Sức ép minh bạch!

(ĐTCK) Khi càng ngày người dân càng được tạo điều kiện có một “hệ thống camera” của riêng mình để kiểm tra, giám sát các sự kiện, vấn đề dù to hay nhỏ, thì trước tiên, người trong cuộc phải tự giám sát mình bằng nỗ lực minh bạch tự thân!
Sức ép minh bạch!

Tất cả khách hàng và những ai quan tâm đến Dự án Sunview Town đều có thể theo dõi tiến độ, giám sát chất lượng thi công với tần suất thời gian từng giờ, từng phút. Đó là cam kết của Tập đoàn Đất Xanh - chủ đầu tư Dự án Khu phức hợp ven sông Sunview Town.

Đó không phải là lời nói suông. Với 4 camera giám sát tiến độ liên tục được nối trực tuyến với trang web của DN, bất cứ lúc nào, các khách hàng đều có thể theo dõi dự án theo tiến độ thực.

Khi thị trường lạnh ngắt với khối băng thanh khoản, đã có hàng loạt chiêu bán hàng được đưa ra. Từ giảm giá khủng, mua trả chậm, khuyến mại nội thất… Khách hàng đã bắt đầu cảm thấy mình là thượng đế khi đi mua nhà, dù phần đông vẫn chỉ là những thượng đế nghèo.

Nhưng có một điều quan trọng hơn những gói khuyến mại trên là những thượng đế nghèo ấy cần biết chính xác bao giờ họ sẽ được nhận nhà, cần biết họ không “thả gà ra đuổi” với món tiền tích cóp nhiều khi là cả đời. Minh chứng là ở trong Nam hay ngoài Bắc, những dự án hút khách luôn là của những chủ đầu tư uy tín và có tiến độ xây dựng rõ ràng, minh bạch.

Chỉ có điều, trong bối cảnh thị trường bất động sản vàng thau lẫn lộn như hiện nay, để có thể “hữu xạ tự nhiên hương” là rất khó. Trao đổi với người viết, ông Lê Văn Như Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh cho biết, tiến độ xây dựng hiện nay vẫn là quan tâm lớn nhất của khách hàng, thậm chí nhiều lúc nó còn trở thành sự sợ hãi, thấp thỏm, lo âu...

Hiểu được nỗi lo lắng ấy chính là ngọn nguồn để Đất Xanh nghĩ ra ý tưởng “rất độc” là lắp camera giúp khách hàng theo dõi dự án. Tất nhiên, chủ đầu tư phải rất tự tin vào khả năng hoàn thành công việc thì mới dám “show hàng” cho bàn dân thiên hạ như vậy. Nhưng trên thực tế, khách hàng không hề được hưởng thêm giá trị gia tăng từ ý tưởng này. Cái mà họ “được hưởng” là thấu hiểu nỗ lực minh bạch của chủ đầu tư trong việc sử dụng đồng tiền khách hàng bỏ ra.

“Hiện có khoảng 700 lượt khách truy cập vào website để theo dõi tiến độ dự án mỗi ngày”, ông Hải vui mừng cho biết.

 Nối tiếp câu chuyện về sự minh bạch. Dư luận xã hội đang râm ran với hành động đi “ngược chiều” của ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm, khi ông là vị đại biểu dân cử duy nhất của địa phương này từ chối “bấm nút” thông qua Đề án tách Từ Liêm thành 2 quận.

Chứng minh cho hành động “lạ” này, ông Kiên đã dẫn ra những chứng cứ khá thuyết phục. Theo đó, nhiều thông số về dân cư, về cơ sở hạ tầng… của 2 quận dự kiến thành lập mới đều chưa chuẩn. Cụ thể, theo ông Kiên, dù không đáp ứng được tiêu chuẩn mật độ dân số tối thiểu để thành quận phải là 7.000 người/km2, nhưng đề án vẫn biến báo cho hợp lệ.

Cũng nhằm “đôn” mật độ cư dân lên, “tại đề án xuất hiện hàng loạt khu đất không người, trong khi trên thực tế, có những khu đã đô thị hóa 100%”, vị này nói và cho rằng, nếu đề án được chính thức hóa thì những người dân sống tại những khu đất này có thể gặp rủi ro về mặt pháp lý.

Đáng nói là sau nhiều ngày im lặng, trước sức ép của công luận, vị Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cũng đã phải lên tiếng thừa nhận nhiều số liệu trong các bản thảo, đề án và tờ trình trước nhân dân và HĐND chưa chuẩn. Tuy nhiên, tiếp xúc với báo giới, “quan điểm xuyên suốt” của vị này vẫn là né tránh và quy về “lỗi kỹ thuật” hoặc không nắm vững số liệu…

Chưa dám khẳng định có gì đó khuất tất, nhưng rõ ràng, một văn bản phức tạp, có liên quan đến hàng trăm ngàn người mà chỉ được chuyển cho các đại biểu “xem qua 5 phút trước khi vào họp để thảo luận rồi quyết ngay trong buổi sáng” thì quả là gấp gáp một cách bất bình thường!

Tại Đất Xanh, ông Lê Văn Như Hải khẳng định, với sự quan tâm của khách hàng đối với ý tưởng camera 24/7, Đất Xanh sẽ triển khai trên tất cả các dự án từ nay về sau. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Kiên cũng lường trước khả năng “nếu kiến nghị của tôi không được thực hiện”, thì ông mong đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh một cách công khai, minh bạch để “thông qua đề án này phải nhìn nhận lại, sau này mỗi đề án được trình lên không có sự sai sót và phải được nghiên cứu kỹ để không gây hậu quả pháp lý cho người dân”.

Cả hai câu chuyện trên dù tầm mức khác hẳn nhau, nhưng đều cho thấy một điều: khi càng ngày người dân càng được tạo điều kiện có một “hệ thống camera” của riêng mình để kiểm tra, giám sát các sự kiện, vấn đề dù to hay nhỏ, thì trước tiên, người trong cuộc phải tự giám sát mình bằng nỗ lực minh bạch tự thân!

Trọng Hiếu
Trọng Hiếu