Phải hoàn thành đúng tiến độ
Chiều ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông - vận tải đã dự lễ khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng, với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.
Gói thầu xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Long Thành, thuộc gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Sân bay quốc tế Long Thành được quy hoạch đầu tư xây dựng đáp ứng phục vụ 100 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 1, khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sự kiện này cho thấy quyết tâm tập trung nguồn lực để thúc đẩy các dự án hạ tầng hàng không theo đúng tiến độ của Chính phủ.
“Hàng không dù đã phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều sân bay bị quá tải cả trên trời và dưới đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất, quá tải 1,7 lần so với thiết kế. Vì vậy, phải tập trung mọi nguồn lực để thi công nhà ga T3 và sân bay quốc tế Long Thành, chia tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại lễ khởi công.
Sân bay Long Thành là một trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới, kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như cả nước và khu vực phát triển.
Các nhà thầu như Tổng công ty Vinaconex (mã VCG), Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã CC1), Phục Hưng Holdings (mã PHC) cho biết đã huy động thiết bị, nhân lực để thi công ngay sau lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng.
Đây không chỉ là dự án lớn đem lại dòng tiền cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng, mà còn thể hiện “màu cờ, sắc áo”, bản lĩnh của các thương hiệu nhà thầu hàng đầu Việt Nam nên các doanh nghiệp phải nỗ lực hết sức. Do việc giải ngân và quyết toán các hạng mục rải đều qua các tháng nên doanh thu và lợi nhuận có thể thể hiện ngay vào kết quả sản xuất - kinh doanh của các nhà thầu trong nửa cuối năm 2023.
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng được kỳ vọng sáng sủa hơn trong quý IV/2023 cùng với việc khởi công siêu dự án này cũng như hàng loạt dự án hạ tầng lớn khác như đường Vành đai 4 tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Từ đây, tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy nhu cầu nội địa, cải thiện sức mua của thị trường trong những tháng cuối năm.
Vốn mồi dẫn dắt
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, “thúc đẩy đầu tư công đã trở thành quyết tâm chính trị”. Cá nhân ông chứng kiến việc lãnh đạo các địa phương học hỏi và trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy giải ngân đầu tư công rất sôi nổi. Đây là một điểm sáng của nền kinh tế cuối năm.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tháng 8, giải ngân đầu tư công ước đạt 61.300 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 8 tháng đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 49% kế hoạch năm.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư công theo tháng. |
Trước đó, cơ quan này công bố số liệu giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 215.578,9 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8% so với tháng trước, cao gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Như vậy, chỉ sau 2 tháng, giải ngân đầu tư công đã tăng gần 20%. Với việc khởi công các dự án hạ tầng lớn, kế hoạch hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Chính phủ có khả năng thực hiện được.
Theo nhận định của ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBankS, việc giải ngân mạnh đầu tư công nửa cuối năm sẽ đẩy tiền ra thị trường, là vốn mồi cho tăng trưởng tín dụng.
Ông Đào Hồng Dương và ông Lê Xuân Nghĩa đều kỳ vọng vòng quay tiền trong nền kinh tế nửa cuối năm sẽ nhanh hơn, hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục trở lại. Ông Nghĩa dẫn chứng, năm nay, vòng quay tiền mới đạt 0,64 vòng/năm, trong khi bình thường là 2,5 - 3 vòng nên cả thị trường thực sự vẫn cần có dòng tiền được bơm ra và hấp thụ, lan tỏa.
Mặt bằng lãi suất huy động đã về mức tương đương thời điểm trước đại dịch Covid-19, kéo lãi suất cho vay đi xuống. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Một nguyên nhân quan trọng khác là dù vốn rẻ nhưng cả bên vay và cho vay đều nặng tâm lý e ngại rủi ro. Chính vì thế, vốn rẻ hơn chứ không dễ hơn trước. Trong ngắn hạn, yếu tố này làm tăng trưởng tín dụng khó tăng nhanh nhưng trong trung hạn, sự khắt khe của dòng vốn sẽ đem lại sự ổn định cho kinh tế vĩ mô và sàng lọc doanh nghiệp thực sự tốt.
Trong điều kiện lãi suất rẻ nhưng cho vay không dễ, vai trò của giải ngân vốn đầu tư công với tăng trưởng kinh tế vẫn không thay đổi so với giai đoạn trước - khi nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn vì hạn mức hay vì lãi suất quá cao. Trong báo cáo với tiêu đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”, công bố ngày 10/8/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 4,7% trong năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.
WB cho rằng, chính sách tài khóa chủ động đã hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn. Việc loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện hiệu quả đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu tăng trưởng và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Các chuyên gia WB cũng khuyến nghị, để khai thác sức mạnh của đầu tư công, Việt Nam cần duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án và khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công và thể chế liên ngành.
Như vậy, sau giai đoạn ì ạch, có thể kỳ vọng, giải ngân đầu tư công bước vào giai đoạn tăng trưởng và tốc độ giải ngân sẽ bám sát kế hoạch đặt ra hàng năm trong chu kỳ ít nhất 2 - 3 năm tới.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công đang ở giai đoạn đầu - xử lý các vướng mắc về thể chế, về quản lý đầu tư. Khi các khó khăn cơ bản được tháo gỡ, giải ngân đầu tư công thoát khỏi tình trạng chậm trễ như mấy năm qua.