Chị Nguyễn Thanh Bích, nhân viên một ngân hàng cho biết, những tháng đầu năm, nhân viên giao dịch như chị Bích không bị áp chỉ tiêu huy động tiền gửi, do thanh khoản của ngân hàng khá dồi dào, song kể từ tháng 9 vừa qua, họ phải chịu định mức huy động hàng tháng trên dưới 4 tỷ đồng.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm bằng ngoại tệ đã về 0%/năm với khách hàng tổ chức và 0,25% với khách hàng cá nhân theo Quyết định 1938/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, song không vì thế mà lãi suất tiền gửi VND giảm. Ngược lại, các nhà băng đang từng bước điều chỉnh tăng dần lãi suất huy động VND, nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư, đáp ứng nhu cầu vốn tăng mạnh cuối năm.
Từ ngày 21/10, Viet Capital Bank điều chỉnh lãi suất tiền gửi VND với mức cộng thêm 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 7 tháng tại VietCapitalBank là 6,5%/năm, kỳ hạn 8 tháng là 6,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 6,7%/năm, kỳ hạn 10 tháng là 6,7%/năm và kỳ hạn 11 tháng là 6,8%/năm. Đồng thời, với loại hình "Tiền gửi Online", thực hiện giao dịch trên Mobile Banking hoặc Internet Banking, khách hàng cũng được hưởng lãi suất bằng với lãi suất tiền gửi thông thường. Riêng kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng được ưu đãi cộng thêm 0,2%/năm so với lãi suất sản phẩm tiền gửi thông thường tại quầy.
Còn với sản phẩm Tiết kiệm 39+ Ưu việt (dành riêng cho khách hàng có độ tuổi từ 39 trở lên), lãi suất ở các kỳ hạn 7, 8, 9, 10, 11 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm so với mức lãi suất tiền gửi thông thường, đặc biệt với kỳ hạn 11 tháng lãi suất lên đến 6,9%/năm. Do quy mô nhỏ nên Viet Capital Bank thường duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức tương đối cao so với các ngân hàng cổ phần có quy mô lớn hơn để thu hút khách hàng.
Tại Ngân hàng S., khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 3 - 6 tháng, với số tiền trên 200 triệu đồng, khách hàng sẽ được cộng thêm từ 0,2 - 0,3%/năm lãi suất. Hay Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) cũng có chính sách cộng thêm biên độ lãi suất cho khách hàng 0,2%/năm, nhưng chỉ dành cho khách hàng có độ tuổi 45 tuổi trở lên và gửi kỳ hạn phải từ 15 tháng trở lên.
Ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ khác, lãi suất kỳ hạn 3 - 6 tháng cũng được điều chỉnh thêm từ 0,1 - 0,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 -13 tháng trở lên ở các nhà băng nhỏ đều được “neo” mức trên 7%/năm. Đồng thời, các nhà băng đẩy mạnh khuyến mãi, tặng quà. NamA Bank vừa triển khai chương trình “Gửi tiền, nhận quà”, với hơn 3.000 quà tặng dành cho khách hàng đến gửi tiết kiệm từ nay đến hết tháng 12/2015.
Sở dĩ các ngân hàng cạnh tranh huy động vốn trong thời gian cuối năm là do tình hình huy động tiết kiệm trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại. Tại ACB huy động 9 tháng chỉ tăng trưởng 8%, trong khi dư nợ tín dụng tăng gần 13%. Tương tự, ở nhiều nhà băng khác, huy động vốn cũng tăng chậm hơn so với tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay như VPBank. Điều này có một phần nguyên nhân là mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm sâu, thị trường bất động sản đang ấm dần hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân mua nhà, trong khi cầu vốn đang dần cải thiện.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại dự báo, khả năng lãi suất huy động tiền gửi VND sẽ tăng dần trong 3 tháng trước tết Nguyên đán. Bởi cuối năm, không chỉ nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mà nhu cầu rút tiết kiệm mua sắm, chi tiêu hoặc dùng cho các mục đích khác như mua, sửa chữa nhà của người dân cũng tăng lên.
Cùng quan điểm đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ khó giảm, cho dù lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Ngược lại, với diễn biến của thị trường hiện nay, nhiều khả năng lãi tiền gửi tiết kiệm bằng VND sẽ nhích lên từ nay đến hết năm 2015.