Sức nóng địa ốc ở Mỹ Đình

(ĐTCK-online)Giá trị bất động sản ở Mỹ Đình và khu vực lân cận đang tăng lên nhanh chóng, nhờ một loạt dự án khách sạn, văn phòng, căn hộ và trung tâm mua sắm đang đua nhau mọc lên. Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn bất động sản đang cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng thừa ở khu vực trung tâm mới của Hà Nội trong một vài năm tới, nhất là đối với lĩnh vực khách sạn và văn phòng cho thuê.
Một loạt dự án khách sạn, văn phòng, căn hộ và trung tâm mua sắm đang đua nhau mọc lên ở Mỹ Đình

Ước tính sẽ có ít nhất 2 tỷ USD được đổ vào bất động sản ở khu vực Mỹ Đình trong 5 năm tới, với một loạt dự án quy mô lớn. Trên khu đất 4,3 ha trên đường Phạm Hùng, Công ty Kaengnam (Hàn Quốc) chuẩn bị khởi công xây dựng khu căn hộ, văn phòng và khách sạn với 3 cao ốc, trong đó có tòa nhà 70 tầng cao nhất cả nước và 2 tòa nhà 47 tầng. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến lên đến 1 tỷ USD.

Một công ty Hàn Quốc khác là Charmvit cũng vừa khởi công xây dựng Dự án Hà Nội Plaza, với một khách sạn 5 sao 360 phòng và một cao ốc văn phòng cho thuê rộng 54.000 m2. Cách đó không xa, Tập đoàn Kumho cũng xúc tiến đầu tư xây dựng Khu triển lãm Mễ Trì để thay thế Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Dự kiến, tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 2,5 tỷ USD.

Khu đất 4,3 ha phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia được Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) nhắm đến với mục tiêu đầu tư 500 triệu USD xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ và văn phòng. Ở phía trước, khu đất 23 ha cũng đã được liên doanh giữa Viglacera và Orix (Nhật Bản) và UOL (Singapore) lập dự án xây dựng 1.000 căn hộ, với vốn đầu tư dự kiến là 235 triệu USD.

Bên cạnh một loạt các dự án nhà ở, khu đô thị, trung tâm mua sắm cao cấp, như Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Khu đô thị Cầu Giấy, Tổ hợp Cổng Tây Hà Nội, các nhà đầu tư đang đổ vốn rất mạnh vào lĩnh vực khách sạn và văn phòng cho thuê ở Mỹ Đình. Từ một khu vực không có một khách sạn và văn phòng cao cấp nào, Mỹ Đình đã thu hút được 8 dự án khách sạn, với tổng số 3.500 phòng theo tiêu chuẩn 5 sao. Hầu hết các dự án khách sạn này bao quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia, như Dự án JW Marriot của Bitexco (500 phòng), Crowne Plaza (363 phòng), Kaengnam (500 phòng)...

Trong lĩnh vực văn phòng, bên cạnh tòa tháp Viglacera Tower đã đi vào hoạt động, trong 5 năm tới, Mỹ Đình và khu vực lân cận sẽ đón nhận một loạt cao ốc văn phòng mới thuộc các dự án như Cổng Tây, Hanoi Landmark Tower, Vimeco, Crowne Plaza..., với tổng diện tích văn phòng cho thuê lên tới gần 500.000 m2.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản CB Richard Ellis (CBRE), nhận xét, các dự án trên sẽ biến Mỹ Đình thành một trung tâm đô thị mới của Hà Nội, bên cạnh trung tâm Hoàn Kiếm và Hồ Tây. Các nhà đầu tư cũng có lý khi chuyển dịch dự án ra Mỹ Đình, vì khó kiếm được đất ở vị trí trung tâm thành phố và Hà Nội lại đang thiếu trầm trọng văn phòng, khách sạn cho thuê.

Tuy nhiên, ông Alastair Orr Ewing, Chủ tịch điều hành của Công ty Tư vấn bất động sản Savills lại tỏ ra quan ngại về nguy cơ khủng hoảng thừa ở khu vực Mỹ Đình khi các dự án đi vào hoạt động. Với tốc độ xây dựng hiện nay, đa phần dự án khách sạn, văn phòng và căn hộ ở khu vực này sẽ được hoàn thành xây dựng vào năm 2010 - 2012. Trong thời gian ngắn như vậy, có tới gần 500.000 m2 văn phòng mới được xây dựng trong một khu vực nhỏ, tức là lớn hơn rất nhiều con số 300.000 m2 tổng diện tích tất cả các loại văn phòng ở Hà Nội đang cho thuê. Vì thế, theo ông Alastair Orr Ewing, do không có đủ khách thuê, các dự án có thể sẽ phải hạ thấp giá thuê để cạnh tranh và kinh doanh của các dự án sẽ khó khăn trong những năm đầu hoạt động.

Tình cảnh tương tự cũng có thể xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Với khoảng 3.500 phòng được hoàn thiện trong gian đoạn 2010 - 2012, số lượng phòng khách sạn ở Mỹ Đình còn lớn hơn cả tổng số phòng 5 sao của tất cả các khách sạn hiện nay trên địa bàn Hà Nội cộng lại (2.300 phòng).ª

Ngọc Sơn
Ngọc Sơn

Tin cùng chuyên mục