Điển hình là trường hợp của Nhật Bản. Đồng yên Nhật đã giảm giá 28% tính từ năm 2014 tới nay. Điều này đáng lẽ sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên, xuất khẩu của Nhật tới Mỹ vẫn giảm 10% trong giai đoạn này. Hay tại Anh, đồng bảng Anh đã giảm giá 19% kể từ năm 2009 tới nay, nhưng xuất khẩu của quốc gia này tới Mỹ vẫn giảm 26%. Thực tế, kể từ khi bước sang thế kỷ 21, khả năng biến động tỷ giá ảnh hưởng tới thương mại và tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn đã giảm đi đáng kể, theo nhận định của Goldman Sachs Group Inc.
Theo các chuyên gia, việc đồng tiền yếu hơn không còn hỗ trợ nhiều cho giới chức các quốc gia như Nhật Bản và Anh trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là bởi, các chính sách nới lỏng tiền tệ đang được thực hiện mạnh mẽ trên diện rộng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Mặt khác, các số liệu cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đã không còn quá lo lắng về việc nâng lãi suất có thể dẫn tới tăng trưởng kinh tế Mỹ “trật bánh”, khiến họ không đặc biệt coi trọng sức mạnh của đồng USD.
Theo Bank of America Corp, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã hạ lãi suất 667 lần kể từ năm 2008 cho tới nay. Trong giai đoạn này, 10 đồng tiền chính đã giảm giá 14% so với USD, tuy nhiên, tăng trưởng của 8 trong số 10 nền kinh tế đó chỉ tăng trung bình 1%, theo số liệu thống kê của Bloomberg.
Kể từ cuối những năm 1990, mức giảm giá 10% của các đồng tiền tại 23 nền kinh tế phát triển chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thêm 0,6% GDP, theo Goldman Sachs, so với 1,3% GDP trong 2 thập kỷ trước. Thương mại hàng hóa của Mỹ với tất cả các quốc gia đã giảm xuống còn 3.700 tỷ USD năm 2015, từ mức 3.900 tỷ USD năm 2014, theo số liệu của Bloomberg.
Jari Stehn, chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho biết, sự chuyển dịch trong cấu trúc thương mại tại các nền kinh tế lớn khiến giá cả các hàng hóa và dịch vụ ít co giãn hơn. Điều này, cùng với tác động lâu dài của khủng hoảng tài chính, đã khiến sự nhạy cảm giữa khối lượng giao dịch thương mại và thay đổi về tỷ giá trên toàn cầu giảm đi.
“Thị trường ngoại hối đã có những biến động khá đột ngột trong vài năm trở lại đây và đa phần các chuyên gia kinh tế, theo các mô hình phân tích thông thường cho rằng, biến động này sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra gần đây khiến chúng ta buộc phải nghi ngờ về cách nhìn nhận này. Xuất khẩu trở nên ít nhạy cảm hơn với biến động tỷ giá qua thời gian, trong khi nhập khẩu không có phản ứng rõ ràng với thay đổi tỷ giá”, Stehn cho biết.
Philippe Bonnefoy, người sáng lập quỹ đầu tư Eleuthera Capital AG cho rằng: “Với tư cách là một ngân hàng trung ương, tất nhiên chúng ta sẽ quan tâm tới vấn đề tỷ giá, nhưng các nền kinh tế càng phát triển bao nhiêu thì họ càng ít phản ứng mạnh trước những thay đổi tỷ giá như trước đây bấy nhiêu. Hiện tại, tác động của biến động tỷ giá đã dần nhạt đi”.
Theo đó, Nhật Bản đang sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác với bình thường, bao gồm áp dụng lãi suất âm và các chương trình nới lỏng, nhằm nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế kể từ khi Tổng thống Shinzo Abe lên nắm quyền năm 2012. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này rõ ràng là khá khiêm tốn, khi nền kinh tế của Nhật Bản được dự báo chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm 2016. Đó là chưa kể, đồng yên đã tăng giá 19% so với đồng USD trong năm nay, không những cho thấy chính sách tiền tệ ít tác động tới tăng trưởng kinh tế, mà còn thể hiện năng lực khá hạn chế trong việc hạ tỷ giá.
Vậy có phải những biến động tỷ giá đã không còn quan trọng trên thị trường? Mansoor Mohi-uddin, chiến lược gia tại Royal Bank of Scotland Group Plc cho rằng: “Tỷ giá vẫn đóng một vai trò quan trọng, nhưng nó yêu cầu các công ty và nhà đầu tư tin tưởng rằng, sự thay đổi tỷ giá sẽ gây tác động trong thời gian dài, hơn là tạm thời. Các công ty cần tin rằng, ngân hàng trung ương sẽ giữ tỷ giá yếu, trước khi họ thay đổi định hướng đầu tư. Nếu cam kết của các ngân hàng trung ương bị nghi ngờ, như tại Nhật Bản, các công ty sẽ không tin việc đồng nội tệ suy yếu sẽ tiếp tục được duy trì và các chính sách tiền tệ sẽ giảm bớt tác dụng”.