>> Thắc mắc về quỹ dự trữ chứng khoán
Đánh trống bỏ dùi
Ngày 24/3/2010, UBCK đã có buổi thảo luận với các thành viên thị trường để đưa ra phương án cho giao dịch T+2. Khi đó, đại diện UBCK cho biết, quá trình triển khai nhanh nhất cũng phải mất 2 - 3 tháng. Các NĐT khi đó đều kỳ vọng, dù có chậm trễ thế nào thì muộn nhất đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, T+2 sẽ được áp dụng.
Thế nhưng, cho đến bây giờ, các NĐT, các CTCK vẫn chưa hình dung ra được T+2 sẽ được thực hiện ra sao. Và đùng một cái, T+2 được công bố bị loại!
Không chỉ có T+2, mà cả những hứa hẹn của cơ quan quản lý về giao dịch ký quỹ, về việc mở nhiều tài khoản tại cùng một CTCK đều bị kéo dài, NĐT chỉ biết… chờ.
Khó khăn nằm ở đâu?
Thực tế, viện triển khai T+2 không đến nỗi quá khó khăn đối với các CTCK. Bởi không ít CTCK trước đó đã thực hiện giao dịch T+2 cho các khách hàng VIP, không chỉ ở các CTCK lớn mà ngay cả các CTCK nhỏ, nhằm gia tăng thị phần, lôi kéo khách hàng và gia tăng giao dịch của khách hàng. Trong khi đó, UBCK còn thể hiện rõ quyết tâm thực hiện T+2 khi tuyên bố, sẽ không chờ đầy đủ các CTCK hoàn chỉnh hệ thống công nghệ 100% thì mới đưa vào thực hiện T+2.
1 năm liệu có phải là thời gian quá ngắn cơ quan quản lý soạn thảo văn bản hướng dẫn giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán thay đổi cách hạch toán mới? Nhìn sang TTCK của nước bạn Lào, ngay khi thành lập, NĐT cả trong và ngoài nước đều được mở nhiều loại tài khoản, mua bán cùng 1 loại cổ phiếu trong phiên, thời gian cổ phiếu về tài khoản là T+2 và thời gian tiền về tài khoản cũng là T+2. Trong khi trước đó chưa đầy nửa năm, Lào còn chưa hoàn tất đề án cụ thể về việc thành lập TTCK như thế nào, quan chức của Ngân hàng Ngoại thương Lào (hiện đang niêm yết) chưa hình dung được IPO sẽ thực hiện ra sao. Còn TTCK Việt Nam đã vận hành được hơn 10 năm mà có quy trình giao dịch kém hơn.
NĐT cần hỗ trợ về niềm tin
Thanh khoản là yếu tố sống còn cho TTCK. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất tại thời điểm này, khi mà giao dịch trên 2 sàn mỗi ngày xuống dưới mức 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô của TTCK Việt Nam ngày càng tăng, với ngày càng nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn trên 1 tỷ USD. Điều này đòi hỏi dòng tiền vào thị trường phải có sự thay đổi mạnh về chất lượng thì khối lượng giao dịch mới có sự cải thiện, lượng cầu mới tăng dần và hấp thu lượng cung quá lớn như hiện nay.
Khi TTCK không có sự thay đổi nào đáng kể để có thể thu hút thì dòng tiền vẫn bế tắc ở việc chờ đợi cổ phiếu sau 4 ngày giao dịch mới được bán, sau 3 ngày giao dịch tiền mới về tài khoản. Như vậy, NĐT khó có thể cắt lỗ hay chốt lời hợp lý và chịu rủi ro cao trước những biến động khó lường của thị trường.
Để góp phần tạo niềm tin cho NĐT, đưa TTCK bước ra khỏi giai đoạn đìu hiu hiện nay, cơ quan quản lý cần đóng vai trò tích cực trong việc hoàn thiện cơ chế giao dịch của thị trường, áp dụng những phương thức giao dịch mới thuận tiện, hạn chế được rủi ro.