Mới đây, VietBank thông báo tổ chức ĐHCĐ bất thường vào cuối tháng 10/2017 nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, VietBank đã dời ngày tổ chức ĐHCĐ bất thường, thời gian tiến hành cụ thể được giao cho Chủ tịch HĐQT quyết định và phụ thuộc vào thời gian Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hồ sơ ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT, cũng như tuân thủ về thời gian công bố thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
HĐQT VietBank hiện có 7 người, đáng chú ý trong đó là bà Đặng Ngọc Lan, vợ của “bầu” Kiên.
Về kết quả kinh doanh 2016, VietBank đạt 69,6 tỷ đồng lãi trước thuế, chỉ hoàn thành hơn 25% kế hoạch lợi nhuận đề ra (ngân hàng này cũng liên tục bão lỗ nhiều năm trước đó). Tính đến cuối năm 2016, VietBank có tổng tài sản hợp nhất là 36.698 tỷ đồng, tổng huy động vốn là 30.182 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 26.313 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,7%.
Hiện tại, mức vốn điều lệ của VietBank đạt trên 3.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn đôi chút so với mức vốn pháp định. VietBank có kế hoạch tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng trong năm 2017 thông qua việc chi trả cổ tức năm 2016 ở mức 10% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch nãy vẫn “ bất động”. Những năm trước, VietBank đều có kế hoạch tăng vốn cho từng năm, những đều không thực hiện được, nếu có cũng chỉ nhúc nhắc.
Các chỉ tiêu VietBank dự trình ĐHCĐ 2017 gồm: Tổng tài sản đạt 46.009 tỷ đồng (tăng 25% so với năm 2016); huy động vốn đạt 37.836 tỷ đồng (tăng 25%); dư nợ tín dụng đạt 29.053 tỷ đồng (tăng 10%); tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ là 35 tỷ đồng, giảm gần 50%; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục dưới mức 2%.
Khó khăn vẫn còn đó
Trong khi hàng loạt ngân hàng quy mô khá và lớn liên tục báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, thì chuyện của VietBank không phải là duy nhất. Còn không ít cái tên như Saigonbank, Viet Capital Bank, VietA Bank… cũng đang “chìm lắng”.
Saigonbank, cái tên được nhắc tới không bởi thành tích kinh doanh, mà ở khía cạnh luôn chịu áp lực lớn từ việc thoái vốn của cổ đông chiến lược, cũng như nguy cơ bị sáp nhập.
Thực tế, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện thông tin Saigonbank sẽ “về chung nhà” với Vietcombank, song do cổ đông lớn của VietBank chưa đồng ý sáp nhập, nên đến nay, nhà băng này vẫn phải tự tái cơ cấu.
Sau kỳ ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào giữa tháng 6/2017,
Vietcombank bất ngờ công bố thoái vốn. Ngày 20/11 tới đây, Vietcombank sẽ bán đấu giá phần vốn góp 132,5 tỷ đồng, tương đương 4,3% vốn điều lệ tại
Saigonbank, với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần. Cuộc đấu giá được tổ chức tại Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Trước đó, một cổ đông lớn khác là Vietinbank đã thoái thành công trên 5% vốn tại Saigonbank để giảm tỷ lệ nắm giữ từ 10,39% xuống 4,91% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Saigonbank…
Thêm một chuyện nữa phải kể tới các ngân hàng này, đó là việc không có “dấu hiệu” của việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM như yêu cầu, hay những động thái cụ thể để tăng quy mô vốn điều lệ. Đã có những cụm từ “chây ỳ lên sàn” khi nói tới các cái tên như VietBank, bởi thực tế, cơ quan quản lý đã nhiều lần nhắc lại yêu cầu này khi đề cập tới tình trạng chậm trễ đưa cổ phiếu giao dịch tập trung hoặc niêm yết.
Theo các chuyên gia trong ngành, có tình trạng này là bởi chế tài hiện mới chỉ dừng ở việc “nhắc nhở”, không mang tính bắt buộc, nên khi thị trường còn chưa phù hợp, các ngân hàng sẽ không mặn mà đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có chế tài và biện pháp xử lý mạnh hơn nữa để thúc các ngân hàng này lên sàn.