1.
Gần 12 giờ đêm ngày 30/1/2021, Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng vẫn có hàng trăm phóng viên làm việc với sự tập trung cao độ. Trước đó không lâu, danh sách ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ mới, bao gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết được công bố.
Chưa thể về nhà dù kim giờ đồng hồ đã nhích sang ngày mới, bởi nhiệm vụ của phóng viên theo dõi và đưa tin về Đại hội không chỉ ngồi chờ có danh sách trúng cử rồi gửi về toà soạn, mà phải đầu tư nhiều nhất có thể để thông tin quan trọng ấy đến với bạn đọc một cách hấp dẫn nhất. Những vị nào tái cử, ai là người mới, người trẻ tuổi nhất là bao nhiêu, cơ cấu các ngành, lĩnh vực... như thế nào, các báo đều muốn thông tin sớm nhất đến với bạn đọc.
Hơn 1 giờ sáng, khi người viết bài này cùng đồng nghiệp Báo Đầu tư rời Trung tâm Báo chí, bên ngoài khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia, một nữ phóng viên đang kê laptop lên yên xe máy trên vỉa hè, hỗ trợ đồng nghiệp từ Trung tâm Báo chí hoàn thành dữ liệu để kịp gửi cho số báo in ra hôm đó. Khi ấy chưa giãn cách chống dịch, nhưng chẳng có quán cà phê nào mở cửa qua 0 giờ, cô cũng không đành để đồng nghiệp chờ mình về đến nhà mới tiếp tục công việc, nên vui vẻ chọn cách tác nghiệp giữa đường như thế.
Nữ đồng nghiệp trẻ một tờ báo điện tử kể rằng, rời Trung tâm Báo chí, cô không về nhà với hai con nhỏ mà đến thẳng toà soạn, cùng đồng nghiệp làm việc đến 6 giờ sáng hôm sau mới tạm yên lòng với công việc.
Đó là khi Đại hội XIII sắp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Hàng tuần trước đó, các phóng viên được cử đi đưa tin sự kiện quan trọng này đã hai lần xét nghiệm Covid-19, rồi khi đợt dịch thứ ba đang diễn ra, lại thêm một lần xét nghiệm thứ ba.
Hàng ngày, để đến được Trung tâm Báo chí khi đường chưa tắc, có phóng viên ra khỏi nhà khi trời chưa sáng hẳn, chỉ về nhà khi công việc của hôm đó đã xong xuôi, bất kể là mấy giờ. Nhưng, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất của các phóng viên được cử đi đưa tin về Đại hội.
Không được sử dụng điện thoại, không tiếp xúc trực tiếp với đại biểu..., không gian tác nghiệp của phóng viên khi Đại hội đang diễn ra khá đặc thù. Bởi vậy, không phải chờ đến khi Đại hội khai mạc, mà trước đó khá lâu, các toà soạn báo nói chung và phóng viên chính trị nói riêng đã bám sát kế hoạch Đại hội, quá trình chuẩn bị văn kiện, lấy ý kiến nhân dân, nắm chắc những điểm mới của dự thảo văn kiện và công tác nhân sự để phản ánh cả trước, trong và sau Đại hội.
Tôi đã được tham dự đưa tin rất nhiều về các kỳ Đại hội của Đảng, Đại hội XIII là một trong những đại hội thành công nhất về cả nội dung và hình thức tổ chức, lề lối làm việc. Cũng chưa có Đại hội nào có số lượng nhà báo đưa tin đông như lần này, các nhà báo đã đóng góp rất quan trọng vào thành công của Đại hội (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong buổi họp báo ngay sau phiên bế mạc).
“Các nhà báo theo sát lắm, làm việc hết sức trách nhiệm, tìm mọi nguồn tin để báo này khác báo khác, bài sau hay hơn bài trước. Nhanh nhạy mà vẫn hấp dẫn, khó lắm, thường là đúng thì khô, nhưng nhân dân vẫn chờ báo ra để đọc, mừng lắm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với trải nghiệm của một người từng có gần 30 năm làm báo.
Nhưng, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng, thành công của Đại hội không phải bầu một lần là đủ cả 200 ủy viên Trung ương (cả chính thức và dự khuyết), hay thông qua được Nghị quyết, mà chính là đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nước phải mạnh, dân phải giàu, đó mới là thành công của Đại hội. Con đường dẫn đến thành công này chắc chắn cần đến trách nhiệm của các nhà báo, những người mà như lời Tổng Bí thư là không chỉ đưa tin nhanh, mà còn phải có tứ, có cảm xúc trong mỗi tác phẩm của mình.
2.
Một 0 giờ khác cũng hết sức đáng nhớ, đó là 0 giờ ngày 24/5/2021, Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội vẫn sáng đèn. Cả ngày 23/5 - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, máy quay, máy ảnh, máy ghi âm của hàng trăm phóng viên luôn ở chế độ sẵn sàng. Cử tri vùng tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang thực hiện quyền công dân ra sao, lần đầu tiên Trường Sa lớn bầu cử cùng thời điểm với đất liền thế nào, sau khi bỏ phiếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước truyền thông điệp gì tới cử tri... liên tục được cập nhật.
Với kinh nghiệm đưa tin về cuộc bầu cử 5 năm trước, nhiều phóng viên đều dự đoán khoảng 21 giờ sẽ có thể đưa những thông tin đầy đủ, toàn diện nhất về ngày bầu cử. Nhưng 21 giờ, 22 giờ rồi qua 23 giờ, câu trả lời vẫn chỉ có một chữ: Đợi.
“Về thôi, dù sao thì hôm nay cũng chưa có kết quả bầu cử, có đợi thì cũng chỉ là tỷ lệ cử tri đi bầu thôi, mà đến 19 giờ thì cũng là con số rất cao rồi!”, đâu đó đã có những lời rủ rê khi ba chiếc kim đồng hồ sắp chập một ở con số 12.
Liên lạc với Văn phòng của Hội đồng Bầu cử quốc gia, gọi điện cho một số vị có trọng trách của Hội đồng, thậm chí đánh liều lên tận Bộ phận thường trực của Hội đồng Bầu cử quốc gia... rồi vẫn tiếp tục chờ. Mệt, sốt ruột, động viên một số nữ phóng viên có con nhỏ về nhà đi, có thông tin sẽ báo ngay..., Trung tâm Báo chí cũng vắng dần.
Cố thêm một chút, đó là tự nhủ của những người bám trụ sau cùng, qua 0 giờ, để có thông tin đến lúc ấy, không phải chỉ vì để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà vì họ hiểu vất vả của người làm báo chưa thấm tháp gì với vất vả của hàng triệu người suốt nhiều ngày liên tục để cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 hết sức căng thẳng.
Ngay lúc các phóng viên chờ thông tin, Bộ phận thường trực của Hội đồng Bầu cử quốc gia vẫn xoay như chong chóng, tiếp nhận, tổng hợp, xử lý, báo cáo thông tin từ khắp nơi. Các tổ bầu cử kiểm phiếu xuyên đêm, cá biệt có những nơi phải lo bầu cử lại.
Rời nhà Quốc hội khi ngày mới đã sang, lại í ới gọi nhau qua Facebook, Zalo, rằng lưu ý chỗ này, chỉnh sửa chỗ kia, ái ngại lắm mà vẫn phải nhấc điện thoại gọi sếp lúc 2-3 giờ sáng, vì trách nhiệm với bạn đọc.
“Chúng ta phải đánh giá kỹ thêm công lao đóng góp của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông”, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nói khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá cuộc bầu cử trong phiên họp tháng 6 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hệ thống báo chí của chúng ta từ Trung ương, địa phương đã vào cuộc, đưa tin rất khách quan, rất chính xác, bám sát thực tiễn, tạo ra được một hiệu ứng tốt, không khí sôi nổi.
Cử tri cả nước đã bầu ra Quốc hội nhiệm kỳ mới. Và báo chí tiếp tục là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri. Nói như Phó trưởng ban Ban Nội chính Trung ương, đại biểu Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Thái Học (Phú Yên), báo chí và đại biểu Quốc hội chỉ tôn trọng lẫn nhau thì chưa đủ, mà cả hai đều phải cùng tôn trọng sự thật, thì “cây cầu” đến cử tri mới chắc, mới bền.
Nghề báo là một nghề đặc thù, cần xông pha, cần dũng cảm, cần nhiệt huyết, cần đam mê. Nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ. Xông pha, dũng cảm, nhiệt huyết, đam mê chỉ có giá trị thực sự khi mỗi sản phẩm báo chí đều lấp lánh giá trị của sự thật, đều vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Khi ấy, nỗi buồn, những tâm tư và cả suy tư của nghề báo - một nghề nhọc nhằn, nếu có, cũng sẽ vợi dần đi.