TA focus (phiên 15/7): Mục tiêu CTD tầm 118 - 120 là khá hấp dẫn

(ĐTCK) Kết phiên giao dịch ngày 12/7/2019, VN-Index chốt ở 975,4 điểm, giảm 3,23 điểm (-0,33%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 133 triệu đơn vị, giá trị 2.969 tỷ đồng.
TA focus (phiên 15/7): Mục tiêu CTD tầm 118 - 120 là khá hấp dẫn

Về mặt kỹ thuật

Phiên giảm điểm 12/7 đã chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp của VN-Index khiến chốt tuần, chỉ số cũng tăng không đáng kể so với tuần trước. Thực tế này cho thấy, khi chạm các ngưỡng cản mạnh giá cũng khó vượt qua nhanh chóng được.

Có thời điểm trong phiên, chỉ số vượt qua ngưỡng 980 khá nhẹ nhàng, nhưng không giữ được, chấp nhận quay đầu khi áp lực chốt lời ngắn hạn ép giá xuống. Đa số các Bluechips giảm điểm khiến VN-Index không có phiên giao dịch tích cực. Đóng cửa gần thấp nhất ngày dấy lên lỗi lo ngại chỉ số có thể sẽ đảo chiều.

Chart Daily

VN-Index hình thành cây nến khá xấu, tuy là giảm nhẹ nhưng cũng đủ bao trùm cả nến hôm trước (11/7) gợi ý về 1 mẫu hình nến đảo chiều kinh điển Bearish Engulfing hay xảy ra ở khu vực kháng cự mạnh và cuối của 1 xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì cây nến này có hiệu quả đào chiều yếu, khi VN-Index chưa có 1 xu hướng tăng mạnh, hơn nữa biên độ giá giảm là hẹp, thân nến ngắn cộng thêm khối lượng khớp lệnh không quá vượt trội.

Các đặc điểm này, phủ nhận mạnh tín hiệu đảo chiểu của chỉ số. Đương nhiên, so với những phiên tăng trước đó thì phiên cuối tuần bên bán đang thắng thế, nhưng để kết luận thị trường rốt cục có quyết định đi theo chiều giảm hay không thì cần thêm ít nhất phiên đầu tuần 15/7 kiểm định. Về cơ bản với những phân tích như trên, cửa tăng lại của VN-Index vẫn cao hơn cửa giảm.

Với hệ thống Ichimoku, giá vẫn nằm trên đám mây nhưng đang có xu hướng quay lại test đường SpanB tầm 973 điểm. Đáng chú ý, có đường Chikou Span đã vượt trên đường giá và sắp vượt luôn cả đám mây, quan trọng hơn là đường Tenkan vẫn có xu hướng bám sát đường giá. Nhìn chung hệ thống này chưa xuất hiện tín hiệu gì đáng phải lo ngại.

Chart 1hour

Ở khung thời gian này, 2 cây nến cuối cùng là khá xấu, tuy vậy đường MA20 vẫn chưa thủng cho thấy thực sự bên bán cũng chưa phải quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, một vài chỉ báo khác đã cho tín hiệu hơi tệ gợi ý VN-Index có thể xuất hiện thêm nhịp rung lắc đầu phiên tới 14/7. Nếu vẫn không xuyên qua MA20 này (tầm 974), nguy cơ xuống tiếp là khá nhỏ.

Tóm lại, phiên giảm điểm nhẹ chỉ đơn giản mang tính kỹ thuật khi chỉ số chạm ngưỡng cản mạnh 980 điểm. Chút áp lực chốt lời ngắn hạn cộng thêm tâm lý nhà đầu tư bị chi phối bởi một vài thông tin bên ngoài tác động khiến VN-Index giảm điểm. Điều này khó có thể thay đổi được xu hướng chính của VN-Index ở giai đoạn hiện tại. Do vậy, những phiên điều chỉnh nhẹ như vừa rồi vẫn là cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Cổ phiếu cần quan tâm theo phân tích kỹ thuật

CTD (110,8)

CTD đang trong 1 xu hướng giảm từ đầu năm 2018 đến nay. Hiện tại, sau khi hồi phục từ đáy (96 -97), CTD tạo nền giá trong khoảng 9 phiên tầm 103 - 107 khá đẹp, 3 phiên gần nhất, khối lượng khớp lệnh luôn trên trung bình 20 ngày. Cho thấy sức hút hiện tại của CTD đã có sự thay đổi đáng kể. Hơn nữa, giá mới bật lên khỏi nền chưa quá xa, thậm chí CTD vẫn xanh bất chấp phiên điều chỉnh của VN-Index cuối tuần là khá mạnh mẽ.

Các chỉ báo như RSI, MACD, đang khá đẹp, nhất là quan sát giải Bollinger Band. Chỉ lưu ý có đường Stochastic đang ở vùng quá mua do vậy, có thể CTD sẽ có điều chỉnh nhẹ, nhưng về cơ bản, nhịp phục hồi của CTD có xác suất cao sẽ là vẫn tiếp tục cho đến khi gặp nền giá tầm cuối tháng 4 tầm 118 - 120, cũng trùng với MA20 (chart Weekly).

“Soi” CTD qua hệ thống Ichimoku, thì rủi ro lớn nhất là CTD sắp đối diện với đám mây dày đặc phía trước. Hiện tại, bộ 3 giá, Tenkan, Kijun khá hoàn hảo. Tuy nhiên, cả 3 vẫn dưới đám mây khẳng định đây vẫn chỉ là nhịp phục hồi của CTD.

Tuy vậy, mục tiêu CTD tầm 118 - 120 là khá hấp dẫn trong khi giá phải trả (cắt lỗ) tầm 107 trở xuống là chấp nhận được.

Ngoài CTD, nhà đầu tư có thể quan tâm đến một vài cổ phiếu khác đang có tín hiệu từ phân tích kỹ thuật như ANV, PLX…

Hải Đăng, Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật, TVSI Ngọc Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục