Sức ép cung hàng

(ĐTCK) 2 tháng cuối năm, thị trường thứ cấp sẽ chịu một thách thức lớn, đó là cung hàng dồn dập từ các phiên IPO, đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty lớn. Ước tính, mỗi tháng, chỉ riêng trên hai sở GDCK đã có gần chục phiên đấu giá được tổ chức.
 
Sức ép cung hàng

Có thể kể ra rất nhiều phiên đấu giá quy mô lớn, đơn cử Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đấu giá 77,8 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 11.800 đồng/CP; Công ty mẹ Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đấu giá 35,5 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.300 đồng/CP… Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 24 đơn vị ngành đường sắt và dự kiến trước 31/12, các đơn vị này sẽ hoàn tất việc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Thị trường cũng chứng kiến nhiều phiên chào bán cổ phần quy mô lớn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) như phiên đấu giá 3.647.433 cổ phần, tương đương 52,4% vốn điều lệ của Khách sạn Kim Liên với giá khởi điểm 30.600 đồng/CP, hay phiên chào bán 20% cổ phần tại Nước khoáng Vĩnh Hảo với giá khởi điểm 41.100 đồng/CP. Giá trị tối thiểu mà nhà đầu tư quan tâm phải bỏ ra trong mỗi phiên đấu giá cũng trên 100 tỷ đồng.

Theo số liệu của Sở GDCK Hà Nội, tính đến hết tháng 10, có 51 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK Hà Nội. Như vậy, trung bình, có 5 DN thực hiện IPO một tháng. Chỉ tính riêng tháng 10, có 7 phiên đấu giá được tổ chức, trong đó có 4 phiên IPO và 3 phiên đấu giá cổ phần để thoái vốn nhà nước. Dự kiến, trong tháng 11, có 9 doanh nghiệp đăng ký bán đấu giá cổ phần tại HNX, trong đó có 8 phiên IPO và một phiên đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước. Tháng cuối năm, số DN thực hiện IPO sẽ tăng mạnh do 2015 là thời điểm nhiều DN phải hoàn tất kế hoạch cổ phần hóa cũng như thoái vốn nhà nước.

Khi nguồn cung lớn như vậy, cầu sẽ có cơ hội để chọn lọc được cổ phiếu tốt, giá hợp lý. Thực tế, số liệu từ HNX cho thấy, lực cầu hấp thụ nguồn cung này chưa thực sự có tín hiệu tích cực. Cụ thể, chỉ có 33 phiên đấu giá trên HNX bán hết 100% số cổ phần đưa ra chào bán, tương đương 64,7%. Thời điểm này nhà đầu tư nhỏ lẻ hầu như không còn quan tâm tới việc tham gia các phiên đấu giá cổ phần, ngoại trừ cán bộ nhân viên của chính các DN thực hiện IPO. Lực cầu do đó đến chủ yếu từ các nhà đầu tư tổ chức, vốn được kỳ vọng sẽ nhen thêm lửa cho thị trường thứ cấp trong những tháng cuối năm.

Trở lại với 2 sàn chứng khoán tuần qua, thị trường có những phiên tăng tích cực, song sắc xanh chủ yếu đến từ các mã trụ quen thuộc như VNM, FPT. Các nhóm cổ phiếu khác giao dịch uể oải khiến thanh khoản trong những phiên tăng không hề được cải thiện. Kịch bản về một xu hướng tăng mạnh do đó khó có thể xảy ra, mà chủ yếu được nghiêng về những phiên tăng giảm đan xen. Nhiều CTCK còn dự báo rung lắc sẽ xảy ra khi VN-Index hướng tới vùng kháng cự mới tại 620 – 625 điểm.

Trong bối cảnh thị trường như hiện tại, có lẽ khó thuyết phục nhà đầu tư bỏ thêm vốn mới vào thị trường, mà chủ yếu tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để cơ cấu lại danh mục, tăng vị thế các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ