt với tài khoản tự doanh của CTCK". Như vậy, chỉ tách biệt với tài khoản tự doanh, còn nếu là tài khoản khác thì CTCK vẫn không phải tách bạch? Có thể nói đây là sự nửa vời, bởi vẫn không đảm bảo được tính minh bạch trong quản lý tiền của NĐT và CTCK. CTCK vẫn có thể toàn quyền quyết định sử dụng tiền trên tài khoản tổng (của CTCK và NĐT mở tại ngân hàng).
Chính sự không rõ ràng kể trên là chỗ dựa để CTCK trù trừ trong việc tách bạch và cũng là cái cớ để UBCK nói rằng, phần lớn CTCK đã thực hiện chuyển tài khoản tiền NĐT sang ngân hàng quản lý.
Mặc dù không có chức năng tín dụng, nhưng việc quản lý tiền của NĐT với số lượng lớn (đôi khi bằng vốn điều lệ của cả một NHTMCP loại nhỏ) là điều không thể chấp nhận được. Theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều NĐT cho rằng, UBCK cần vào cuộc để kiểm tra thực tế việc tách biệt tiền của các CTCK hiện nay đã diễn ra đến đâu.
Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc công nghệ thông tin, CTCK An Bình cho rằng, cần đẩy nhanh việc chuyển tài khoản NĐT sang ngân hàng quản lý. Điều này giúp thúc đẩy việc triển khai các nghiệp vụ của ngân hàng cũng như giúp NĐT linh hoạt sử dụng khoản tiền như chuyển khoản, thanh toán…, chứ không phải chỉ là kinh doanh chứng khoán. Việc tách bạch tài khoản tiền của NĐT cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các nghiệp vụ phái sinh, khi các nghiệp vụ này được áp dụng trên TTCK Việt Nam. Hiện nay có khó khăn về mặt kỹ thuật, nhưng cũng còn do những lợi ích từ việc chậm tách bạch tài khoản khiến không ít CTCK lần lữa trong việc triển khai. Chẳng hạn, khả năng đơn giản nhất là sử dụng tiền của NĐT cho vay qua đêm với lãi suất cao, CTCK đã có chênh lệch bởi chỉ phải trả cho NĐT lãi suất không kỳ hạn. Theo ông Tân, UBCK cần có một lộ trình mới, cụ thể, trên cơ sở tính toán kỹ các khó khăn của CTCK để đưa ra mốc thời gian phù hợp, nhằm thúc đẩy việc CTCK thực hiện chuyển tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng quản lý.
Cùng chung quan điểm cần một lộ trình mới, NĐT Trần Tiến Dũng tại CTCK Sacombank cho biết thêm, lúc thị trường suy giảm, số lượng giao dịch ít, NĐT tham gia thị trường chưa nhiều chính là cơ hội để các CTCK thực hiện chủ trương của UBCK. Tuy nhiên, UBCK cũng cần có chế tài nghiêm khắc, buộc các CTCK thực hiện.
Theo CTCK Sài Gòn - Hà Nội (đơn vị đã thực hiện chủ trương này từ khi đi vào hoạt động), việc thúc đẩy các CTCK thực hiện tách bạch tài khoản cho NĐT sang ngân hàng quản lý ngoài những lợi ích như đảm bảo an toàn, minh bạch tiền NĐT, còn tạo ra sự công bằng. Bởi hiện nay CTCK chuyển hay không chuyển tài khoản tiền sang ngân hàng quản lý cũng như nhau trong khi lợi ích là rất khác nhau.
TTCK liên tục sụt giảm trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ khủng hoảng tài chính thế giới cũng như khó khăn nội tại của nền kinh tế. Để vượt qua những khó khăn hiện tại, UBCK cần củng cố niềm tin của NĐT thông qua việc minh bạch và kiên quyết thực hiện các chính sách phát triển thị trường, trong đó có việc tách bạch tiền gửi của NĐT. Đại diện Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam cho rằng, những gì thuộc về thẩm quyền của UBCK thì nên thực hiện kiên quyết. Cơ quan này cần thực hiện tốt hơn, mạnh hơn việc quản lý thị trường thay vì chỉ chú trọng đến cấp phép!