DN tích trữ dần ngoại tệ
Ngày 8/12/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là người cư trú, được thị trường nhìn nhận là đã có những thay đổi quan trọng so với Thông tư 43/2014/TT-NHNN trước đây.
Theo đó, Thông tư 24 sẽ có hiệu lực trong hai tuần nữa (từ ngày 1/1/2016) với các nhu cầu và đối tượng được vay bằng ngoại tệ không thay đổi, nhưng thời hạn thực hiện đã khác. Cụ thể, tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau:
Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Đồng thời, cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm, để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay…
“Thực tế, nhu cầu hiện vẫn lớn hơn nguồn cung và theo quy luật, một số người không mua được ngoại tệ sẵn sàng trả giá cao hơn, gây sức ép làm giá ngoại tệ trên thị trường tăng” - ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC.
Đặc biệt, đối với cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/3/2016.
“Trong Dự thảo không đề cập tới thời hạn nhưng trong Thông tư 24, NHNN đã chính thức chốt lại thời gian được cho là mục tiêu của NHNN nhằm cắt bỏ lượng lớn nhu cầu vay ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua-bán ngoại tệ theo hợp đồng xuất-nhập khẩu trong năm tới. Điều này đã dẫn đến tâm lý của lãnh đạo DN rằng: sang năm 2016, NHNN không có ràng buộc về điều chỉnh tỷ giá nên có thể phá giá ngay trong quý I/2016. Do vậy, DN “chạy” trước để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến DN”, giám đốc kinh doanh tiền của một ngân hàng phân tích.
Cầu ngoại tệ tăng mạnh
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho biết, sau khi NHNN can thiệp mạnh mẽ cách đây khoảng 1 tháng và ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN, nhu cầu thị trường thời gian gần đây là nhu cầu thực, khi hoạt động mua hàng chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm tăng lên.
Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý nền kinh tế có sự phục hồi trở lại nên nhu cầu mua máy móc, thiết bị tăng lên.
Nhiều DN trước đây không dám mở rộng nhà xưởng, sản xuất thì hiện nay đã tự tin khởi động lại hoạt động để đón đầu chu kỳ kinh tế mới của Việt Nam. Do vậy, cầu ngoại tệ xuất phát chính từ nhu cầu thực của các DN hiện nay.
“Thực tế, nhu cầu hiện vẫn lớn hơn nguồn cung và theo quy luật, một số người không mua được ngoại tệ sẵn sàng trả giá cao hơn, gây sức ép làm giá ngoại tệ trên thị trường tăng”, vị giám đốc kinh doanh tiền trên nói.
Một yếu tố khác tác động tới tỷ giá là tính chu kỳ của nhu cầu sản xuất kinh doanh vào những tháng cuối năm.
Tác động từ bên ngoài
Ông Hải từng chia sẻ, Việt Nam càng hội nhập vào kinh tế thế giới thì quyết định của các ngân hàng nhà nước trên toàn cầu càng gây nhiều ảnh hưởng lên VND và thực tế cho thấy diễn biến đúng như vậy.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân câu chuyện nhân dân tệ (NDT) được đưa vào trong rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế không tác động đến thị trường ngoại hối Việt Nam nhiều, nhưng một khi NDT nằm trong rổ SDR có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận điều hành tỷ giá sát với thị trường. Do vậy, biến động của NDT sẽ mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng của Việt Nam.
Trong khi đó, về lý thuyết, thông thường khi NDT vào rổ SDR thì phải lên giá, bởi nhu cầu mua NDT tăng lên, nhưng thực tế NDT không những chưa lên giá mà còn giảm giá.
Trên cơ sở xem xét các điểm mới trong thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như diễn biến của kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới, Báo cáo đánh giá khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 12/2015 của BIDV cho rằng, cơ quan này sẽ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong tháng 12/2015 với biên độ khoảng 0,25%. Theo đó, thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục cho thấy biến động khá phức tạp và đặc biệt là sự liên thông tương đối chặt chẽ với thị trường ngoại hối quốc tế.
Mặc dù từ cuối tháng 10 đến nay, cán cân thanh toán tổng thể chuyển biến khá tích cực, nhập siêu giảm mạnh và thậm chí cán cân thương mại thặng dư 500 triệu USD trong tháng 10/2015. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng mạnh chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại liên quan đến đà tăng của USD trên thị trường quốc tế, kỳ vọng vào khả năng nâng lãi suất cơ bản của Fed trong tháng 12 và những vấn đề bất ổn của kinh tế thế giới.
“Do vậy, với dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế trong tháng 12, cộng với các yếu tố mùa vụ về mặt nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng thì thị trường ngoại hối dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khá căng thẳng”, Báo cáo của BIDV nhận định.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Thị trường ngoại hối Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diến biến của NDT và động thái tăng lãi suất của Fed để có bước đi đúng”.