Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, bởi nền kinh tế vừa lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV/2015 đã nhanh chóng gặp phải những khó khăn nhất định 6 tháng đầu năm 2016, nhất là với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cùng với đó, nhiều yếu tố khách quan từ diễn biễn tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu không thuận lợi xuất hiện trong nửa đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế nội địa. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm sút 0,18%.
“Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm khu vực này có mức tăng trưởng âm. Nông, lâm, thủy sản đã nhiều năm là cứu cánh cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng 1997 - 1999 và 2012 - 2014. Việc khu vực này tăng trưởng âm đã làm giảm 0,55% tăng trưởng chung”, ông Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cũng tăng trưởng thấp, chủ yếu do công nghiệp khai thác giảm. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng đầu năm đạt khoảng 7,88 triệu tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy có tăng 10,1%, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với năm 2011, 2015. Đây là dấu hiệu đáng chú ý cho thấy tăng trưởng kinh tế chững lại, mặc dù các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm.
Một yếu tố khác làm chững lại đà tăng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm ước đạt 1.724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá, con số này sẽ là 7,5%, thấp hơn so với mức tăng 8,8% cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2016 là 6,7%, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, 6 tháng cuối năm, GDP cần tăng khoảng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, đặt sức ép lớn cho tất cả các ngành, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, ngay từ quý I, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu chững lại. Sang quý II, dù có sự chỉ đạo khá sát của các bộ ngành, nhưng GDP trong quý chỉ tăng thêm 0,07% so với quý trước đó. So với mức chênh lệch tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trung bình từ 0,2 - 0,35% của những năm trước, có thể thấy độ doãng đang ngày càng thu hẹp lại.
Với dự báo từ nay tới cuối năm, nền kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường, trong đó có nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng kinh tế, nhất là diễn biến phức tạp của thị trường tài chính tiền tệ do sự kiện nước Anh rời khỏi EU, sẽ có khả năng tác động tới nền kinh tế Việt Nam, ông Tuyến cảnh báo độ doãng này còn có thể thu hẹp hơn nữa. Đồng nghĩa với tăng trưởng sẽ chậm hơn nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Các giải pháp này, theo ông Tuyến, là trong ngắn hạn, Nhà nước cần có sự chỉ đạo để đảm bảo lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả vụ hè khả quan. Đối với ngành công nghiệp khai khoáng, sản lượng dầu thô khai thác trong quý II đã giảm đáng kể, trong khi tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp quan trọng này vào tăng trưởng GDP đứng thứ 4 trong số các ngành then chốt.
Do đó, để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,6% nửa cuối năm, ngành khai khoáng cần phải đạt mức tăng trưởng xấp xỉ năm 2015, khai thác dầu thô phải vượt 2 triệu tấn so với kế hoạch 14,02 triệu tấn cả năm. Đây là mục tiêu khó khăn trong điều kiện xu hướng giá dầu thô thế giới khó đoán định, trong khi ngành khai thác dầu khí đã và đang tạm dừng khai thác một số mỏ có hiệu suất thấp.
Về tổng thể, ông Lâm đưa ra các nhóm giải pháp khuyến nghị để đạt mục tiêu tăng trưởng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2016; có giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển cách ngành dịch vụ có lợi thế như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng…
Cũng theo ông Lâm, với những lo ngại về biến động trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp diễn biến trong nước và quốc tế; tạo điều kiện tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận vốn...