Syria, trần nợ và dấu hỏi về hành động của Fed

(ĐTCK) Cho đến một vài ngày trước, gần như mọi người đều nghĩ rằng, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thông báo bắt đầu kết thúc chương trình mua trái phiếu của mình trong tháng 9 tới. Nhưng giờ đây, các NĐT đang tự hỏi mình về điều đó.
Syria, trần nợ và dấu hỏi về hành động của Fed

Viễn cảnh quân đội phương Tây tấn công Syria đã khiến các TTCK chao đảo những ngày qua. Các thị trường mới nổi bán tháo và giá dầu thô vọt lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Nhưng còn một vấn đề khác, sẽ trở nên nóng bỏng trong mùa Thu này, đó là giới hạn trần nợ của Mỹ.

Các diễn biến nói trên đang lung lạc niềm tin của hầu hết giới quan sát Fed về việc cơ quan này sẽ bắt đầu thu nhỏ chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng, dự kiến từ giữa tháng 9.

“Đó thực sự là một quyết định lớn và khó khăn đối với Fed khi mà có rất nhiều sự không chắc chắn như chúng ta đang nhìn thấy”, Douglas Borthwick, Giám đốc quản lý của Chapdelaine Foreign Exchange ở New York nhận xét. “Tôi chắc là thị trường đang chuyển động theo hướng kế hoạch của Fed sẽ được lùi sang tháng 12”.

Theo các quan chức của Mỹ, kịch bản cuộc tấn công đa quốc gia vào Syria là sẽ kết thúc sau một vài ngày. Mặc dù vậy, thị trường vẫn lo lắng về an ninh nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông, nơi đóng góp 1/3 sản lượng dầu của thế giới. Và lo ngại đó đã khiến giá dầu Brent tăng lên mức 117,34 USD/thùng, cao nhất trong vòng 6 tháng.

Ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định, giá dầu thô Brent có thể leo lên mức 150 USD/thùng nếu xung đột ở Syria lan rộng và cắt đứt nguồn cung. Giá dầu cao sẽ đẩy giá khí đốt tăng theo và ảnh hưởng đến các nhu cầu tiêu dùng khác, điều có thể tác động đến suy nghĩ của Fed.

“Tôi nghĩ, khả năng Fed sẽ làm điều gì đó trong tháng 9 đã giảm xuống”, Stephen Jen, cộng sự của SLJ Macro Partners, một quỹ đầu cơ có trụ sở ở London, nói. “Có thể xảy ra chiến tranh, khiến giá dầu tăng mạnh. Hiện giá dầu cũng đã cao rồi, nên chỉ cần nó tăng thêm khoảng 20 USD/thùng nữa thì chắc là Fed sẽ phải nghĩ lại”.

Một số nhà phân tích cho rằng, ảnh hưởng từ Syria đến các thị trường tài chính hay đến Fed có thể sẽ được chặn lại nếu cuộc tấn công chỉ giới hạn ở không kích hoặc bằng tên lửa từ tàu chiến. Theo các phân tích ở Citigroup, khả năng “cắt đứt nguồn cung” là thấp trong trường hợp cuộc tấn công chỉ thực hiện từ trên không.

Trở lại với khả năng Fed trì hoãn kế hoạch cắt giảm gói QE. Nó có thể tạm thời thúc đẩy các thị trường mới nổi, nhưng sẽ chỉ làm tăng thêm sự bất trắc, do việc cắt giảm lượng mua trái phiếu là không thể tránh khỏi.

Một đợt tăng ngắn của các thị trường mới nổi, nếu xảy ra, sẽ có thể được xem là cơ hội để các NĐT bán ra nhiều hơn. Và các quốc gia có thâm hụt cán cân vãng lai lớn sẽ rơi vào tình thế đặc biệt chông chênh.

Một trong các nước đó là Ấn Độ, nơi mà đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD và chỉ số Bombay Sensex Index giảm 11% kể từ 23/7. Láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là ngoại lệ. Đồng lira của nước này vừa giảm xuống mức thấp nhất so với USD.

Ngoài chuyện căng thẳng đang lên ở Syria , một vài chiến lược gia còn cho rằng, “cuộc chiến” ngân sách ở Washington thậm chí mới là vấn đề gây lo lắng nhiều hơn. Nước Mỹ được dự đoán là sẽ đương đầu với giới hạn nợ liên bang vào trung tuần tháng 10 tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết, Chính quyền Obama sẽ không thương lượng cắt giảm chi tiêu để đổi lấy tăng trần nợ, trong khi các chính trị gia đảng Cộng hòa hy vọng cắt giảm được chi tiêu trên các chương trình xã hội. Còn nhớ năm 2011, cuộc tranh cãi về vấn đề giới hạn nợ đã dẫn đến hậu quả là lần đầu tiên Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, gây náo loạn các thị trường.

“Nếu cuộc đấu khẩu về trần nợ nóng đến mức có thể tác động đến niềm tin của người tiêu dùng - vốn đang bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng - thì Fed có thể sẽ tuyên bố cắt giảm gói QE ít hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu”, Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường của Prudential Financial ở Newark, New Jersey nói.

Tuy vậy, trên tất cả, như Fed từng nhắc lại nhiều lần, tình hình kinh tế với nhân tố cốt lõi là việc làm mới có vai trò quyết định đến hành động của Fed. Bởi vậy, thách thức lớn nhất đối với kế hoạch cắt giảm gói QE của Fed là số liệu việc làm không cho thấy một sự cải thiện vững chắc.    


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục