Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) vẫn khó khăn, trông chờ sửa thuế

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) có lợi nhuận quý III/2020 tăng mạnh, nhưng không phải do hoạt động kinh doanh chính khởi sắc và hiện vẫn đang ghi nhận lỗ luỹ kế.

Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) vẫn khó khăn, trông chờ sửa thuế

Cải thiện khoản phải thu

Theo báo cáo tài chính quý III/2020, LAS ghi nhận doanh thu 402,98 tỷ đồng, giảm 16,3%; lợi nhuận trước thuế 6,12 tỷ đồng, tăng 251,7%; lợi nhuận sau thuế 6,1 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2019.

LAS cho biết, doanh thu sụt giảm bởi việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, Công ty thực hiện chính sách giảm trực tiếp giá bán. Dẫu vậy, nhờ thay đổi phương thức bán hàng, tích cực thu hồi công nợ tồn đọng và tiết giảm chi phí, nên lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh.

Cụ thể, Công ty giảm được 9,53 tỷ đồng chi phí bán hàng và 2,19 tỷ đồng chi phí quản lý. Công nợ phải thu giảm hơn 769 tỷ đồng, vay ngân hàng giảm gần 826 tỷ đồng nên chi phí tài chính giảm được 19,08 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận quý III tăng vọt, nhưng luỹ kế 9 tháng đầu năm, LAS vẫn báo lỗ trước thuế 4,66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 18,25 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty còn cách rất xa mục tiêu lãi trước thuế 56 tỷ đồng năm 2020.

Từ năm 2014 tới nay, LAS trong chu kỳ suy thoái kinh doanh. Trong đó, năm 2019, Công ty chỉ đạt lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng, so với mức 400 tỷ đồng năm 2014 và mức bình quân 150 tỷ đồng/năm giai đoạn 2016 - 2018.

Theo Công ty Chứng khoán Funan, có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: thị trường phân bón dư cung nên cạnh tranh giá khốc liệt; giá nguyên liệu (than và phân bón đơn đầu vào) tăng làm biên lợi nhuận giảm; thời tiết thất thường khiến nhu cầu của người dân với phân bón giảm; chính sách thuế giá trị gia tăng thay đổi (phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế nên doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ thuế đầu vào) làm cho doanh nghiệp bị đội chi phí lên cao và mất đi lợi nhuận hàng năm xấp xỉ 150 - 200 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 50% tổng lợi nhuận của LAS giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, LAS vay nợ nhiều dẫn tới chi phí lãi vay lớn (90 - 100 tỷ đồng/năm), trong khi các khoản phải thu ngày càng nhiều (hệ quả của hệ thống phân phối nhiều cấp). Tuy nhiên, tình trạng này trong năm 2020 được cải thiện mạnh.

Tính tới cuối quý III/2020, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 62% so với đầu năm, xuống gần 598 tỷ đồng, trong khi đó, khoản phải thu dài hạn gần 40 tỷ đồng đã được thu đủ.

Các khoản vay và nợ thuê tài chính tính đến hết tháng 9/2020 đã không còn khoản vay dài hạn 34 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương Việt Nam. Các khoản vay ngắn hạn giảm 81% so với đầu năm, xuống 186 tỷ đồng. Nhờ vậy, nợ phải trả giảm 69%, còn hơn 500 tỷ đồng.

Kỳ vọng sửa đổi chính sách thuế

Tình trạng lỗ lũy kế hiện tại của LAS xuất phát từ môi trường cạnh tranh khốc liệt và chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón thay đổi từ năm 2015 khiến doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào, trong khi mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào, với chi phí nguyên vật liệu chiếm 85 - 95% giá thành.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón, Bộ Tài chính đã đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%, áp dụng kể từ đầu năm 2021.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón kỳ vọng sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào vì chi phí nguyên vật liệu chiếm 85 - 95% giá thành.

Nếu phân bón quay trở lại thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ thuế đầu vào, LAS được kỳ vọng sẽ sớm khôi phục lại mức lợi nhuận sau thuế trung bình giai đoạn trước đây (trước năm 2015).

Được biết, LAS có kinh nghiệm sản xuất phân lân từ năm 1962. Sản phẩm chủ lực của Công ty là Supe Lân (P), Lân nung chảy (P) và NPK phối trộn từ phân đơn N (urê, đạm), P (lân), K (kali). LAS gần như độc chiếm thị trường phân lân do để sản xuất lân cần có nguyên liệu là apatit mà nguyên liệu này được cung cấp độc quyền bởi Vinachem (cổ đông lớn nhất của LAS).

Mảng sản xuất phân lân của LAS có công suất 750.000 tấn/năm (lân nung chảy là 300.000 tấn/năm) và phân NPK là 850.000 tấn/năm, là doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn nhất ngành.

LAS nắm gần 60% thị phần khu vực miền Bắc (80% sản lượng tiêu thụ của LAS tại thị trường này). Hệ thống đại lý của LAS trải rộng khắp thị trường miền Bắc và Bắc Trung Bộ với hơn 60 đại lý.

Tại thị trường miền Nam và Tây Nguyên, LAS chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm phân lân với các tổng kho đầu mối như Kho Đồng Nai, Sóng Thần, Trần Xuân Soạn và một số đại lý ký gửi khác.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục