Sức khỏe chỉ số đến từ chất lượng DN

(ĐTCK) Gốc rễ của hoạt động đầu tư đều xuất phát từ yếu tố cơ bản mà chất lượng DN đóng vai trò quan trọng nhất.
Sức khỏe chỉ số đến từ chất lượng DN

> PVN-Index: Hỗ trợ đầu tư và đón đầu xu hướng

> PVN-Index không chỉ là bộ chỉ số ngành dầu khí

Trong bộ chỉ số PVN-Index, PVN10 quy tụ 10 DN niêm yết tiêu biểu nhất ngành dầu khí, cổ phiếu nhóm này luôn đạt thanh khoản cao và được nhiều NĐT lựa chọn.

 

PVN10 quy tụ 10 DN niêm yết tiêu biểu nhất trong ngành dầu khí

Bộ chỉ số chất lượng cao

Nhắc đến PVN-Index, trước hết có thể nói về PVN-AllShare, bao gồm các công ty trong ngành dầu khí trên cả 3 sàn UPCoM, HNX và HOSE. PVN-AllShare cung cấp cái nhìn toàn vẹn nhất về tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cho các NĐT. PVN-AllShare được tính vào cuối ngày giao dịch.

Được quan tâm nhiều nhất trong bộ chỉ số lại là PVN10, bao gồm 10 cổ phiếu thuộc PVN có mức vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất trong số các cổ phiếu thuộc PVN đang niêm yết trên HNX và HOSE. Nhóm 10 cổ phiếu này sẽ đại diện cho xu hướng chung của Bộ chỉ số PVN-Index.  Khắc phục nhược điểm của chỉ số truyền thống là VN-Index trong nhiều thời điểm bị bóp méo và phản ánh không trung thực diễn biến thị trường với sự biến động của một số cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng cao, PVN 10 sẽ được điều chỉnh để 1 cổ phiếu có tỷ trọng không chiếm quá 15% trong toàn bộ vốn hóa 10 công ty. PVN10 được tính theo thời gian thực bao gồm cả 2 phương pháp tính: Chỉ số giá (Price ndex) và Chỉ số lợi nhuận (Total Return index).

PVN10 đảm bảo các tiêu chí tin cậy, đánh giá chính xác các hoạt động của các công ty thành viên quy mô lớn, hoạt động hiệu quả thuộc PVN theo đúng chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, cổ phiếu của những DN này thường được xếp hạng blue-chip trên thị trường và được nhiều NĐT tìm mua. Tuy nhiên, việc phân tán danh mục cho cả 10 cổ phiếu thì không phải NĐT tổ chức nào cũng làm được, chưa nói đến các NĐT cá nhân. Có một chỉ số đại diện chung cho nhóm cổ phiếu này để tiến tới đầu tư cho những sản phẩm quanh nó là nhu cầu của nhiều người và PVN10 trong tương lai sẽ đem đến công cụ đầu tư nhiều tiềm năng hiệu quả.

 

Nhận diện sức khỏe PVN10

10 cổ phiếu tiêu biểu tham gia vào chỉ số PVN10 đại diện cho những công ty có mức vốn hóa và khả năng thanh khoản lớn nhất trong các DN thuộc PVN tham gia Bộ chỉ số hiện nay. Trong đó:

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã GAS) có mức vốn hóa thị trường lớn nhất trên TTCK Việt Nam . PVGas là đơn vị độc quyền cung cấp khí khô, chi phối 77% thị trường khí hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam cũng như độc quyền cung cấp dịch vụ vận chuyển khí, vận chuyển condensate từ ngoài khơi vào bờ. PVGas có mức tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2012-2016 vào khoảng 18,2%/năm, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 20,1%/năm

Tổng CTCP khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) độc quyền trong cung cấp giàn khoan tại Việt Nam . Doanh thu bình quân trong 6 năm qua của PVD tăng trưởng ở mức 26,8%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 94,8%/năm.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực cung cấp tầu dịch vụ chuyên ngành dầu khí, tầu khảo sát thăm dò dầu khí, tầu FSO/FPSO, dịch vụ đấu nối nội bộ, cơ khí dầu khí tại Việt Nam. Tăng trưởng doanh thu bình quân 6 năm qua của PVS ở mức 40,8%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 54,1%/năm.

Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 6 năm qua ở mức 24,9%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 28,9%/năm. DPM là DN sản xuất và phân phối phân Urê lớn nhất tại Việt Nam với hơn 50% thị trường trong nước.

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) có tăng trưởng doanh thu bình quân 7 năm qua ở mức 118,8%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 97,8%/năm. Số hợp đồng PVX đang triển khai xây dựng lên tới hơn 60.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVF) hoạt động trong lĩnh vực tài chính với chức năng quản lý và kinh doanh vốn chủ yếu huy động từ các tổ chức trong nội bộ PVN. Tổng tài sản kết thúc năm 2011 của PVF đạt 89.391 tỷ đồng và tương đương với các ngân hàng trong nhóm G12 tại Việt Nam. PVF cũng đang có kế hoạch chuyển đổi thành NHTM trong thời gian tới.

CTCP PVI (PVI) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, độc quyền 100% ở thị phần bảo hiểm dầu khí và cũng dẫn đầu ở nhiều mảng bảo hiểm khác như bảo hiểm tàu, bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm cơ giới… có mức tăng trưởng doanh thu bình quân trong 8 năm qua ở mức 35,8%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 82,9%/năm. 

Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực phân phối điện thoại di động, thiết bị tin học, sản phẩm hạt nhựa, nông sản, xăng dầu, dịch vụ dầu khí và sắp tới phân phối sản phẩm sơ sợi. PET có doanh thu tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua ở mức 43,5%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 54,2%/năm.

CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) phân phối và bán lẻ khí hóa lỏng (LPG) lớn nhất Việt Nam . Ngoài sản phẩm truyền thống LPG, PGS cũng là đơn vị độc quyền kinh doanh khí CNG với sản lượng khoảng 120 triệu m3/năm. Doanh thu tăng trưởng bình quân của PGS trong 6 năm qua ở mức 50,3%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân ở mức 178,4%/năm.

CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc (PVG) là đơn vị phân phối khí hóa lỏng (LPG) lớn nhất tại khu vực miền Bắc. PVG có tăng trưởng doanh thu bình quân trong 6 năm qua ở mức 60,8%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 126,5%/năm.

Thủy Nguyễn
Thủy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.53 0.07 0.01% 175,074 tỷ
HNX 234.93 0.42 0.18% 1,618 tỷ
UPCOM 91.73 0.15 0.17% 803 tỷ