Sức ép của đồng bạc xanh lên xuất nhập khẩu

(ĐTCK) Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% trong ngày 7/5, đến ngày 21/5, các NHTM đã niêm yết tỷ giá ở mức 21.770 - 21.830 VND/USD (mua vào - bán ra).
NHNN đã sử dụng hết “quota” tăng tỷ giá năm nay

Song, theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, sự tăng giá của đồng bạc xanh và việc giảm giá mạnh của đồng Euro, yên Nhật cũng như các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ thế giới vẫn ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu. Cùng với đó, các DN xuất, nhập khẩu lo ngại tỷ giá sẽ tiếp tục tăng.

Đại diện một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, việc điều chỉnh tăng thêm tỷ giá là cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu trước áp lực các đồng tiền ở nhiều thị trường xuất khẩu đang trên đà mất giá. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh thêm nữa, mà tỷ giá đã tăng hết “room”.

Trả lời ĐTCK, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn 3 cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đang gặp khó khăn, do thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu, Nhật. Trong khi đó, so với đồng USD, đồng Euro đang mất khoảng 20% giá trị.

Cùng với thị trường châu Âu, xuất khẩu sang thị trường Nhật, Nga cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá của đồng nội tệ tại các nước này. Vì thế, việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% của NHNN trong ngày 7/5 đã phần nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Hồng, 1% biên độ tăng thêm cũng chưa thấm vào đâu, nhất là khi các dự báo cho rằng nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD trong thời gian tới.

“Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu muốn có sự công bằng để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam”, ông Hồng nói và cho biết thêm, điều này còn gây nhiều bất lợi hơn đối với những công ty xuất khẩu nhưng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, bởi sự hồi phục của đồng đôla Mỹ trong thời gian dài vừa qua và áp lực phá giá đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới đã gây sức ép đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thông thường tỷ giá tăng sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhất là đối với ngành thủy, hải sản. Bởi đặc thù của ngành thủy, hải sản là nguyên, phụ liệu đầu vào từ tôm, cá lấy nguồn cung trong nước, nên khi tỷ giá tăng, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi mà nông dân cũng có thể bán được giá cao hơn.

Thế nhưng, ông Hòe cho rằng, việc tăng 1% biên độ tỷ giá của NHNN mới đây không đủ bù đắp cho sự trượt giá của đồng euro và yên Nhật, cũng như một số đồng tiền khác trong rổ tiền tệ trên thế giới. Điều này khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng trước áp lực giảm giá, bởi các nhà nhập khẩu trên thế giới đòi giảm giá bán mới đồng ý mua hàng.

Thêm vào đó, đồng USD đang hồi phục trở lại và nếu Fed sớm tăng lãi suất cuối năm nay, USD sẽ càng tăng giá so với yên Nhật cũng như euro. Trong khi đó, tỷ giá vẫn được kiểm soát và tính đến thời điểm này đã tăng hết “room” theo cam kết của NHNN đưa ra cho năm 2015. Ông Hòe cho rằng, cần linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, nhất là trước sự hồi phục của đồng USD trong những tháng cuối năm.

Theo HSBC, việc thay đổi tỷ giá tham chiếu lần này được nhìn nhận là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại (3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số chưa từng thấy kể từ năm 2011) và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam, chứ không nhằm để thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, HSBC tin rằng, những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức.

Hiện nay, có hơn 20 quốc gia trên thế giới đã phá giá đồng tiền của mình, trong đó, có những nước rất lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế. Xét thấy trong bối cảnh này, nếu Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá sẽ có thiệt hại đối với xuất khẩu, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy các yếu tố trên thị trường gần đây chưa đủ sức để thuyết phục để phá giá tiền đồng, song theo một chuyên gia thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhà điều hành nên quan sát thị trường một cách chặt chẽ để có thể điều chỉnh tỷ giá và NHNN đang đảm nhận tốt vai trò này. 

Một khi tỷ giá tăng thì các nhà nhập khẩu và cả những nhà xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu sẽ phải trả giá cao hơn. Ông Nguyễn Minh Tấn, chủ một doanh nghiệp phân phối các loại linh kiện, máy móc nhập khẩu cho biết, với 1% biên độ tỷ giá tăng thêm vừa qua, chi phí của công ty phải đội lên mức tương ứng. Vì thế, một khi tỷ giá tăng đồng nghĩa các mặt hàng nhập khẩu trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng giá.      

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục