Trong khi công dân khác không phải kê khai tài sản, thu nhập, còn cán bộ, công chức thì phải kê khai. Ông có cho rằng như vậy là chưa công bằng?
Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức chỉ làm những gì pháp luật cho phép hoặc yêu cầu, nên Luật Phòng, chống tham nhũng yêu cầu một bộ phận cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập.
Yêu cầu này chẳng có gì là không công bằng hay bất hợp lý. Đây là mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức, chứ không phải mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân.
Hơn nữa, không phải cán bộ, công chức nào cũng phải kê khai tài sản, thu nhập, mà chỉ có một số đối tượng nhất định. Đó là người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại vị trí có nguy cơ tham nhũng cao mới phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.
Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản.
Cũng như người dân, đối tượng phải kê khai có rất nhiều khoản thu nhập, làm sao mà nhớ được có bao nhiêu khoản thu nhập, tổng cộng thu nhập bao nhiêu để kê khai?
Tôi cho rằng, lý do này không thuyết phục. Nếu ai đó không tin thì có thể hỏi bất cứ người dân nào xem họ và gia đình họ có những loại tài sản gì, trị giá bao nhiêu, trong năm có thu nhập ở những khoản nào, tổng thu nhập bao nhiêu. Con số thu nhập người dân có thể nhớ không chính xác tuyệt đối, nhưng chắc tương đối sát với khối tài sản, thu nhập thực tế.
Bởi thế, không có lý do gì đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập lại không biết tài sản, thu nhập của mình bao nhiêu, thu nhập tăng thêm ở những nguồn nào.
Theo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, sẽ có 2 hình thức xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai thiếu trung thực. Ông lựa chọn phương án nào?
Dự luật đưa ra 2 phương án là thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý.
Mặc dù Dự thảo luật có điều khoản quy định thêm là việc thu thuế hoặc xử phạt vi phạm không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tài sản này có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, nhưng tôi cho rằng, cả 2 phương án này chưa thuyết phục.
Cụ thể, đối với phương án thu thuế, tức là tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, nhưng chưa kê khai và nộp thuế nên Nhà nước thực hiện quyền truy thu thuế. Nhưng thu thuế thu nhập cá nhân đối với loại tài sản, thu nhập này chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng.
Về phương án xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý, về mức phạt cũng tương đương với phương án thu thuế, nhưng tính răn đe cao hơn. Vì khi bị xử phạt, dù là xử phạt vi phạm hành chính, thì trong hồ sơ của cán bộ, công chức đã có “tỳ vết”, là một trong những căn cứ để bình bầu, kiểm điểm, xét danh hiệu các loại hàng năm.
Tuy nhiên, hành vi không trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập đã vi phạm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, nên cần phải xử lý kỷ luật theo quy định của 2 luật này.
Cả 2 phương án đều có hạn chế, chẳng lẽ không có cách nào thu hồi được một phần tài sản, thu nhập tăng thêm bất minh?
Nếu phải lựa chọn một trong 2 phương án trên, tôi cho rằng, chọn phương án đánh thuế thu nhập cá nhân khả dĩ hơn, nhưng theo tôi, nên bổ sung phương án nữa để Quốc hội cân nhắc, đó là tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc thì thuộc “sở hữu toàn dân”.
Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do tòa án quyết định. Nói một cách dễ hiểu là thu hồi toàn bộ tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý nguồn gốc, giao cho tòa án thực hiện.
Ông có thể giải thích rõ hơn về phương án này?
Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được, nếu người có nghĩa vụ kê khai đồng ý với kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với loại tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự.
Ngược lại, nếu không đồng ý với với kết luận thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự. Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận hoặc không công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý.
Ưu điểm của phương án này là vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng; vừa bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên do việc xác lập quyền sở hữu tài sản được giải quyết công khai tại tòa án thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Phương án này hiện được khá nhiều nước trên thế giới áp dụng.