SUDICO có còn động lực?

Từ một doanh nghiệp (DN) hàng đầu, CP thuộc nhóm hàng hiệu, Sudico (SJS) đã sa sút thảm hại và hiện trở nên tầm thường trong mắt NĐT.
Một góc dự án khu vực Nam An Khánh của Sudico Một góc dự án khu vực Nam An Khánh của Sudico

 

Phải chăng những vụ lùm xùm tại SJS trong thời gian vừa qua chính là hệ quả của một đội ngũ các “công thần” nay đã không còn động lực phấn đấu khi thị trường sụt giảm?

 

Tập đoàn Sông Đà thành lập SJS vào tháng 9/2001, chuyển đổi thành mô hình CTCP vào năm 2003 và niêm yết vào năm 2006. Tháng 1/2007, SJS tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, đến tháng 8 Công ty lại tiếp tục tăng vốn lên 400 tỷ đồng.

 

Cũng trong năm này, giá CP SJS tăng gần 4,5 lần. Tháng 12/2009, SJS tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và giá CP SJS trước thời điểm tăng vốn đã tăng gần 5 lần so với đầu năm.

 

Chỉ mất vỏn vẹn 3 năm, vốn điều lệ của SJS đã tăng gấp 20 lần nhờ phát hành CP tại những thời điểm TTCK thuận lợi (năm 2007 và 2009), chưa kể những khoản thặng dư do giá bán ra thường cao hơn mệnh giá.

 

Những năm trước đây, đã thành “lệ” DN chuẩn bị tăng vốn thì giá CP sẽ tăng. Điều này không chỉ có lợi cho DN khi có thể chào bán được giá hơn, huy động được nhiều tiền hơn mà còn tăng thu nhập đáng kể cho một bộ phận CBCNV, cổ đông nội bộ, cổ đông sáng lập.

 

Đó là chưa kể những thương vụ ngầm như “đánh đấm”, đẩy giá CP của các “sếp” lớn trong DN với các “chiến hữu” bên ngoài.

 

Thậm chí, nói như một NĐT lão luyện cổ đông nội bộ, cổ đông lớn chẳng bao giờ phải bỏ tiền túi ra để mua CP phát hành thêm, chỉ cần đẩy giá CP, sau đó bán CP ban đầu mình mua với giá 1.0 thì dư tiền để gia tăng cổ phần. SJS và Tập đoàn Sông Đà đã được hưởng lợi theo “mô hình” này.

 

Cuối năm 2007, SJS có 7 công ty liên kết, liên doanh và 2 công ty con, cuối năm 2010 số công ty liên kết trở thành 11 và công ty con là 3, chưa kể hàng chục khoản góp vốn mua cổ phần tại các DN khác.

 

Những thống kê trên đã tạo ra suy nghĩ về việc nguồn lực của SJS bao gồm vốn và con người đã bị phân tán. Khi sự phân tán không được điều tiết hợp lý rõ ràng cả bên “cho đi” lẫn “nhận vào” đều trở thành dở dở ương ương và sẽ rất thiếu động lực trong hoạt động.

 

Dự án tại khu vực Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) của Sudico được xem là lá bài tẩy của Công ty. Vài năm trước, nhiều người đã nhận định, với dự án này Sudico “thích” lãi bao nhiêu cũng được do đã mua với giá thấp và chỉ cần bán hoặc góp vốn với một đối tác là có thể hạch toán lợi nhuận.

 

Nhưng hiện dự án này đang gặp một số rắc rối. Chưa dừng lại ở đó, những lục đục nội bộ tại các vị trí chóp bu của SJS có liên quan đến Tập đoàn Sông Đà cũng khiến CP ngày càng xấu hơn trong mắt NĐT. Giá trị DN, thương hiệu của SJS đang đi xuống dần và điều này đã được thể hiện rõ thông qua giá CP từ cuối tháng 10 đến nay giảm nhiều hơn tăng.

 

Chính vì vậy, dù Tập đoàn Sông Đà sở hữu 36,3% cổ phần tại SJS nhưng khả năng “mẹ” cứu “con" cũng không dễ xảy ra. Còn về chuyện SJS “tự” cứu mình có lẽ còn xa vời hơn. Điều này đã được thể hiện từ năm 2010 đến nay, không thấy một hành động nào thực sự quyết liệt từ phía ban lãnh đạo SJS trong việc củng cố niềm tin cho cổ đông, hay chí ít cũng cải thiện hình ảnh cho mình. Những động thái như mua CP quỹ xem ra không đủ mạnh.

 

Những công bố thông tin đều theo kiểu đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý thay vì mang tính chia sẻ cởi mở. Trong khi rất nhiều DN có quy mô ngang với mình đầu tư cho bản báo cáo thường niên một cách hoành tráng để tương tác với NĐT tốt hơn, thì SJS lại đưa ra một bản báo cáo thường niên nhìn rất “nhà quê”.

 

Những câu chuyện trên đây cho thấy, mặc dù SJS đang gặp khó, nhưng chưa chắc những người có liên quan đã “khó” hay chí ít cũng “chịu khó” vì công ty. Một người vốn dĩ thiếu động lực nay gặp khó khăn thì buông xuôi là khả năng dễ xảy ra.

 

Như vậy, tương lai của SJS sẽ trở nên mờ mịt và từ đây có thể tạo ra một tiền lệ xấu: Đưa DN niêm yết trên sàn, lúc thời cơ tốt thì xẻ thịt, tận dụng nguồn vốn của thị trường, đến khi gặp khó lại "im thin thít và lặn mất tăm", để lại những thiệt hại cho cổ đông bên ngoài gánh chịu.


ĐTTC

Tin cùng chuyên mục