Sức hút VPBank và vị thế “Big4 + 1”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai lần ký kết thành công 2 thương vụ bán vốn trị giá gần 3 tỷ USD cho 1 trong 3 định chế tài chính hùng hậu nhất Nhật Bản đã phần nào chứng tỏ sức hút khó cưỡng của VPBank trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Giờ đây, với vị thế vốn mới được thiết lập, VPBank chính thức gia nhập nhóm “Big 4+1”, sánh ngang với các “ông lớn” thị trường tài chính - ngân hàng Việt.
VPBank đang ở nhóm ngân hàng tốp đầu thị trường VPBank đang ở nhóm ngân hàng tốp đầu thị trường

Hai năm, hai thương vụ, gần 3 tỷ USD giá trị

10h30 sáng ngày 27/3/2023, trong phòng họp tầng 9 Tòa nhà VPBank - nơi diễn ra lễ ký kết thỏa thuận chiến lược giữa VPBank và Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đã nhắc lại một kỷ niệm đáng nhớ.

“Hai năm trước, cũng ngay nơi đây đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Sự kiện đó đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong mối quan hệ chiến lược giữa VPBank và Tập đoàn SMBC”, ông Dũng mở đầu bài phát biểu.

“Và ngày hôm nay, chúng ta tiếp tục thắt chặt mối quan hệ chiến lược đó bằng việc ký kết thỏa thuận bán 15% vốn điều lệ của Ngân hàng mẹ VPBank cho SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation) - một thành viên của Tập đoàn SMBC và là 1 trong 3 ngân hàng thương mại lớn nhất tại Nhật Bản”.

Phần chia sẻ ngắn gọn, xúc tích của Chủ tịch VPBank đã nhắc đến cùng lúc 2 kỷ lục của ngành ngân hàng Việt Nam trong 2 năm qua.

Vào tháng 4/2021, Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) - Tập đoàn mẹ của SMBC đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit qua Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty thành viên của SMFG. Đây là thương vụ đầu tư có quy mô lớn nhất của ngành ngân hàng tính tới thời điểm ký kết. FE Credit - công ty thành viên của VPBank - là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu tại thị trường Việt Nam khi đó với thị phần khoảng 50%.

Chưa tới 2 năm sau, kỷ lục này bị xô đổ nhưng không ai khác, vẫn chính là VPBank làm điều đó. SMBC trong tuần cuối tháng 3/2023 đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược mua 15% cổ phần VPBank với giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD - đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay.

Tòa nhà VPBank tại phố Láng Hạ là nơi xác lập 2 kỷ lục của ngành ngân hàng trong 2 năm qua

Tòa nhà VPBank tại phố Láng Hạ là nơi xác lập 2 kỷ lục của ngành ngân hàng trong 2 năm qua

Sự lôi cuốn khó cưỡng

Không phải ngẫu nhiên mà VPBank trở thành đích đến của tập đoàn tài chính đứng thứ hai tại xứ sở hoa anh đào với tổng tài sản hơn 2.100 tỷ USD.

Đối mặt với triển vọng tăng trưởng yếu trong nước, các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản liên tục tìm kiếm các thị trường mới trong vài năm gần đây. SMBC tìm cách mở rộng sự hiện diện khắp châu Á, mua lại các ngân hàng thương mại và công ty tài chính tiêu dùng, tập trung vào 4 quốc gia: Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Trong đó, tại Việt Nam, VPBank là cái tên được định chế tài chính này “chọn mặt gửi vàng”.

Chủ tịch kiêm CEO của SMFG - ông Jun Ohta, trong buổi lễ ký kết với VPBank cho biết, ông cùng đoàn công tác trong chuyến viếng thăm trụ sở của VPBank hồi tháng 9/2022 đã tận mắt chứng kiến các hoạt động thường nhật tại đây, chứng kiến sự phát triển vững chắc của Ngân hàng trong mảng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại trị trường nội địa. Đầu tư vào VPBank, theo đó, là lựa chọn lý tưởng cho SMBC trong chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

“Mặc dù thế giới đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng, VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu trong tương lai. SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank hoàn thành mục tiêu này”, ông Jun Ohta nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, kế hoạch của SMFG là nắm bắt nhu cầu về các dịch vụ tài chính cụ thể ở từng giai đoạn phát triển kinh tế, bắt đầu từ các khoản tài chính tiêu dùng như cho vay mua xe máy.

Trong năm 2021, ngoài thương vụ mua 49% cổ phần của FE Credit, SMFG đã chi gần 2 tỷ USD mua lại Công ty Tài chính Fullerton India Credit của Ấn Độ và gần 5% cổ phần của Ngân hàng thương mại Rizal của Philippines. Sau khi đi từ những phân khúc nhỏ, mục tiêu tiếp theo của SMFG là những ngân hàng top đầu thị trường.

“Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng hoạt động tại những doanh nghiệp đứng đầu ở các nền kinh tế, chẳng hạn như ngân hàng đầu tư”, ông Ohta nói trong một bài phỏng vấn hồi cuối năm 2021.

Cú huých cho VPBank và vị thế Big 4+1

Khoản đầu tư từ SMBC dự kiến giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank. Trong hoạt động ngân hàng, vốn chủ sở hữu càng lớn, lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn, hệ số an toàn vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng càng cao.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc cải thiện nguồn vốn cấp 1, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lên mức cao hơn sẽ giúp VPBank đáp ứng được room tăng trưởng tín dụng lớn.

Tuy nhiên, lợi ích từ thương vụ hợp tác với SMBC còn nhiều hơn thế. Theo giới phân tích, nền tảng vốn sau thỏa thuận với SMBC có thể giúp VPBank hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong hoạt động là nhóm các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI – những khách hàng lớn đến siêu lớn mà trước nay gần như thị phần thuộc về nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Rào cản lớn nhất trong việc tham gia phân khúc thị trường này là quy mô vốn tự có. Theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng hiện không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có.

Với những khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, nhóm doanh nghiệp FDI, quy mô vay vốn có thể lên tới hàng trăm triệu USD, tương ứng hàng chục nghìn tỷ đồng, con số này thậm chí vượt qua quy mô vốn của những ngân hàng cỡ nhỏ trên thị trường. Vì thế, lâu nay, “miếng bánh lớn” hầu hết thuộc về những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối với lợi thế lớn về quy mô vốn tự có cũng như tổng tài sản.

Tuy nhiên, cục diện thị trường có thể thay đổi khi VPBank vươn lên trở thành ngân hàng có quy mô vốn tự có đứng thứ hai toàn ngành sau thỏa thuận hợp tác với SMBC.

“Hợp tác chiến lược với SMBC là cơ hội để VPBank có thể tiếp cận các nguồn vốn vay quốc tế với chi phí thấp trong tương lai, qua đó cải thiện biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng. Đồng thời, VPBank sẽ có thế mạnh khai thác tệp khách hàng FDI có mối quan hệ với SMBC”, KBSV đánh giá.

“Với vị thế là 1 trong 3 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, SMBC sẽ có những đóng góp quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của VPBank trong dài hạn”, KBSV nhấn mạnh thêm.

Hai thỏa thuận chiến lược trong 2 năm, theo Công ty Chứng khoán VNDirect, sẽ giúp VPBank thắt chặt và cải thiện hơn nữa quan hệ hợp tác của Ngân hàng với SMFG. “Qua đó, tập đoàn tài chính Nhật có thể giúp VPBank cải thiện các quy trình, quy chế trong quản trị ngân hàng cũng như cung cấp các nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài”, chuyên viên phân tích Vũ Thế Quân của VNDirect nhận định.

Với một “hậu phương” như SMFG - xếp hạng 12 trên 100 ngân hàng lớn nhất toàn cầu về tổng tài sản, cùng với quy mô vốn được nâng cao, VPBank giờ đây được giới phân tích xếp “ngang tầm” với nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, hay còn gọi là nhóm Big 4.

“Có lẽ thị trường nên nghĩ đến khái niệm mới về nhóm ngân hàng tốp đầu thị trường, chẳng hạn Big 4+1”, trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội bình luận.

Minh Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục